27/01/2016 - 4:34 pm
0
Những kiến thức đặc thù liên quan tới tâm lý xã hội trong hành vi con người, tham vấn cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, tham vấn can thiệp khủng hoảng rối nhiễu tâm trí, và quản lý ca CTXH đã được các chuyên gia đến từ tổ chức HealthRight New York chia sẻ tại buổi hội thảo
Ngày 22.1, Hội thảo “Chia sẻ về Công tác xã hội trong y tế” đã được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) với sự tham gia của các chuyên gia đến từ tổ chức HealthRight New York, gồm có ThS. Cristina Chin, ThS. Lola Garcia, TS. Montserrat Soler, và BS. Ambreen Khan. Đây đều là những chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y tế cộng đồng và công tác xã hội (CTXH). Bên cạnh đó, các chuyên gia còn đem đến hội thảo những kiến thức đặc thù liên quan tới tâm lý xã hội trong hành vi con người, tham vấn cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình; tham vấn can thiệp khủng hoảng rối nhiễu tâm trí, và quản lý ca CTXH.
Thành phần tham dự hội thảo bao gồm các các bộ từ phòng Công tác xã hội bệnh viện Phụ sản, bệnh viện Nhi Trung ương, Đường dây Bảo vệ trẻ em (Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em), Trung tâm Tham vấn, nghiên cứu và phát triển cộng đồng (CoRE), Công ty CP Tham vấn, nghiên cứu và tâm lý học cuộc sống; các giảng viên và sinh viên từ các trường ĐH Công Đoàn, ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Thanh thiếu niên, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn.
Các nội dung được chuyên gia chia sẻ tập trung vào phân tích căn nguyên ra đời, sự phát triển chuyên môn hóa của CTXH và sự đa dạng của các đối tượng hỗ trợ (HIV/AIDS, bạo lực gia đình, nghiện ma túy, bệnh nhân…). Qua đây người tham dự đều đồng tình với nguyên lý nền tảng cho việc hình thành CTXH trong y tế chính là do sự phát triển về cả nhu cầu và quyền lợi của người bệnh và của phía cung cấp dịch vụ. Tiếp cận sâu hơn vào từng lĩnh vực trong CTXH, chị Nazik Nasser, giảng viên CTXH tại Trung tâm RTCCD đã trình bày Nguyên tắc quản lý ca trong CTXH với việc áp dụng lý thuyết vào từng tình huống thảo luận cụ thể trong môi trường bệnh viện.
Một phần trình bày rất thú vị và hữu ích cho các cán bộ CTXH và các giảng viên, sinh viên là về Chăm sóc lưu ý tổn thương sau sang chấn của ThS. Cristina Chin và ThS. Lola Garcia. Nội dung cụ thể cho bối cảnh bệnh nhân gặp cú sốc, khủng hoảng hoặc trường hợp chăm sóc sức khỏe tâm trí cho nạn nhân của xâm hại, bạo lực gia đình. Các chuyên gia cũng giới thiệu liệu pháp hành vi nhận thức được sử dụng để điều trị sau sang chấn với những bài tập cơ bản như phương pháp giãn cơ, bài tập thở và hình ảnh hướng dẫn. Bác sĩ Ambreen Khan chia sẻ về trung tâm giáo dục tại bệnh viên cho cha mẹ và trẻ tự kỷ (nhóm hỗ trợ) tại bệnh viện Bronx-leberone. Mô hình này hoạt động hiệu quả là nhờ vai trò của các nhân viên CTXH tình nguyện hỗ trợ cho trẻ và gia đình trong việc hợp nhóm cha mẹ có con cùng là trẻ tự kỷ, thực hiện sinh hoạt theo từng tháng, liên hệ với bác sĩ, hỗ trợ chuẩn bị các thủ tục, giấy tờ cho gia đình trẻ trong quá trình trẻ điều trị tại bệnh viện; cung cấp kiến thức, nâng cao kỹ năng, năng lực chăm sóc và giáo dục tại gia đình cho cha mẹ. Cán bộ CTXH tại các bệnh viện rất hứng thú với những mô hình giáo dục sức khỏe này vì có thể thành lập ngay trong bệnh viện nhằm chia sẻ thông tin tới bệnh nhân, kết nối nguồn lực, và giúp người bệnh hòa nhập cộng đồng.
Hội thảo kết thúc nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người tham dự, chia sẻ mong muốn có thêm cơ hội học hỏi kiến thức và kinh nghiệm về CTXH trong y tế. Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận được tại hội thảo.
Linh Phùng