29/04/2016 - 8:51 am
0
Không có các bằng chứng để nói rằng sản phẩm này có tác dụng chữa ung thư nhưng vẫn quảng cáo sản phẩm đó để kiếm lợi thì đó là lừa đảo.
Bán hàng đa cấp đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống của người dân. Vậy quản lý ra sao, kẽ hở hay chồng chéo ở đâu và làm gì với nó, BS. TS. Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), Trưởng ban thường trực hành động của Liên minh vận động phát triển chính sách y tế dựa vào bằng chứng khoa học (EBHPD) đã bày tỏ một số quan điểm với Đất Việt.
PV: – Công ty Thiên Ngọc Minh Uy vượt qua đợt kiểm tra của Bộ Công thương và nhận được kết luận sơ bộ theo nguồn tin từ báo Infonet là “đã thực hiện các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hoá”, chưa phát hiện dấu hiệu sai phạm. Trong khi đó, qua phỏng vấn trao đổi với Đất Việt, các tỉnh như Quảng Ninh, Thanh Hóa, … đã ghi nhận chuyển hồ sơ qua cho công an xử lý.
Vậy ông nhận định ra sao về 2 kết luận ngược nhau giữa đoàn Thanh tra chuyên ngành của Bộ Công thương và đoàn thanh tra của Sở Công thương tỉnh đối với công ty đa cấp trên?
BS.TS. Trần Tuấn: – Việc Bộ Công thương khẳng định quá trình điều tra không phát hiện ra sai phạm từ Thiên Ngọc Minh Uy còn Sở Công thương các tỉnh lại thừa nhận đã chuyển hồ sơ tới Công an tỉnh để điều tra thì điều cần làm là xem lại ngay tiến trình thanh tra.
Mở rộng một chút, ở cấp độ quản lý vĩ mô, tôi quan sát Bộ Công thương đứng ra bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh amiang (hóa chất gây ung thư nhóm 1-nhóm nguy hiểm nhất theo xếp loại của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC, thuộc WHO) hoặc thuốc lá (nguy cơ hàng đầu gây ung thư phổi), thì không khó hiểu thái độ của Bộ với kinh doanh bán hàng đa cấp cho sản phẩm chữa bệnh hoặc liên quan tới sức khỏe, vốn đã gây quá nhiều tai tiếng trong những năm vừa qua.