14/12/2015 - 3:13 pm
0
Việt Nam là quốc gia tiên phong trong việc phê chuẩn Công ước quốc tế Quyền trẻ em (CRC) nhưng vẫn chưa có một cơ chế giám sát Quyền trẻ em độc lập.
Những năm gần đây, tình trạng bạo lực và lạm dụng trẻ em ở Việt Nam diễn ra ngày một nghiêm trọng, phức tạp khi số vụ xâm hại trẻ em tăng cao theo từng năm, nó xảy ra ở khắp mọi nơi, thậm chí ngay ở các môi trường có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em như gia đình, trường học, các cơ sở chăm sóc thay thế và đặc biệt, những người xâm phạm các em đa phần lại là người quen biết thậm chí là thân thiết. Tuy nhiên, khâu xử lý và giải quyết tình trạng đáng buồn trên còn nhiều hạn chế và thiếu minh bạch.
Vào ngày 7/12/2015, tại hội thảo Quốc tế “Cơ chế giám sát thực hiện Quyền trẻ em hiệu quả-Kinh nghiệm Quốc tế và Việt Nam” do Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội và UNICEF Việt Nam đồng chủ trì, ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên TƯ Đảng đã nhấn mạnh: “Mặc dù Việt Nam là quốc gia tiên phong trong việc phê chuẩn Công ước quốc tế Quyền trẻ em (CRC) nhưng Việt Nam vẫn chưa có một cơ chế giám sát Quyền trẻ em độc lập – đây là cam kết mà các quốc gia phê chuẩn công ước quyền trẻ em cần thực hiện, nhằm đảm bảo việc thực hiện và công nhận quyền trẻ em rộng khắp.”
Tại buổi Hội thảo, BS. Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) đã nêu ra nhiều hạn chế trong việc giải quyết tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ.
Về mặt chính sách, có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm triển khai, thực hiện Quyền trẻ em nhưng chồng chéo và thiếu rõ ràng về trách nhiệm. Hầu hết các vụ việc xảy ra đều chậm chễ trong báo cáo và xử lý vì nước ta thiếu mạng lưới phòng ngừa và phát hiện sớm các vụ vi phạm quyền trẻ em.
Đặc biệt có tình trạng thiếu khách quan, minh bạch trong xử lý vi phạm Quyền Trẻ em khi quá trình này bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan, thậm chí là sự can thiệp của lãnh đạo cấp trên. Do vậy, BS. An cho rằng việc hình thành một cơ chế giám sát độc lập là điều thực sự cần thiết.
Cơ quan giám sát độc lập sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi luật pháp, chính sách của nhà nước nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em; cung cấp những báo cáo kịp thời, chính xác và các khuyến nghị cho các cơ quan liên quan. Cơ quan này sẽ tham gia vận động thay đổi trong luật pháp, chính sách và thực hành phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em cũng như là đại diện cho tiếng nói trẻ em và phát ngôn viên về các vấn đề trẻ em.
Trong bài tham luận, BS. Nguyễn Trọng An cũng đề xuất các khuyến nghị để đảm bảo cơ chế giám sát độc lập quyền trẻ em được hoạt động hiệu quả. Giám sát độc lập nên có một bộ máy, cơ chế riêng và cần được cấp ngân sách nhà nước nhằm cải thiện hiệu suất của các cơ quan nhà nước và phi nhà nước mà không phải đối chất với các tổ chức này trong vấn đề thực hiện quyền trẻ em. Bộ máy này cũng cần được tiếp cận với lãnh đạo cấp cao của chính phủ để tham vấn, bảo vệ Quyền trẻ em và thúc đẩy lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Cơ chế giám sát độc lập nên tích cực huy động nguồn lực từ các nhà khoa học, các tổ chức xã hội dân sự, trẻ em, các cơ quan truyền thông, giới doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế… trong thu thập, phản hồi, xử lý thông tin.
Quý vị quân tâm có thể xem nội dung bài tham vấn tại đây