Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) là phương pháp nuôi dưỡng trẻ tự nhiên mang lại lợi ích tối ưu nhất cho sức khỏe và sự sống còn của trẻ (1). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khuyến cáo nên cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (1). Tỷ lệ trẻ được bú sớm giảm từ 44% năm 2006 xuống còn 27% trong năm 2013 (2) và tỷ lệ NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu tại Việt Nam chỉ đạt 19.6% (3). Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (VDD), thực trạng NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu trong một số năm trở lại đây không được cải thiện, thậm chí là giữ nguyên do có sự tác động của các sản phẩm thay thế sữa mẹ (SPTTSM) trên thị trường (4).
Năm 2016, tờ Lancet – một trong những tờ báo uy tín nhất trong ngành y tế công cộng và có ảnh hưởng sâu rộng đến xu hướng chăm sóc sức khỏe toàn cầu đã công bố một chuỗi các bài báo nghiên cứu về việc NCBSM. Các bằng chứng nghiên cứu này đã định hướng mạnh mẽ xu thế NCBSM trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển (5). Chuỗi bài báo cũng khẳng định tầm quang trọng của việc NCBSM đối với sức khỏe của mẹ và trẻ như giảm tỷ lệ mắc bệnh, tăng trí thông minh ở trẻ, và có thể làm giảm tỷ lệ béo phì và tiểu đường khi trẻ trưởng thành; và phòng chống ung thư cho mẹ. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là dưới 37% năm 2016. Chính vì thế, nghiên cứu đặt ra mong đợi với nỗ lực của WHO và chính phủ các nước, tỷ lệ này có thể đạt được 50% trên toàn cầu vào năm 2025 (6). Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy NCBSM là một trong những chỉ số hiếm hoi mà các nước nghèo gần đạt được mức khuyến cáo quốc tế, thậm chí còn cao hơn so với các nước thu nhập cao (6). Tại các nước đang phát triển, vấn đề gặp phải đối với NCBSM là việc cho trẻ bú lần đầu tiên muộn và tỷ lệ NCBSM hoàn toàn thấp, trong khi tại các nước đã phát triển, NCBSM không đủ 6 tháng đầu đời là vấn đề thường gặp (6, 7).
Trong 2 thập kỷ qua, tỷ lệ NCBSM tại Việt Nam có sự thay đổi theo từng giai đoạn và khác nhau giữa khu vực thành thị và nông thôn (8, 9). Tỷ lệ NCBSM hoàn toàn ở thành thị chỉ đạt 30%, thấp hơn nhiều so với khu vực nông thôn và miền núi (70%) (10). Theo số liệu giám sát hàng năm của VDD, tỷ lệ NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời tại Việt Nam năm 1998 đạt 34% nhưng sau đó đã giảm mạnh xuống còn 15,5% năm 2005 (48). Năm 2017, tỷ lệ NCBSM đã tăng nhưng vẫn ở mức rất thấp (19.2%). Cho đến năm 2018, tỷ lệ này tăng rất ít (19.6%) và Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm có tỷ lệ NCBSM thấp nhất khu vực Đông Nam Á (4, 49, 50), thấp hơn hẳn so với Lào (40%) và Campuchia (65%) (11).
Với thực tế hiện nay, Việt Nam chưa có nghiên cứu minh chứng tác động của các chính sách kiểm soát việc quảng cáo BMS tới hành vi của cộng đồng và tỷ lệ NCBSM ở Việt Nam. Do vậy, nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả của các chính sách liên quan đến khuyến khích, bảo vệ và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam” được trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) thực hiện, với sự hỗ trợ từ phía tổ chức FHI360. Nghiên cứu nhằm tăng cường hiểu biết về hiệu quả của các can thiệp chính sách ở Việt Nam để tập trung vào các yếu tố quyết định mang tính hệ thống tác động đến tình trạng NCBSM. Nghiên cứu đánh giá tác động của các chính sách này và các trở ngại để thực hiện thành công thông qua quan điểm của các bên liên quan khác nhau bao gồm các nhà hoạch định chính sách, người thực hiện và người thụ hưởng, sẽ cung cấp bằng chứng khoa học, có thể được sử dụng để ngăn chặn các bước tiến lùi của chính sách và tìm cách hỗ trợ các chính sách ưu việt để thực thi hiệu quả hơn.
Nghiên cứu được thực hiện với 4 mục tiêu chính:
- Đánh giá nội dung các chính sách liên quan đến hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và hạn chế sản phẩm thay thế sữa mẹ.
- Đánh giá việc thực hiện, phạm vi, cơ chế giám sát của các chính sách.
- Rà soát tác động của các chính sách đối với phụ nữ tại cộng đồng.
- Tìm hiểu quan điểm của các nhà hoạch định chính sách và cán bộ y tế và cộng đồng.
Nghiên cứu sử dụng thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang, áp dụng phối hợp hai phương pháp định tính và định lượng với cỡ mẫu 990 phụ nữ (phụ nữ mang thai và phụ nữ có con 0-12 tháng) tại 3 tỉnh/ thành phố: Bắc Ninh, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo nghiên cứu sẽ được xuất bản vào tháng 11/2020.
Một số hình ảnh quá trình thu thập số liệu nghiên cứu:
Tài liệu tham khảo:
- WHO. Breastfeeding [cited 2020 16th April]. Available from: https://www.who.int/health-topics/breastfeeding#tab=tab_1.
- WHO, UNICEF. Capture the moment: early initiation of breastfeeding: the best start for every newborn. 2018.
- CDC. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ 2019 [cited 2020 16th April]. Available from: http://ytdphanoi.gov.vn/720n/sua-me-la-nguon-dinh-duong-tot-nhat-cho-su-phat-trien-cua-tre.html.
- Tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ vẫn ở mức thấp 2017 [cited 2020 16th April]. Available from: https://vietnammoi.vn/ty-le-nuoi-con-bang-sua-me-van-o-muc-thap-64825.htm.
- Hansen K. Breastfeeding: a smart investment in people and in economies. The Lancet. 2016;387.
- Victora CG, Bahl R, Barros AJD, França GVA, Horton S, Krasevec J, et al. Breastfeeding in the 21st century: epidemiology, mechanisms, and lifelong effect. The Lancet. 2016;387:475-90.
- McFadden A, Gavine A, Renfrew MJ, Wade A, Buchanan P, Taylor JL, et al. Support for healthy breastfeeding mothers with healthy term babies. Cochrane Database of Systematic Reviews. 2017;2.
- Thu HN, Eriksson B, Khanh TT, Petzold M, Bondjers G, Kim CN, et al. Breastfeeding practices in urban and rural Vietnam. BMC public health. 2012;12:964.
- Almroth S, Arts M, Quang ND, Hoa PT, Williams C. Exclusive breastfeeding in Vietnam: an attainable goal. Acta paediatrica. 2008;97(8):1066-9.
- Nam HLhpnV. Tỷ lệ bà mẹ cho con bú ở thành thị chỉ là 30% thấp hơn nhiều so với khu vực nông thôn và miền núi (70%) 2010.
- Tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam thấp hơn Lào, Campuchia [press release]. Hà Nội: Phụ nữ Việt Nam2016.