7/12/2016 - 12:07 pm
0
Tập huấn có sự tham gia của các đại diện đến từ các đơn vị như Hagar International, Blue Dragon, Child Fund, Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, phòng Công tác xã hội Bệnh viên Nhi Trung ương, bệnh viện Xanh-pôn, Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH Hà Nội
Chăm sóc thay thế đã được quy định tại một chương trong Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6 năm 2017. Để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình thực hiện luật và xây dựng mô hình chăm sóc thay thế chuyên nghiệp tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) phối hợp với tổ chức HealthRight tổ chức tập huấn về Phương pháp đánh giá chăm sóc thay thế nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các nhân viên công tác xã hội, cán bộ tâm lý, tư vấn luật pháp, và các công tác bảo vệ trẻ em.
Chăm sóc thay thế là hình thức cung cấp gia đình mới cho trẻ em do những khó khăn mà chưa thể hoặc không thể sống với gia đình ruột thịt của mình. Điều này đảm bảo rằng dù không ở bên cha mẹ nhưng các em vẫn có thể duy trì môi trường gia đình và được chăm sóc, thấu hiểu. Nội dung tập huấn bao quát toàn bộ quy trình chăm sóc thay thế trong đó, ông Luke Talikowski – giảng viên chính của tập huấn tập trung giới thiệu và hướng dẫn sử dụng một số mẫu form đánh giá, công cụ thu thập thông tin như cột mốc cuộc đời, sơ đồ phả hệ. Những công cụ này nếu được sử dụng có hiệu quả sẽ có thể lấp những khoảng trống mà mẫu đánh giá nhiều khi không thể tìm hiểu hết được.
Lựa chọn gia đình thay thế rất cần thiết phải tính đến yếu tố văn hóa. Sự gần gũi trong lối sống, ngôn ngữ, các giá trị, niềm tin sẽ giúp trẻ dễ dàng gắn kết với môi trường mới, giảm thiểu cú sốc văn hóa và đặc biệt là giúp trẻ cảm thấy hòa hợp và đảm bảo tính định danh cho trẻ. Do vậy, cha mẹ chăm sóc thay thế sẽ ưu tiên là họ hàng, người có thể chia sẻ quan hệ gần gũi hơn với trẻ.
Để đánh giá tốt một trường hợp chăm sóc thay thế, ngoài những kiến thức nền tảng, cán bộ đánh giá cũng cần có kỹ năng, sự tinh tế, hiểu về văn hóa phong tục, bởi vậy nguồn nhân lực tại hội phụ nữ, phòng bảo về trẻ em tại địa phương là đội ngũ tiềm năng. Nếu nguồn lực này được đào tạo chuyên sâu thì sẽ có thể đảm nhiệm từ quá trình tuyển chọn cho đến đánh giá gia đình chăm sóc thay thế.
Các kinh nghiệm thực tế được chia sẻ từ giảng viên và những người tham gia đã cho thấy rõ hơn bức tranh về chăm sóc thay thế hiện nay tại Việt Nam với những khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực, sự phối hợp giữa nhân viên CTXH với cơ quan công an, rào cản văn hóa hay thiếu chuẩn thực hành về CTXH.