3/05/2007 - 1:41 pm
0
Theo đánh giá của các thầy thuốc thì bên cạnh sự tác động của môi trường bên ngoài (xã hội) thì yếu tố nội tại (sức khỏe tâm thần) cũng đóng vai trò quan trọng mà hội chứng rối nhiễu tâm trí (RNTT) là một biểu hiện cụ thể. Cuộc trao đổi của phóng viên báo SK&đS với TS.BS. Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) – đơn vị đang triển khai nghiên cứu, tư vấn và sàng lọc bệnh nhân mắc hội chứng rối nhiễu tâm trí sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này.
PV: Hội chứng RNTT có phải là một bệnh mới không thưa TS?
TS.BS. Trần Tuấn: RNTT biểu hiện sự lệch lạc về sức khỏe tâm thần, đây không phải là bệnh mới, nói đúng hơn, đó là sự nhìn nhận mới về
tình trạng sức khỏe tâm trí theo hướng dự phòng, điều trị sớm bệnh tâm thần. Từ xưa đến nay, nói đến bệnh tâm thần người ta thường nghĩ ngay đến số ít các bệnh nhân điển hình như tâm thần phân liệt hoặc trầm cảm với những biểu hiện rối loạn rõ về hành vi ứng xử, lời nói, nhân cách… Việc điều trị thường phải tập trung trong các bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Khi dùng “rối nhiễu tâm trí” người ta đề cập đến một tình trạng chung có biểu hiện lệch lạc về sức khỏe tâm thần trong một thời gian đủ dài vượt khỏi sự tự điều chỉnh trở lại cân bằng của cơ thể và cần phải có sự can thiệp chuyên môn để tránh vòng xoắn rối nhiễu nặng dần dẫn đến các tổn thương khó hồi phục. Với RNTT, phạm vi đề cập đến số đông hơn, biểu hiện bệnh ở mức độ nhẹ hơn, do vậy nếu can thiệp sớm, đúng cách, có thể giúp đưa người bệnh trở về cuộc sống sinh
hoạt bình thường một cách nhanh chóng. Với RNTT, việc phát hiện và điều trị hoàn toàn có thể thực hiện ở y tế tuyến cơ sở. Chấp nhận và sử dụng khái niệm “rối nhiễu tâm trí” trong chăm sóc y tế dẫn đến xu hướng thu hẹp các bệnh viện chuyên khoa tâm thần và đẩy mạnh việc phát hiện sớm và điều trị sớm các bệnh tâm thần phổ biến ở cộng đồng như mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm… đồng thời, giúp cộng đồng xóa bỏ mặc cảm vốn có về bệnh tâm thần.