29/04/2016 - 8:30 am
0
Các chuyên gia CTXH đã truyền tải đến các học viên những nội dung rất cô đọng và mang tính thực hành cao về một chủ đề đang gây nhiều cấp thiết cho các dịch vụ xã hội: nghiện ma túy và nghiện rượu.
Ông Luke Talikowski, Chuyên gia cố vấn CTXH tổ chức HealthRight quốc tế, Chuyên gia cao cấp về Bảo vệ trẻ em của bang Tây Úc cùng BS. Nguyễn Trọng An, chuyên gia cao cấp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc và giáo dục trẻ em, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng (RTCCD) trong hai ngày 25 và 26 tháng 4 năm 2016, đã truyền tải đến các học viên những nội dung rất cô đọng và mang tính thực hành cao về một chủ đề đang gây nhiều cấp thiết cho các dịch vụ xã hội: nghiện ma túy và nghiện rượu.
Khóa tập huấn này là một trong nhiều các chương trình tập huấn về công tác xã hội trong bảo vệ trẻ em đã được tổ chức bởi Trung tâm Đào tạo Phát triển nghề Công tác xã hội – SWPDC dưới sự tài trợ và cố vấn kỹ thuật của tổ chức HealthRight Quốc tế. Một điểm đặc biệt của lớp tập huấn lần này chính là sự chính thức đưa vào Luật Trẻ em sửa đổi 2016 nội dung Chăm sóc thay thế (Chương 3 – 9 điều) quy định rõ ưu tiên đưa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy hiểm vào gia đình chăm sóc thay thế phù hợp thay vì các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc trại trẻ mồ côi. Dựa trên nền tảng của việc Luật hóa chăm sóc thay thế, bài giảng của ông Luke và BS. Nguyễn Trọng An ghi nhận được nhiều ý kiến trao đổi tiếp thu tích cực và có cả những ý kiến bày tỏ trăn trở phải một cách hiệu quả triển khai được mô hình chăm sóc thay thế rộng khắp Việt Nam.
Trong 2 ngày tập huấn có sự tham gia của gần 40 học viên, là các nhân viên công tác xã hội đến từ những tổ chức dân sự hoặc phi chính phủ quốc tế, phải kể đến Hagar, Blue Dragon, ChildFund, Plan International và các giảng viên công tác xã hội. Đặc biệt có sự tham dự của BS. Vũ Thị Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em, và các chuyên viên của Phòng chăm sóc trẻ em, Đường dây nóng bảo vệ trẻ em, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội. Chính sự phong phú trong thành phần học viên đã đem đến bầu không khí thảo luận rất sôi nổi. Nội dung tập huấn đi sâu vào phân tích những ảnh hưởng đa chiều và để lại hậu quả lâu dài của việc lạm dụng chất gây nghiện lên chức năng của gia đình: bạo lực gia đình, trẻ em bị bỏ bê sao nhãng thậm chí xâm hại, kiệt quệ về tài chính, và tử vong. Rõ ràng vai trò của người làm Công tác xã hội khi này, với nhiệm vụ can thiệp bảo vệ trẻ em, đánh giá nguy cơ do yếu tố nghiện chất, phục hồi chức năng các thành viên gia đình…, trở nên vô cùng quan trọng. Những kỹ năng chi tiết và thực tế như cách nhận ra dấu hiệu một người, một gia đình đang bị ảnh hưởng bởi rượu và ma túy, phân biệt các loại chất gây nghiện, lưu ý khi tham vấn và đánh giá tại nhà, xử lý nguy cơ cho trẻ trong môi trường nghiện chất… đã được các giảng viên hướng dẫn cụ thể.
Ngày 26/4, với chủ đề Chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, do đây là một mô hình thể hiện sự ưu việt nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ, giảng viên và người tham gia đã liên tục có những phần Hỏi và Đáp xoay quanh nhiều khía cạnh liên quan tới việc đảm bảo sự an toàn và lợi ích tốt nhất cho trẻ khi được đưa vào gia đình thay thế. BS. Vũ Thị Kim Hoa đã rất nhiệt tình trao đổi với giảng viên và các học viên khác về kế hoạch quy trình triển khai Luật để xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết cho việc triển khai chăm sóc thay thế.
Kết thúc hai ngày tập huấn là phần trao chứng chỉ ghi nhận sự tham gia cho các học viên, và kế hoạch sẽ quay lại Việt Nam vào tháng 11/2016 của ông Luke để thực hiện tập huấn 2 ngày chuyên sâu dành riêng cho nội dung chăm sóc thay thế. Chắc chắn với sự hợp tác tích cực giữa HealthRight Quốc tế, SWPDC, và Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em trong thời gian tới, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sẽ có cơ hội được bảo vệ và chăm sóc tốt hơn qua hình thức chăm sóc thay thế này.
Một số hình ảnh của buổi tập huấn: