30/12/2020 - 6:32 pm
0
Ngày 29/12 vừa qua, tại Hà Nội, Liên minh Phòng chống Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tiếng nói người bệnh và người bị ảnh hưởng vào quá trình thực thi và giám sát Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia (PCTHCRB) và Chính sách phòng, chống bệnh không lây nhiễm”.
Ngày 29/12 vừa qua, tại Hà Nội, Liên minh Phòng chống Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tiếng nói người bệnh và người bị ảnh hưởng vào quá trình thực thi và giám sát Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia (PCTHCRB) và Chính sách phòng, chống bệnh không lây nhiễm”. Hoạt động nằm trong sáng kiến của NCDs-VN nhằm góp phần tăng cường hiệu quả việc thực thi Luật PCTHRB và thúc đẩy thành công của NCDs-VN trong đưa tiếng nói người bệnh, và người chịu nguy cơ cao vào tiến trình xây dựng và giám sát các chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm với giải thưởng Sharjah của Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm toàn cầu (NCDA).
Hội thảo thu hút hơn 50 đại biểu từ các tổ chức khoa học, phi lợi nhuận trong nước và quốc tế, các mạng lưới, hội bệnh nhân và các nhà báo, phóng viên.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại diện Liên minh NCDs-VN, bà Nguyễn Thị An – Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, việc xây dựng các luật, chính sách chăm sóc sức khỏe cho người dân là công việc đòi hỏi chuyên môn không chỉ về mặt pháp lý mà còn đòi hỏi tổng hòa của khoa học về y tế dự phòng, y tế điều trị, phục hồi chức năng và giáo dục cộng đồng.
BS.TS. Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng (RTCCD), trưởng ban điều phối Liên minh NCDs-VN đã phân tích về tầm quan trọng và các giải pháp thúc đẩy tiếng nói người bệnh, nạn nhân và cộng đồng vào thực thi và giám sát Luật PCTHRB và chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm. Đây cũng là khuyến cáo mà ổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm toàn cầu đã đưa ra cho các quốc gia thành viên.
Trong khuôn khổ hội thảo này, đại diện các tổ chức thành viên của Liên minh đã trình bày về cơ sở pháp lý cho sự tham gia của người bệnh và cộng đồng người chịu nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm trong giám sát thực thi Luật PCTHRB và các chính sách Phòng chống bệnh không lây nhiễm, cũng như các ưu tiên phát triển và hoàn thiện chính sách quản lý hệ thống khám chữa bệnh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030.
Điểm nhấn trong hội thảo này là những chia sẻ của người bệnh, người bị ảnh hưởng do rượu, bia và người chịu nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm. Các câu chuyện từ chính cuộc đời của những nạn nhân rượu bia gây xúc động mạnh qua đó kêu gọi sự giám sát chặt chẽ Luật PCTHRB và vai trò của người dân trong thực thi giám sát Luật.
Đại diện các mạng lưới người bệnh, cộng đồng chịu nguy cơ cao mắc bệnh KLN cũng mong đợi Chính phủ có cơ chế thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong giám sát thực thi các chính sách, các tổ chức khoa học, cơ quan thông tấn báo chí có những hỗ trợ để đưa tiếng nói người bệnh, người bị ảnh hưởng trở thành bằng chứng thích hợp cho tiến tình vận động và phản biện chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Một số hình ảnh khác từ Hội thảo: