Giai đoạn 2 của dự án nghiên cứu nhằm “đánh giá hiệu quả mô hình can thiệp Câu lạc bộ học tập cộng đồng vì sự phát triển toàn diện của trẻ tại Việt Nam“ và sẽ triển khai trên quy mô 84 xã thuộc tỉnh Hà Nam (42 xã đối chứng và 42 xã can thiệp).
Mục tiêu
Dự án nhằm mục tiêu đánh giá sự cải thiện sức khỏe của người mẹ trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ, và sự cải thiện sức khỏe và chỉ số phát triển của trẻ trong năm đầu đời, do chương trình câu lạc bộ học tập cộng đồng mang lại.
Giả thuyết nghiên cứu
So với những trẻ ở nhóm đối chứng (mẹ chỉ sử dụng dịch vụ y tế thông thường), trẻ có mẹ tham gia Câu lạc bộ học tập cộng đồng vì sự phát triển toàn diện của trẻ sẽ có chỉ số đo lường tình trạng sức khỏe (cân nặng khi sinh, cân nặng và chiều cao theo tháng tuổi, tỷ lệ mắc tiêu chảy, hô hấp cấp, tỷ lệ thiếu máu) thấp hơn có ý nghĩa thống kê (P<0,05), và các chỉ số phát triển nhận thức, cảm xúc, vận động, ngôn ngữ (đo theo thang điểm đánh giá Bayley – BSID về sự phát triển toàn diện của trẻ) đều khác biệt cao hơn có ý nghĩa thống kê (P<0,05).
Nhà tài trợ dự án
Tổ chức Grand Challenges Canada (GCC) và Hội đồng Nghiên cứu Y học và Sức khỏe Quốc Gia Úc (NHMRC) tài trợ
Thời gian triển khai
Dự án bắt đầu triển khai vào 1/2018 và kết thúc vào 3/2020
Hoạt động dự án:
Dự án thực hiện tại 84 xã của tỉnh Hà Nam, các xã được chọn ngẫu nhiên chia thành 2 nhóm bao gồm 42 xã can thiệp (triển khai Câu lạc bộ) và 42 xã đối chứng (chỉ nhận được chương trình chăm sóc quốc gia và dịch vụ hiện có tại địa phương), gồm 1245 phụ nữ. Hoạt động của dự án bao gồm: 6 đợt khảo sát được triển khai đồng thời ở cả nhóm can thiệp và nhóm đối chứng để so sánh những chỉ số thay đổi hành vi của cha mẹ, những tác động trên trẻ và đo lường chỉ số kinh tế tiết kiệm được qua 2 nhóm.
Triển khai sinh hoạt Câu lạc bộ ở 42 xã can thiệp:
- Đối tượng chính là phụ nữ mang thai dưới 20 tuần được tuyển chọn từ cuộc điều tra ban đầu để tham gia câu lạc bộ trong quá suốt trình mang thai và nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổivà phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 2 tuổi. Ngoài ra, những người chăm trẻ khác (ông bà, bố, người giúp việc) được khuyến khích tham gia một số buổi sinh hoạt để hỗ trợ người mẹ chăm sóc trẻ tốt.
- Băng đĩa hình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc trẻ và xử trí, tranh treo tường tổng kết các bước thực hành, các bài tập về nhà dành cho gia đình, sách cẩm nang hướng dẫn gia đình chăm sóc trẻ, tài liệu hướng dẫn cán bộ Hội phụ nữ cách vận hành CLB.
- Người điều hành: Cán bộ hội phụ nữ xã, mỗi xã chọn ra 3 cán bộ (1 cán bộ HPN, 1 cán bộ TYT và 1 cô giáo mầm non) năng động, có kiến thức kỹ năng vận động cộng đồng để vận hành CLB. Cán bộ điều hành câu lạc bộ sẽ được tham gia 5 khóa học, mỗi khóa học 3 ngày. Các cán bộ sẽ được học những kỹ năng về điều hành câu lạc bộ và trau dồi những kiến thức chuyên môn để có thể truyền tải cho người tham gia một cách hiệu quả nhất.
Dự kiến kết quả của Giai đoạn 2 (2017 -2019)
- Bộ tài liệu dành cho cán bộ điều hành CLB hấp dẫn, khoa học và đáp ứng nhu cầu kiến thức kỹ năng của cán bộ tuyến cơ sở: 05 đĩa DVD + 05 cuốn cẩm nang đi kèm + bộ tranh treo và tờ rơi.
- Bộ sổ tay Giúp con Phát triển dành cho cha mẹ: 03 cuốn sách thiết kế mang tính hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu thị trường hiện tại, đủ thông tin (chăm sóc thai ngén, chăm sóc trẻ 0-1 tuổi, chăm sóc trẻ 1-2 tuổi)
- Bản phân tích hiệu quả kinh tế -y tế của mô hình can thiệp và các ấn phẩm vận động chính sách.
- Đội ngũ giảng viên được thiết lập, chuẩn bị cho giai đoạn lồng ghép vào chương trình quốc gia, hệ thống đào tạo cán bộ hội phụ nữ, điều dưỡng và cán bộ y tế xã thôn.
Tiến độ dự án (cập nhật đến ngày 31/12/2018)
Có 951 số người tham gia câu lạc bộ qua 2 module (8 bài) trong đó gồm 589 phụ nữ mang thai, 223 người chồng và 139 ông bà.
Số lượt tham dự sinh hoạt câu lạc bộ qua 8 bài là 4363 lượt
Bộ tài liệu cho câu lạc bộ gồm bộ sách gia đình “Nuôi con không áp lực”, sổ tay dành cho cán bộ điều hành. Hiện tại câu lạc bộ đã phát triển 27 tranh ảnh, poster (9 đang sản xuất), có 21 video clip phục vụ câu lạc bộ (29 đang sản xuất)
2/4 khóa đào tạo giảng viên tuyến tỉnh đã được triển khai (16 giảng viên tuyến tỉnh) và 3/5 khóa đào tạo cán bộ điều hành câu lạc bộ tuyến xã.
Hình ảnh poster, sách gia đình, video clip phục vụ sinh hoạt CLB
Một số hình ảnh của câu lạc bộ trong giai đoạn II
Hình ảnh sinh hoạt câu lạc bộ
Một số hình ảnh thực hành của các ông bố, bà mẹ tham gia sinh hoạt
Một số hình ảnh em bé cùng bố mẹ sinh hoạt CLB
Một số ý kiến phản hồi
- Sau khi tham gia câu lạc bộ cùng vợ, em đã bố trí được nhiều thời gian giúp vợ trong việc nhà hơn. Những lúc con quấy em chơi với con, trông con hay bế con quấy khóc vào ban đêm để vợ em có thời gian ngủ đủ giấc.
(Anh Tâm – xã Thanh Phong, tham gia sinh hoạt CLB cùng vợ từ những ngày đầu)
- Tôi biết thêm nhiều kiến thức chăm cháu hiện đại mà rất bổ ích. Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu – con trai cũng rất tốt, thống nhất được cách chăm con cháu phù hợp nhất.
(Bà Nội, luôn luôn là người đồng hành cùng con dâu tham gia CLB – xã Thanh Phong)
- Cuốn tài liệu đầy đủ thông tin và cập nhật những kiến thức mới nhất, được sắp xếp theo trình tự khoa học. Tôi biết thêm được rất nhiều kiến thức để giảng dạy lại cho cán bộ tuyến xã điều hành câu lạc bộ.
(Bà Trương Thị Hải Thịnh – Giảng viên tuyến tỉnh)
- CLB được các bậc cha mẹ, ông bà hưởng ứng nhiệt tình và thích thú. Chúng tôi vừa được bổ sung những kiến thức mới nhất, vừa truyền tải lại cho các bậc phụ huynh, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi mong rằng mô hình sẽ được nhân rộng ra các xã khác sau khi dự án kết thúc.
(Chị Ngát – Trạm trưởng trạm y tế xã Tiêu Động)
Thông tin liên hệ:
ThS Trần Thu Hà Số điện thoại: (024) 3628 0350 hoặc 091 2552 393 Email: ha.tran@rtccd.org.vn
Clip giới thiệu Câu lạc bộ 1000 ngày đầu đời