21/01/2016 - 3:37 pm
0
Các nghiên cứu sinh ĐH New York (Mỹ) thuộc tổ chức HealthRight International đã có dịp tham dự buổi sinh hoạt hướng dẫn các ông bố, bà mẹ cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ từ 0 đến 24 tháng tuổi và trực tiếp đi thăm nhà những thành viên tích cực của CLB để có cái nhìn thực tế về hoạt động của dự án.
Ngày 16-17/1/2016, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng cùng 4 nghiên cứu sinh đến từ Khoa Y tế Công cộng- Đại học New York (Mỹ) đã tới thăm dự án CLB Học tập Cộng đồng Vì sự Phát triển Toàn diện của Trẻ, phỏng vấn chị em phụ nữ tham gia về hoạt động của dự án tại 2 xã Đọi Sơn và Nhân Thịnh (Hà Nam) nhằm xây dựng nguồn tư liệu cho việc viết đề cương mở rộng dự án trong giai đoạn tiếp theo.
Trong hai ngày thực địa, các nghiên cứu sinh ĐH New York đã tham dự CLB được tổ chức hàng tuần với chủ đề chăm sóc trẻ sơ sinh và cách chơi với trẻ để kích thích kỹ năng vận động và tự chăm sóc bản thân của trẻ. Họ đã thực sự ấn tượng trước sự ham học hỏi và tinh thần sôi nổi khi tham gia CLB của các bà, các mẹ và sự tự tin khi nói trước đám đông cũng như kỹ năng hướng dẫn thực hành tắm bé, chăm sóc cuống rốn, thay tã cho bé thành thạo của các cán bộ điều hành CLB.
Cũng trong chuyến đi lần này, các nghiên cứu sinh ĐH New York đã đến thăm một số hộ gia đình là thành viên tích cực của CLB để khảo sát, thu thập bằng chứng thực tế về những cải thiện trong hành vi chăm sóc trẻ của người dân sau khi tham gia CLB. Tại đây họ có cơ hội quan sát, đánh giá môi trường nuôi dạy trẻ, các vật dụng chăm sóc trẻ và kỹ năng thực hành, áp dụng tại nhà các kiến thức mà các bà, các mẹ đã được học ở buổi sinh hoạt.
Đối tượng tham gia phỏng vấn lần này rất đa dạng từ những người tham gia sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giáo viên hay cả những bà nội trợ, dành thời gian cả ngày để chăm sóc con cháu. Họ đã chia sẻ những kinh nghiệm, những thay đổi trong cuộc sống của họ sau khi tham gia CLB này.
Chị Lê Mỹ Trang (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ. Chị tham gia hầu hết tất cả các bài, vì vậy chị đã học hỏi được rất nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng khi chăm sóc con mình. Một trong những chủ đề mà chị Trang quan tâm nhất là “3 kỹ thuật thở trong lúc chuyển dạ”. Nhờ những kỹ thuật đó mà chị có thể sinh thường một cậu con trai nặng 4 kg mà không cần đẻ mổ và không hề thấy đau đớn gì. Các bác sĩ thậm chí đã khen ngợi chị về điều đó. Tới giờ, Trang đã tư vấn cho 4 người đồng nghiệp của mình cũng đang mang thai về kỹ thuật thở để giảm đau khi sinh con. Một trong số họ đã sinh em bé và nói rằng đúng là các kỹ thuật đó giúp chị sinh dễ dàng hơn và ít đau đớn hơn.
Bà Trần Thị Ngần (Xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã so sánh những phương thức truyền thống mà bà đã thực hiện khi chăm sóc con mình trước đây và những kiến thức khoa học bà áp dụng khi chăm sóc cháu của mình bây giờ như “tô màu bát bột” (đa dạng hóa các bữa ăn của trẻ) cho trẻ đỡ nhàm chán. Bà cũng cho rằng cháu mình phát triển cả về trí tuệ, thể chất khi cháu rất thông minh, lanh lợi. Ngày nay khi bố mẹ các cháu quá bận để chăm sóc các cháu, ông bà là người chăm sóc chính, CLB đã thành công khi thu hút được sự tham gia của cả những người thế hệ trước với cách chăm sóc trẻ lạc hậu để chuyển đổi, áp dụng những kiến thức hiện đại và khoa học.