6/08/2012 - 11:59 am
0
Người bệnh dù phải chịu chi phí khám chữa bệnh nhiều hơn, thậm chí là cả các khoản chi phí không chính thức, nhưng chất lượng dịch vụ y tế người bệnh được thụ hưởng chưa tương xứng. Để đảm bảo khách quan và công bằng trong lĩnh vực khám chữa bệnh, cần có một cơ quan giám sát, đánh giá độc lập… Đó là ý kiến của TS-BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.
– PV: Thưa ông, kể từ ngày 1-8, nhiều bệnh viện (BV) đã tăng giá viện phí. Vậy ông đánh giá như thế nào về giá dịch vụ y tế hiện nay ở nước ta?
TS-BS TRẦN TUẤN: Giá dịch vụ y tế phải đứng trên nguyên tắc công bằng và đặt lợi ích sức khỏe của người dân lên trên. Từ trước tới nay giá dịch vụ y tế của chúng ta không hợp lý, không căn cứ trên giá thành thực tế. Cho nên giá dịch vụ y tế trong một thời gian dài đã xa thực tế. Vậy bây giờ chúng ta điều chỉnh là cần thiết, nhưng phải có những nguyên tắc đặt ra, trên cơ sở khoa học, khách quan. Nguyên tắc bao trùm là vì
sức khỏe cộng đồng chứ không đơn giản chỉ vì lợi nhuận của bên cung cấp dịch vụ. Hiện nay việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đang được thực hiện theo hướng mỗi cơ sở cung cấp dịch vụ tự xây dựng khung viện phí của mình rồi đề xuất cơ quan chức năng, chính quyền thẩm định và phê duyệt. Vậy những cơ quan này thẩm định và phê duyệt trên cơ sở nào, có tham khảo, đối chiếu nào để đánh giá khách quan? Bởi lẽ khách
quan ở đây chính là cơ sở khoa học để cho bên cung cấp dịch vụ bảo đảm tái sản xuất và cung cấp chất lượng dịch vụ lâu dài, còn người dân trả chi phí dịch vụ y tế hợp lý với điều kiện kinh tế xã hội. Có thể nói, còn rất nhiều trở ngại trong xác định cơ cấu tính giá dịch vụ, tiến trình xác định giá chưa được vận hành trên cơ sở đảm bảo tính khoa học, khách quan để hệ thống y tế vận hành tích cực.