Từ sự thành công khống chế dịch bệnh truyền nhiễm SARS 2003, và sự hợp tác giữa y tế và nông nghiệp trong chống dịch cúm trên người và động vật những năm tiếp theo, Việt Nam nhận được sự chú ý của quốc tế giúp thúc đẩy hợp tác liên ngành phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đặc biệt dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, trong bối cảnh kinh tế thị trường trở thành xu hướng toàn cầu hóa và thách thức trong chăm sóc sức khỏe người dân ở mỗi quốc gia cũng chính là những vấn đề y tế toàn cầu. Hợp tác với WHO, FAO, UNDP và một số tổ chức đã giúp Việt Nam tiến dần sang xu hướng chọn “Một Sức khoẻ – One Health” (MSK) làm cách thúc đẩy hợp tác liên ngành y tế-nông nghiệp-môi trường trong kiểm soát bệnh tật truyền lây từ động vật sang người.
Với kết quả hợp tác từ 2010 tới nay, đánh dấuu bằng ra đời của thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT về hướng dẫn phối hợp phòng chống bệnh truyền lây từ động vật sang người, và bản “Kế hoạch chiến lược một sức khỏe quốc gia phòng chống bệnh truyền lây giữa động vật và người, 2016-2020”, Việt Nam đã tiến một bước chính thức đưa cách đề cập MSK trở thành phương thức vận hành hệ thống phòng chống dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người, tập trung vào 7 lĩnh vực chính yếu.
“Kế hoạch chiến lược Một Sức Khoẻ quốc gia phòng chống bệnh truyền lây giữa động vật và người, 2016-2020” đã đi được hai phần ba chặng đường. Nhu cầu đánh giá những gì đạt được và xác định ưu tiên hành động cho giai đoạn tiếp theo, sau 2021 đã đưa đến sự ra đời của nghiên cứu trường hợp điển hình một số lĩnh vực của MSK tại Bắc Giang.
Ý tưởng và mục tiêu nghiên cứu do các tổ chức quốc tế và văn phòng MSK của Việt Nam đồng đề xuất, nhằm có được sự đánh giá khách quan và khoa học căn cứ trên bằng chứng nghiên cứu thực tế ở phạm vi nghiên cứu trường hợp cấp tỉnh, phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch dự kiến đưa chiến lược MSK ở cấp trung ương trong giai đoạn 1 (2016-2020) dịch chuyển xuống thực thi ở cấp tỉnh trong giai đoạn tiếp theo, sau 2021.
Bắc Giang được chọn bởi phù hợp nhiều điểm cho việc đánh giá sự phối hợp liên ngành của y tế – nông nghiệp và phát triển nông thôn – tài nguyên môi trường trong phòng chống bệnh truyền lây từ động vật sang người và kháng kháng sinh.
Mục đích: cung cấp một bức tranh toàn cảnh về tình hình thực hiện Một Sức Khoẻ tại tỉnh Bắc Giang
Mục tiêu:
- Mô tả đặc điểm kinh tế xã hội và sự vận hành của hệ thống chăm sóc sức khỏe con người, động vật, nuôi trồng nông nghiệp và môi trường của tỉnh Bắc Giang.
- Mô tả hệ thống phòng chống và kiểm soát bệnh dại ở Bắc Giang và đề xuất các khuyến nghị chính sách phục vụ mục tiêu chiến lược quốc gia phòng chống bệnh dại 2017-2021
- Mô tả công tác phòng chống và kiểm soát bệnh dại ở người ở Bắc Giang và đề xuất các khuyến nghị chính sách phục vụ mục tiêu chiến lược quốc gia phòng chống bệnh dại 2017-2021
- Tìm hiểu mức độ áp dụng cách tiếp cận Một Sức khỏe để phòng ngừa tình trạng kháng kháng sinh ở người và trong nuôi trồng ở Bắc Giang và đưa ra các khuyến nghị để tăng cường hệ thống.
- Xác định cơ chế hợp tác liên ngành, đặc biệt là sự tham gia của ngành môi trường trong cách tiếp cận One Health ở Bắc Giang và đưa ra các khuyến nghị để tăng cường sự tham gia hiệu quả của ngành môi trường.
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu bao gồm 3 hợp phần nghiên cứu chính:
- Thu thập thông tin thứ phát từ nguồn tài liệu sẵn có nhằm mô tả các chính sách hiện hành về Một Sức Khoẻ, dự phòng và kiểm soát bệnh Dại và các bệnh truyền nhiễm, cải cách hệ thống y tế; và xác định những rào cản, thách thức bao gồm các cơ chế phối hợp và nguồn ngân sách.
- Nghiên cứu định tính nhằm làm sáng tỏ quan điểm của các nhà hoạch định chính sách và các cán bộ vận hành về thực trạng áp dụng Một Sức Khoẻ tại Bắc Giang, các cơ chế phối hợp, các rào cản và khoảng trống. Hợp phần này cũng đồng thời khám phá những cách để giải quyết những khoảng trống này.
- Khảo sát hộ gia đình đo lường các bằng chứng cộng đồng về kiến thức – thái độ – thực hành (KABP) của người dân nói chung và những người có nuôi chó/mèo, việc quản lý chó/mèo và phòng bệnh dại, các cơ chế phối hợp và thực thi của các cơ quna ban ngành có liên quan.
Kết quả nghiên cứu: (Tóm tắt báo cáo nghiên cứu đưa vào phần Tài liệu dự án)