8/10/2015 - 4:02 pm
0
Với mục tiêu cung cấp bằng chứng vận động Luật trẻ em sửa đổi 2015, trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) và Liên minh Vận động Chính sách Y tế dựa trên bằng chứng khoa học (EBHPD) tổ chức Hội thảo Góp ý luật trẻ em sửa đổi 2015 về chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ và giám sát độc lập thực thi quyền trẻ em tại Hà Nội vào ngày 06 tháng 10 năm 2015 vừa qua.
Trên cơ sở phân tích nội dung Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục Trẻ em 2004 và căn cứ vào sư phát triển của khoa học chăm sóc trẻ em cùng thực tế triển khai thực thi công ước quốc tế về quyền trẻ em, các chuyên gia về chăm sóc bảo vệ trẻ em của RTCCD và liên minh EBHPD xác định hai nội dung chính tập trung vận động đưa vào dự thảo luật sửa đổi 2015 gồm: (1) Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ ưu tiên trong 1000 ngày đầu đời và (2) Quy định cơ chế giám sát độc lập thực thi Quyền trẻ em tại Việt Nam.
Sau 2 năm vận động Luật sửa đổi, RTCCD đã đưa thành công hai nội dung này vào các dự thảo trước. Tuy nhiên đến dự thảo 4B, bản được chính phủ gửi sang quốc hội để đưa ra thảo luận trong kỳ họp tháng 10 tới đây, nội dung về phát triển toàn diện trẻ đã không còn trong dự thảo Luật, nội dung về giám sát thực thi quyền trẻ em cũng không được thể hiện rõ ràng và chỉ được nêu rải rác tại các chương trong dự thảo.
Nhận thấy những thiệt thòi cho trẻ em Việt Nam nếu hai nội dung trên bị bỏ ngỏ, RTCCD cùng với EBHPD đã chủ động tổ chức hội thảo lần này nhằm đưa ra cách tiếp cận mới theo hướng nhìn từ cơ sở khoa học và bằng chứng thực tiễn từ mô hình áp dụng tại Việt Nam.
Tại hội thảo các chuyên gia đã tổ chức các bài trình bày tập trung vào phân tích khoa học chăm sóc trẻ em thế kỷ 21, chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ ngay từ những năm đầu đời với 7 cấu phần thể hiện rõ nội dung chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ, nhấn mạnh ưu tiên tập trung vào giai đoạn đầu đời, đảm bảo lợi ích cao nhất đưa lại cho bản thân trẻ, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Chứng minh cho quan điểm trên, RTCCD đã có thêm hai báo cáo về hai mô hình can thiệp với việc áp dụng thành công mô hình của các nước phát triển và tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào điệu kiện thực tế ở Việt Nam.
Mô hình can thiệp chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ trong 1000 ngày đầu đời với nội dung đào tạo kiến thức, kỹ năng và thái độ chăm sóc cho trẻ đã đạt được thành công trong việc thay đổi nhận thức và hành vi của cha mẹ và người thân trong gia đình với chi phí tổ chức thấp nhưng mang lại hiệu quả cao.
Mô hình Phòng khám Cây Thông Xanh với cách đề cập theo hướng tư vấn, hỗ trợ gia đình theo dõi, đánh giá quá trình phát triển của trẻ, thực trạng sức khỏe của trẻ theo tiêu chí phát triển toàn diện thế kỷ 21 nhằm phát hiện sớm các rối nhiễu ở trẻ để có biện pháp can thiệp kịp thời. Tại phần lớn các phòng khám nhi ở Việt Nam hiện nay, các nguyên tắc chăm sóc phát triển trẻ em đang không được áp dụng đúng, thiếu năng lực tư vấn cho người chăm sóc trẻ, khám bệnh cho sử dụng thuốc và kháng sinh bừa bãi. Chính vì thế cần phải giúp cho gia đình hiểu được tầm quan trọng của chăm sóc toàn diện cho trẻ trong 1000 ngày đầu đời và chăm sóc trẻ đúng cách. Phòng khám Cây Thông Xanh đang được xây dựng như một hình mẫu, bằng chứng cho các nhà vận động chính sách thấy tầm quan trọng và phương pháp cấu trúc một phòng khám phát triển trẻ em.
Về nội dung giám sát đánh giá độc lập, khoa học quản lý cho thấy công tác giám sát chỉ có hiệu quả khi được tổ chức một cách khách quan, chất lượng, và duy trì thường xuyên, đi kèm chế tài đảm bảo thi hành kết quả giám sát đưa ra. Với phát triển trẻ em, công tác giám sát còn phải theo định hướng có sự tham gia của trẻ hoặc người đại diện của trẻ. Dự thảo Luật hiện hành chưa làm rõ được yêu cầu khách quan và “vì trẻ em” trong công tác giám sát.
Theo BS. Nguyễn Trọng An, chuyên gia về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, phó giám đốc trung tâm RTCCD, “Giám sát độc lập việc thực hiện quyền trẻ em cần phải được cụ thể hóa vào trong Luật, để tạo ra những chuyển biến tích cực theo hướng công khai, minh bạch và giải trình trách nhiệm trong đảm bảo các quyền của trẻ em, tránh hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” tương tự trong các sự việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian vừa qua mà nạn nhân ở đây là trẻ em.”
Trên cơ sở các báo cáo, 79 đại biểu đã thảo luận dưới sự chủ trì bởi TS. Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn Hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; PGS. TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Phát triển tiềm năng con người; TS. Trần Tuấn, giám đốc RTCCD và trưởng ban TTHĐ của EBHPD; TS. BS. Nguyễn Phạm Ý Nhi, Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội.
Các ý kiến thảo luận hoàn toàn nhất trí và đánh giá cao sự cố gắng của RTCCD và cho rằng cần đưa lại hai nội dung trên vào dự thảo Luật. Đây hoàn toàn là những bằng chứng thuyết phục trên cả lý thuyết và thực tế để đại diện của ban soạn thảo Luật, bà Vũ Thị Kim Hoa, Cục phó Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp thu để điều chỉnh dự thảo luật sau này.
Hội thảo đã nhận được các ý kiến phát biểu từ đại diện của Tổng hội Y học Việt Nam, Hội nhi khoa Việt Nam, Viện Dinh Dưỡng, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại diện từ các tổ chức quốc tế UNICEF, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Child Fund Việt Nam, tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision)… và cán bộ địa phương tham gia triển khai mô hình tại Hà Nam.
Các ý kiến cho rằng, trong hoàn cảnh hiện tại của rất cần tăng cường hiệu quả của cơ chế giám sát nhưng cần làm rõ giám sát độc lập như thế nào trong hoàn cảnh Việt Nam. Các đại biểu đề nghị RTCCD và nhóm vận động lựa chọn một khái niệm cho phù hợp.
Giáo sư Nguyễn võ Kỳ Anh, Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển tiềm năng con người cho rằng “Chúng ta thảo luận 2 nội dung như đã nêu. Cũng có nhiều băn khoăn, đã thảo luận trong rất nhiều cuộc họp, chứng kiến từ luật đầu tiên cho đến bây giờ, mỗi một lần có tiến bộ hơn nhưng phiên bản vừa rồi thì thấy hụt hẫng. Theo ý tôi, tổ chức cơ quan giám sát độc lập thì khó, nhưng một cơ chế giám sát độc lập thì khả thi hơn. Chúng ta có thể tổ chức một nhóm các chuyên gia độc lập giám sát thực thi quyền trẻ em, báo cáo với chính phủ với quốc hội.”
Sau khi tiếp thu các ý kiến tại hội thảo, ngay trong ngày, RTCCD đã thống nhất và điều chỉnh lại ý kiến đề xuất, tổng hợp thành bản kiến nghị điều chỉnh Luật trẻ em gửi lại cho tiểu ban thẩm tra dự thảo Luật của quốc hội theo đề nghị của TS. Ngô Thị Minh.
Nội dung bản kiến nghị xin vui lòng xem tại đây.