26/07/2016 - 5:18 pm
0
Truyền thông đại chúng chưa hết xôn xao về trường hợp mổ nhầm chân ở bệnh viện Việt Đức, thì lại xảy ra mổ nhầm tay ở bệnh viên 115 Nghệ An. Hai trường hợp đều chung nhầm “trái. phải”, tuy không gây chết người, nhưng thực sự làm xã hội lo lắng!
Trong công việc hàng ngày, việc nhầm lẫn tránh sao khỏi! Người xưa nhắc nhở: Không ai nắm tay thâu ngày đến tối”! tài giỏi mấy cũng có lúc nhầm!
Biết thế, nhưng trong tâm tư mỗi người dân, vẫn mong đừng có nhầm lẫn trong tác nghiệp y khoa! Bên này nhầm sang bên kia, bệnh này chữa sang bệnh khác, việc “làm lại” không chỉ vấn đề thời gian, kinh phí, mà có khi trả giá cả đời, thậm chí tính mạng bệnh nhân.
Nên dù có nhiều bài viết chân thành cảm thông, đặc biệt từ các đồng nghiệp, xã hội vẫn rất lo lắng, và chờ mong ngành y cần có biện pháp kiểm soát.
Bài viết này đi theo hướng “dự phòng” đó.
Bắt đầu bằng việc nhận thức cho đúng tình trạng nhầm lẫn trong y khoa, quy mô của nó, tiếp đến xác định căn nguyên, và cuối cùng, hành động đứng lên từ những sai lầm trước đó.
NHẬN THỨC CHO ĐÚNG: NHẦM LẪN TRONG Y KHOA RẤT PHỔ BIẾN
Những nhầm lẫn vừa qua là trường hợp hy hữu?
Xin thưa không!
Từ trước đến nay, không chỉ ở Việt nam mà trên thế giới nói chung, cả xã hội và giới y khoa đều nhận thức rằng tất cả các trường hợp nhầm lẫn trong y khoa, hay gọi theo danh từ chuyên môn “Sai số trong tác nghiệp Y khoa – medical Error”, xảy ra đều là ngoài mong muốn của người trong cuộc! Hoàn toàn không có chủ ý! Và vì thế, không cần nói, bất cứ ai liên quan đều tự rút kinh nghiệm nghề nghiệp! Ngành y nói chung và nội bộ chuyên ngành có tại nạn xảy ra nói riêng, đều tự mổ xẻ rút lấy bài học để đời, chẳng phải đợi ai nhắc nhở!
Nghề Y là một nghề đặc biệt, ở chỗ, trong nhận thức xã hội, “bác sĩ” phải “chỉ có đúng”. Chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân nhất nhất tuân thủ. Sai lầm của bác sĩ dù hãn hữu vẫn khó cho người dân chấp nhận. Đấy vừa là niềm tự hào, nhưng vừa là một thách thức lớn cho người hành nghề Y.
Khoa học y học không thiếu điều bất ngờ, mà chỉ dân Y trải qua thực tế, mới chiêm nghiệm được! Nên chuyện nhầm lẫn trong tác nghiệp, được cho là hoàn toàn cá nhân của người liên quan, là chuyện riêng của giới Y, không ai có khả năng đi vào phân tích, đánh giá, ngoại trừ người trong nghề. Vì thế, trên thế giới, nhìn chung xã hội chỉ biết đến ngành y qua những thành công của họ. Chuyện phẫu thuật nhầm “trái phải” vừa qua mà bệnh nhân nhận ra được quy cho hy hữu, đơn giản bởi nó đã tự thể hiện “sờ sờ ra đấy”.
Chỉ mãi tới gần đây, trong cố gắng cạnh tranh nâng cao chất lượng điều trị và giảm thiểu tối đa chi phí đền bù, các nhà khoa học y học và y tế công cộng trên thế giới mới quay sang nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề sai lầm trong y khoa.
Và kết quả cho câu trả lời ngược lại: Sai lầm trong y khoa là rất phổ biến!
Đơn cử thông tin từ giới y khoa đại học John Hopkin[1] : “ Nhầm lẫn trong tác nghiệp y khoa là nguyên nhân gây chết đứng hàng thứ ba ở Mỹ, chỉ đứng sau bệnh Tim mạch, Ung thư, và đứng trên bệnh phổi mạn tính”. Nhóm nghiên cứu của bệnh viện trường đại học John Hopkin theo dõi trong 8 năm, để rồi có được mô hình dự báo, ở Mỹ trong năm 2013, có tới trên hai trăm ngàn trường hợp chết (chính xác: 251.454 người) quy cho sai lầm trong tác nghiệp y khoa (medical error)! Tựu trung, mỗi năm chiếm tỷ lệ 9.5% trong bảng tổng sắp số chết do mọi nguyên nhân ở Mỹ!
Chết do sai lầm y khoa ở Mỹ như thế, thì ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt nam, không thể nói là hy hữu được!
CHUYỂN ĐỔI NHẬN THỨC: TỪ SAI LẦM CÁ NHÂN, CHUYỂN SANG BÀI TOÁN HỆ THỐNG
Kết quả nghiên cứu chỉ ra sai lầm trong tác nghiệp y khoa trong thế giới hiện đại không còn là “chuyện cá nhân trong nghề” để rút kinh nghiệm riêng, mà nó đã trở thành vấn đề y tế công cộng, đòi hỏi phải tìm ra căn nguyên và có chương trình kiểm soát!
Nghiên cứu đại học John Hopkin cảnh báo, Việc điều tra sai lầm không nên chạy theo hướng phát hiện để mà “trừng phạt tội lỗi”, dù trên phương diện hành nghề hay pháp lý. Bởi đa số các sai lầm trong tác nghiệp y khoa không phải do sự yếu kém chuyên môn hoặc đạo đức của người bác sĩ (bad doctors). Đúng ra, đó là những “triệu chứng” biểu lộ những vấn đề hệ thống, bao gồm tình trạng phối hợp yếu kém, thiếu đồng bộ trong hệ thống chăm sóc y tế, vấn đề quy trình chuyên môn và mạng lưới giám sát chất lượng thường quy, vấn đề giám sát đánh giá độc lập trong thực hành nghề nghiệp, vấn đề minh bạch thông tin chuyên môn và giải trình trách nhiệm, quy trình thúc đẩy hợp tác bệnh nhân tham gia tiến trình chăm sóc…Tóm lại, thay vì chỉ xử lý trách nhiệm cá nhân, tuyệt đại đa số sai lầm trong y khoa phải được giải quyết ở bài toán hệ thống! Không đứng trên quan điểm hệ thống, không giải quyết và ngăn ngừa được sai lầm trong tác nghiệp y khoa!