10/10/2016 - 6:12 pm
0
Nội dung trao đổi, thảo luận tập trung vào 4 điểm chính, gồm Các nguy cơ và nguyên nhân gây bạo lực, xâm hại ở trẻ em; Lý thuyết và thực hành quản lý ca trong hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, bạo lực; Tìm hiểu về đánh giá chăm sóc thay thế; và Tìm hiểu về một số công cụ sử dụng trong đánh giá và can thiệp.
Ngày 6/10, Trung tâm Đào tạo và Phát triển nghề công tác xã hội (SWPDC) (Trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) và Tổ chức HealthRight Quốc tế đã triển khai tập huấn Công tác xã hội trong bảo vệ trẻ em bị xâm hại dành cho các bạn sinh viên đang theo học ngành Công tác xã hội, tâm lý giáo dục và các bạn quan tâm tới lĩnh vực này.
Tập huấn có sự tham gia của 30 người gồm các bạn sinh viên, các giảng viên, cán bộ CTXH, tâm lý, phát triển cộng đồng đang làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Các nội dung trên đều là những kỹ năng đặc thù của công tác xã hội trong phúc lợi trẻ em. Với chăm sóc thay thế, mặc dù chưa phải là hình thức được phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên học viên của lớp đã thể hiện được cách tiếp cận tổng thể, có tổ chức, và lưu ý bao quát tới việc đánh giá tâm lý-xã hội của người sẽ nhận nuôi thay thế và của trẻ.
Một phần rất thú vị và thiết thực đối với những cán bộ CTXH, cán bộ tâm lý lâm sàng trong lớp tập huấn là cách thức giao tiếp với trẻ là nạn nhân của xâm hại, bạo lực thông qua việc sử dụng các công cụ để giúp trẻ hiểu được và gọi tên cảm xúc của mình – Công cụ “The Bears”. Bên cạnh đó, một phương pháp khác giúp xác định sự việc xâm hại đã xảy ra và hiểu về tâm tư của trẻ là từ tranh vẽ của trẻ. Phản hồi của học viên với các công cụ này rất tích cực và học viên đều bày tỏ mong muốn được đi sâu hơn vào nguyên lý và cách thức áp dụng hai kỹ năng trên.
Lớp tập huấn đã nhận được những ý kiến đánh giá rất tích cực từ người tham gia, đặc biệt là sự chủ động của các bạn sinh viên. Sự thành công này của lớp tập huấn giúp định hướng đẩy mạnh việc phát triển thực hành công tác xã hội cho sinh viên qua các lớp đào tạo chuyên đề, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em – trọng tâm của Trung tâm SWPDC.