RTCCD hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em từ năm 1998, tuy nhiên, Trung tâm RTCCD bắt đầu tập trung vào phát triển trẻ toàn diện (ECD) từ năm 2014 sau khi WHO/UNICEF đưa ra hướng dẫn “Chăm sóc sự phát triển của trẻ em”. RTCCD hướng tới thúc đẩy sự phát triển tối đa tiềm năng của trẻ ngay từ những tháng năm đầu đời. RTCCD xác định rõ sứ mệnh của tổ chức là trở thành cơ sở hàng đầu trong việc giáo dục nuôi dạy trẻ phát triển toàn diện tại Việt Nam dành cho cha mẹ và đưa ra các khuyến cáo thực hành dựa trên bằng chứng khoa học tới cán bộ y tế trong việc đánh giá phát triển toàn diện trẻ và tư vấn cha mẹ.
CÁC SÁNG KIẾN VÀ HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG
Sáng kiến nổi bật nhất của RTCCD trong phát triển trẻ toàn diện là mô hình Hành Trình Đầu Đời (Early Journey Of Life – EJOL). Đây là chương trình đào tạo kỹ năng làm cha mẹ tích cực, tập trung vào 1.000 ngày đầu đời của trẻ (giai đoạn 1: 2014-2015 với tên gọi CLB học tập cộng đồng vì sự phát triển toàn diện của trẻ; giai đoạn 2: 2018-2020 với tên gọi CLB 1000 ngày đầu đời; và giai đoạn 3: 2021-2022 với tên gọi Hành Trình Đầu Đời). 1.000 ngày đầu đời được coi là giai đoạn cửa sổ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ và đây cơ hội vàng để cha mẹ học các kỹ năng thích hợp nhằm hướng dẫn và nuôi dạy trẻ đúng cách trong giai đoạn quan trọng này. Mục tiêu của mô hình Hành Trình Đầu Đời là hướng tới thúc đẩy sự phát triển tối đa tiềm năng của trẻ và cải thiện sức khỏe người mẹ. Chương trình EJOL được chia thành 5 mô đun/khóa học, với 20 buổi sinh hoạt, trong đó 19 buổi học thực hành trực tiếp tại trạm y tế xã/phường và 1 buổi thăm hộ gia đình. 20 buổi sinh hoạt cung cấp nội dung bao trùm 9 chủ đề. EJOL đã phát triển 3 cách tiếp cận để phù hợp với từng vùng miền tại Việt Nam: học trực tiếp, trực tuyến và phối hợp. Nghiên cứu nhận thấy cha mẹ ở các khu vực kinh tế xã hội kém phát triển thường ít có cơ hội được học tập về kỹ năng chăm sóc trẻ toàn diện. Trên cơ sở đó, Hành Trình Đầu đời đã triển khai đến 109 xã, phường trên địa bàn tỉnh Hà Nam (hình thức học trực tiếp và phối hợp) và thí điểm ở 10 nhà máy, Khu công nghiệp (KCN) tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam (hình thức trực tuyến https://ejol.vn). Ngay cả trong đại dịch COVID-19, Hành Trình Đầu Đời đã tích cực cung cấp tài liệu trực tuyến tới các cha mẹ và áp dụng các sáng kiến thúc đẩy cha mẹ, ông bà tương tác với trẻ.
EJOL là chương trình can thiệp do hai cơ quan Trung tâm RTCCD và Đại học Monash- Úc phối hợp xây dựng nội dung, và được sự hỗ trợ từ Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Hiệu quả của mô hình Hành Trình Đầu Đời được đánh giá thông qua thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng – cRCT- (2018-2020). Kết quả nghiên cứu cRCT cho thấy mô hình Hành Trình Đầu Đời giúp cải thiện các chỉ số phát triển của trẻ (nhận thức, ngôn ngữ, vận động) và thúc đẩy cha mẹ thay đổi hành vi. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Lancet Child and Adolescent Health vào tháng 3/2023. Phân tích tiến độ học khóa học trực tuyến cũng chỉ ra rằng cha mẹ có cải thiện kiến thức đáng kể sau khi tham gia các khóa học trực tuyến. |
Trong năm 2023-2024, RTCCD sẽ xây dựng thêm cấu phần nuôi dạy con tích cực “Kiểm soát cảm xúc và Giao tiếp Tích cực với Trẻ” và tích hợp với trang web học trực tuyến Hành Trình Đầu Đời, với sự hỗ trợ tài chính từ UN Foundation . Sáng kiến này dành cho công nhân khu công nghiệp ở bốn tỉnh (thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam, Hải Dương và Tuyên Quang), tập trung vào các chủ đề Kiểm soát cảm xúc và giao tiếp tích cực giữa vợ chồng và con cái. Cấu phần mới bao gồm 2 hợp phần: hợp phần 1 – Hai khóa học trực tuyến và hợp phần 2 – lớp học thực hành trực tiếp tại khu công nghiệp. Đây là một nỗ lực nhằm ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em Việt Nam, được lồng ghép khéo léo trong lĩnh vực Phát triển Trẻ Toàn diện. Dự án kỳ vọng sẽ giúp giảm tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trong các khu công nghiệp và giúp trẻ em lớn lên trong môi trường yêu thương và an toàn.
RTCCD hiện đang cung cấp thêm cho cha mẹ khóa học mới để hiểu đúng về Tăng động Giảm chú ý (ADHD). Dự án này được tổ chức tình nguyện viên quốc tế Úc hỗ trợ. Sáng kiến được triển khai thí điểm trong 12 tháng, nhằm nâng cao kiến thức của cha mẹ về ADHD và cải thiện hành vi trong tương tác giữa trẻ và cha mẹ (tháng 7/2022 – tháng 6/2023). 176 cha mẹ và giáo viên mẫu giáo đã đăng kí khóa học và 147 người đã hoàn thành khóa học (83.5%). Kết quả của bài kiểm tra trước và sau khi học chỉ ra rằng cha mẹ gia tăng kiến thức đáng kể (có ý nghĩa thống kê) về ADHD (điểm trung bình theo thang điểm 100 của câu trả lời đúng ở bài kiểm tra trước khóa 52,1% [95% CI: 45,9 – 57,2] và bài kiểm tra kết thúc khóa học 79,6% [95% CI: 77,3 – 81,8] với giá trị p <0,01).
Các giảng viên RTCCD cũng đã tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp và qua Zoom với 3000+ công nhân khu công nghiệp tại các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng. Chúng tôi cũng đã thực hiện hỗ trợ cho ChildFund Việt Nam và Đại học Y Dược Cần Thơ bằng cách đào tạo cán bộ dự án, đối tác và nhân viên y tế của hai tổ chức này về Phát triển trẻ toàn diện. Một số cấu phần của Hành Trình Đầu Đời được chia sẻ cho hai tổ chức phi chính phủ.
Với những bằng chứng thuyết phục và phản hồi tích cực từ công nhân, Ban Nữ Công thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) đã cam kết sẽ hỗ trợ để giới thiệu 6 khóa học trực tuyến của Hành Trình Đầu Đời rộng rãi tới bốn tỉnh thành vào năm 2023 và mở rộng ra mạng lưới các khu công nghiệp rộng khắp dưới sự quản lý của TLĐLĐVN. Điểm đáng chú ý là mặc dù giai đoạn thí điểm được tiến hành tại 10 nhà máy ở thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam, lãnh đạo công đoàn đã phổ biến thông tin chương trình cho đồng nghiệp tại các địa phương khác, và sau đó đến công nhân. Chương trình Hành Trình Đầu Đời đã ghi nhận một số công nhân khu công nghiệp từ 26 tỉnh khác cũng đăng ký vào trang web học trực tuyến và hoàn thành các khóa học trên trang web.
NGHIÊN CỨU
RTCCD đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển trẻ toàn diện. Ví dụ, RTCCD phối hợp với Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Harvard, để đánh giá chương trình tập huấn nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục của OneSky tại Việt Nam (2019-2020). Các cán bộ tâm lý và cán bộ y tế công cộng của trung tâm đã tiến hành quan sát 2 giờ bằng công cụ MELE, phỏng vấn giáo viên chính của điểm trông trẻ tư thục và giáo viên hỗ trợ, đánh giá trẻ em trực tiếp bằng công cụ tương tác trực tiếp MULLEN và đo lường nhân trắc học trẻ em tại 480 điểm trông trẻ tư thục quy mô nhỏ tại Đà Nẵng và Quảng Nam. RTCCD sẽ phối hợp với IDInsights đánh giá chương trình đào tạo OneSky trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại tỉnh Đồng Nai vào năm 2023-2025. |
RTCCD đã phối hợp cùng đại học Harvard đánh giá tính bền vững của sáng kiến A&T tại Việt Nam, trong đó tập trung vào dinh dưỡng trong 1000 năm đầu đời của trẻ em. Sáng kiến chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (IYCF) này nhằm cải thiện thực hành chăm sóc trẻ sơ sinh ở 3 quốc gia là Việt Nam, Bangladesh và Ethiopia trong giai đoạn 6 năm (từ 2009 đến 2014). Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính và định lượng, được thực hiện vào năm 2016. Đối tượng phỏng vấn bao gồm các những người tham gia chương trình can thiệp của A&T, các cán bộ quản lý y tế, chuyên gia dinh dưỡng, nhân viên y tế tuyến ban đầu và phụ nữ trong 3 tháng cuối của thai kỳ và các bà mẹ có con dưới 2 tuổi. Kết quả cho thấy chương trình A&T đã cải thiện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam và các kỹ năng về dinh dưỡng của người mẹ.
RTCCD cũng đã thực hiện một nghiên cứu về an toàn trẻ nơi gửi trẻ trong các khu công nghiệp ở 2 tỉnh thành (Hà Nội và Hà Nam) từ năm 2022-2023. Đây là nghiên cứu cắt ngang (cross-sectional study), thực hiện khảo sát với 711 công nhân đang sử dụng dịch vụ gửi trẻ tại các trường mầm non hoặc mẫu giáo công lập và tư thục, và điểm trông trẻ tại nhà. Kết quả của nghiên cứu cho thấy công nhân khu công nghiệp có nhu cầu cao về dịch vụ gửi trẻ có chất lượng và an toàn, và họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nơi gửi trẻ gần nhà với chi phí hợp lý. Nhìn chung, trẻ em được chăm sóc ở mức độ chấp nhận được tại các trường mầm non và mẫu giáo, nhưng công nhân vẫn còn một số lo ngại về an toàn liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em tại trường học. Bấm vào đây để xem báo cáo 1 và báo cáo 2
VẬN ĐỘNG CHÍNH SÁCH
Trong sáu năm qua, RTCCD đã duy trì quan hệ đối tác chặt chẽ với Bộ Y tế, UNICEF và Văn phòng WHO tại Việt Nam và luôn cập nhật với đối tác về tiến độ và hiệu quả triển khai, nghiên cứu và xuất bản cucar chương trình Hành Trình Đầu Đời. Ngày 23 tháng 5 năm 2023, RTCCD phối hợp với Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động VN và Đại học Monash tổ chức Hội thảo quốc gia “Phát triển Toàn diện trẻ em: Sử dụng bằng chứng khoa học thúc đẩy chính sách và thực hành tại Việt Nam”. Nỗ lực này đã thành công trong việc hợp nhất ý kiến đồng thuận các nhà quản lý chuyên môn và lãnh đạo của Bộ Y tế, Bộ Lao động và Thương binh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. |
Hội thảo là diễn đàn để các cơ quan cùng ngồi lại, thảo luận về các giải pháp cho sự hợp tác liên ngành hiệu quả nhằm thúc đẩy thực hành Phát triển trẻ toàn diện ở quy mô lớn tại Việt Nam. Những cam kết tích cực đã được đưa ra, tạo điều kiện để sáng kiến Hành Trình Đầu Đời mở rộng quy mô.
Ngoài ra, RTCCD được Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) mời chủ trì soạn thảo hướng dẫn chuyên môn quốc gia về khám và tư vấn phát triển trẻ em dưới 5 tuổi dành cho cán bộ y tế. Hướng dẫn đã được Bộ Y tế phê duyệt vào ngày 6/1/2023 (Quyết định 40/2023/QĐ-MOH). Hiện nay khóa học Hành Trình Đầu Đời đã được sử dụng làm nguồn tài liệu học tập online miễn phí dành cho người chăm sóc trẻ và cán bộ y tế. RTCCD sẽ hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng sổ tay hướng dẫn dựa trên thực hành QĐ 40 nêu trên, bao gồm khóa học trực tuyến và đào tạo trực tiếp cho nhân viên y tế trong nước vào năm 2024-2025.
Với những hiệu quả của mô hình can thiệp, vào ngày 12 tháng 3 năm 2019, mô hình Hành Trình Đầu Đời (tên gọi cũ: Câu lạc bộ 1000 ngày đầu đời – Learning Clubs) đã được UNICEF và Bộ Lao động Thương Binh Xã Hội (cơ quan chủ trì hội thảo) lựa chọn làm điểm tham quan cho hơn 40 đại biểu ARNEC (Mạng lưới khu vực châu Á – Thái Bình Dương về Giai đoạn đầu đời trẻ em) từ nhiều quốc gia khác nhau. Các đại biểu đã đến thăm CLB triển khai tại hai xã (Thủy Lợi và Ngọc Sơn tại tỉnh Hà Nam), quan sát cách vận hành của CLB với trẻ và gia đình. Các đại biểu đã trực tiếp xem các tài liệu dự án (video clip, áp phích và sách gia đình) và các buổi sinh hoạt câu lạc bộ. Một số đại biểu, bao gồm Nepal và Myanmar, bày tỏ sự quan tâm đến các gói tài liệu dự án và mong muốn được chuyển giao mô hình sang nước họ.
TRUYỀN THÔNG
Trong 10 năm qua, các chuyên gia của RTCCD đã tham gia vào 50+ cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông đại chúng bao gồm đài truyền hình quốc gia, đài phát thanh và báo giấy báo mạng để nói về Phát triển trẻ toàn diện và nâng cao nhận thức cộng đồng về Phát triển trẻ toàn diện trong 1000 ngày đầu đời. Chương trình cũng đã viết 3 cuốn sách cho các bậc cha mẹ về chăm sóc sự phát triển của trẻ em, cuốn sách đã được nhà xuất bản Nhã Nam xuất bản và bán online trên toàn quốc. Ngoài ra, RTCCD còn tích cực đăng tải các bài viết về Phát triển trẻ toàn diện lên Facebook, Youtube và chia sẻ trên Zoom với các cha mẹ. Với quan điểm nâng cao kiến thức và kỹ năng của cha mẹ Việt Nam trong Phát triển trẻ toàn diện, RTCCD đã xây dựng một lộ trình rõ ràng về nâng cao nhận thức cộng đồng và các nhà hoạch định chính sách về phát triển trẻ toàn diện. Tổ chức duy trì sự hợp tác mạnh mẽ và chặt chẽ với các phương tiện truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan chính phủ để thúc đẩy chính sách và thực hành Phát triển trẻ toàn diện ở quy mô lớn. |
KẾ HOẠCH CỦA RTCCD VỚI PHÁT TRIỂN TRẺ TOÀN DIỆN TẠI VIỆT NAM
Kết quả dự kiến trong năm 2023 – 2030: Chúng tôi cam kết nỗ lực hết mình để đạt được các kết quả sau:
- 1 triệu trẻ em Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ Hành Trình Đầu Đời (tương đương 30 tỉnh thành)
- Việt Nam sẽ có khung hành động quốc gia của Phát triển trẻ toàn diện, hệ thống theo dõi giám sát và đánh giá quốc gia về phát triển trẻ toàn diên và các sáng kiến phù hợp với đặc điểm của từng khu vực được chính sách hỗ trợ để mở rộng quy mô trên toàn quốc
Kế hoạch hành động của chúng tôi từ năm 2023 – 2030:
- Tiến hành thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên trên cộng đồng để đo lường tác động của chương trình đào tạo cha mẹ kết hợp và trực tuyến
- Mở rộng quy mô Hành Trình Đầu Đời (3 hình thức triển khai: trực tiếp, kết hợp và trực tuyến) đến 30 tỉnh thành tại Việt Nam
- Hợp tác với các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế để điều chỉnh nội dung và cách tiếp cận của mô hình c Hành Trình Đầu Đời phù hợp với khu vực miền núi và cộng đồng người dân tộc thiểu số (phương ngữ và văn hóa địa phương)
- Hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng tập huấn dựa trên thực hành về khám và tư vấn Phát triển trẻ toàn diện (đào tạo trực tiếp và các khóa học trực tuyến cho cán bộ y tế trên toàn quốc)
- Thúc đẩy sự hợp tác liên ngành giữa Bộ Y tế, Bộ Lao động và Thương binh (Cục Trẻ em), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo để nhân rộng các sáng kiến thúc đẩy thực hành đúng trong chăm sóc phát triển trẻ toàn diện tại gia đình và cộng đồng.
Chúng tôi tìm kiếm sự hỗ trợ và hợp tác để mang lại những tác động to lớn cho hệ thống và giúp trẻ em Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng ngay từ những tháng năm đầu đời . Vui lòng liên hệ:
Thạc sỹ Trần Thị Thu Hà Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) Hà Nội, Việt Nam Email: ha.tran@rtccd.org.vn |
Giáo sư, Tiến sỹ Jane Fisher Giáo sư về Sức khỏe Toàn Cầu Đồng Giám đốc Bộ phận Sức khỏe Toàn cầu Giám đốc Sức khỏe Phụ nữ và Toàn cầu Đại học Monash, Úc Email: Jane.fisher@monash.edu.au |