31/08/2017 - 9:49 am
0
Sáng nay (30/8), tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và Dân số tổ chức tọa đàm về Trầm cảm sau sinh. Đại diện của phòng khám Cây Thông Xanh và Trung tâm RTCCD đã được mời trình bày tại Hội thảo
Hội thảo có sự tham dự của hơn 70 đại biểu đến từ Bộ Y tế(Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em), các bệnh viện tại một số tỉnh thành và các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm trí và sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ: Trầm cảm sau sinh là một rối loạn nguy hiểm có tác động tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ sơ sinh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 10-20% phụ nữ đang mang thai hoặc sau sinh từng trải qua ít nhất một dạng rối loạn tâm thần, trong đó chủ yếu là trầm cảm. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ này thường cao hơn nhiều và tại Việt Nam, cứ 4 phụ nữ thì có 1 người có thể trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác trong vòng một năm sau khi sinh con. Trong đó, bạo lực gia đình và áp lực phải có con trai để nối dõi tông đường là những nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ trầm cảm đối với phụ nữ sau sinh. Trong những trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử ở người mẹ hoặc gây tổn hại cho con.
Các chuyên gia cũng đã đưa ra những giải pháp và cách ứng phó với trầm cảm khi mang thai và sau sinh. Ngoài ra, các chuyên gia cũng giao lưu, giải đáp những thắc mắc giúp phụ nữ thoát khỏi trầm cảm.
ThS. Trần Thu Hà, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng trình bày về các mô hình trị liệu cho phụ nữ trầm cảm trong quá trình mang thai và sau sinh. Đây là những mô hình đã được nghiên cứu dựa trên số liệu đã được thu thập trong 15 năm qua tại Việt Nam của 4 tổ chức: Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, Phòng khám Cây thông xanh, Đại Học Monash, Jean Hailes.
Sau tọa đàm, trả lời phóng viên, ThS.Trần Thu Hà, cho biết, người mẹ bị rối nhiễu tâm lý nặng sẽ dẫn đến các hành vi nguy hiểm như ghét con, chối bỏ con, gây gổ với người thân, tự tử hoặc hại con. Nếu nhẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như giảm tình thương với con hay đánh con, mâu thuẫn vợ chồng tăng lên, gây áp lực tâm lý nặng nề lên trẻ. Đứa trẻ sẽ bị suy nhược cả thể chất lẫn tinh thần, kém cảm xúc, quan hệ xã hội trục trặc hoặc trở nên hung hăng, bướng bỉnh.
Nguyên nhân của những rối nhiễu tâm lý khi cơ thể người mẹ trải qua nhiều biến đổi, đặc biệt về nội tiết. Trong những ngày đầu sau sinh, sản phụ thường chịu nhiều đau đớn, khó chịu, lại phải thường xuyên chăm sóc con, đêm không được ngủ yên giấc; mối quan hệ với chồng cũng thay đổi. Đặc biệt là sau sinh con đầu lòng… cũng khiến sản phụ dễ bị rối nhiễu tâm lý. Do đó, nếu không nhận được sự hỗ trợ của bác sĩ, gia đình, người mẹ có thể bị rối nhiễu tâm lý sau sinh.
Theo bà Hà, phụ nữ có rối nhiễu tâm trí từ trước khi mang thai, nếu không được phát hiện và điều trị sẽ trầm trọng hơn khi mang thai và sau sinh.
ThS.Trần Thu Hà cũng đề xuất, cần đưa sàng lọc trầm cảm – lo âu vào quy trình khám thai thường quy và có hệ thống chuyển tuyến trị liệu.
Theo Vương Thúy (QĐND), Dân Việt