8/09/2022 - 3:09 pm
0
Hưởng ứng Tuần lễ Phòng chống Bệnh không lây nhiễm toàn cầu (05 – 11/09/2022), đồng thời nhằm thúc đẩy sự quan tâm của giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC) trong lĩnh vực nghiên cứu chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm (NCDs), cũng như nâng cao năng […]
Hưởng ứng Tuần lễ Phòng chống Bệnh không lây nhiễm toàn cầu (05 – 11/09/2022), đồng thời nhằm thúc đẩy sự quan tâm của giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC) trong lĩnh vực nghiên cứu chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm (NCDs), cũng như nâng cao năng lực nghiên cứu định hướng chính sách y tế công cộng, tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa các bên, sáng ngày 07/9/2022, Trường ĐHYTCC phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng (RTCCD) tổ chức buổi sinh hoạt khoa học chủ đề: “Nghiên cứu Y tế công cộng định hướng chính sách Phòng chống bệnh không lây nhiễm”.
Buổi sinh hoạt khoa học có sự tham gia và chủ trì của GS.TS. Hoàng Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐHYTCC, TS. BS Trần Tuấn- Giám đốc Trung tâm RTCCD, TS. Nguyễn Huy Quang- nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Bộ Y tế.63 Đại biểu tham dự buổi sinh hoạt khoa học là các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới về hệ thống y tế, y tế cơ sở và NCDs, các tổ chức xã hội thuộc Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) cùng toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên của Nhà trường.
Đại diện Nhà trường và là đơn vị chủ trì điều phối chuyên môn, PGS. TS. Lê Thị Kim Ánh đã có bài trình bày tổng quan các nghiên cứu về NCDs đã được Trường ĐHYTCC thực hiện trong 10 năm qua; đồng thời thảo luận về năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực NCDs, một số khó khăn, thách thức của việc sử dụng bằng chứng khoa học trong hoạch định chính sách; đồng thời thảo luận các giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu định hướng chính sách và có sự kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách.
TS. Trần Tuấn- Giám đốc RTCCD chia sẻ nghiên cứu định hướng chính sách y tế phòng, chống NCDs, thách thức thực tế phát triển nghiên cứu định hướng chính sách phòng chống NCDs và một số giải pháp thúc đẩy phát triển nghiên cứu định hướng chính sách phòng chống NCDs như: tăng môi trường thông tin về chính sách và nghiên cứu định hướng chính sách phòng chống NCDs; phát triển hợp tác nghiên cứu và tạo môi trường hỗ trợ nghiên cứu khoa học định hướng chính sách phòng chống NCDs.
TS. Nguyễn Huy Quang- Nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế đã có bài chia sẻ về tổng quan NCDs tại Việt Nam; các quan điểm của Đảng về Phòng, chống NCDs và các chính sách pháp luật liên quan. Tiến sĩ cũng nhấn mạnh về thách thức và khó khăn hiện nay như: các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm đang ở mức cao và có chiều hướng gia tăng; việc thực thi chính sách, phối hợp liên ngành còn hạn chế; nhận thức, thực hành của cộng đồng về NCDs còn thiếu; thiếu hụt các dịch vụ dự phòng, phát hiện, quản lý NCDs tại tuyến xã và nguồn tài chính cho công tác phòng chống NCDs, đặc biệt là cho các hoạt động phòng bệnh.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới, các chuyên gia về hệ thống y tế và NCDs nhấn mạnh vai trò, thế mạnh của Trường ĐHYTCC trong việc cung cấp bằng chứng khoa học hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách, chăm sóc sức khỏe toàn dân và mong muốn Nhà trường sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, tiên phong nghiên cứu và đóng góp nhiều hơn nữa bằng chứng cho hoạch định chính sách y tế.
Nhiều trao đổi chuyên sâu sẽ tiếp tục được chia sẻ tại buổi sinh hoạt sẽ được 2 bên tổ chức vào tháng 10/2022 với chủ đề: Phổ cập chăm sóc sức khỏe toàn dân. Hy vọng sẽ còn nhiều hợp tác hơn nữa trong thời gian tới với các nghiên cứu về NCDs chuyên sâu nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu định hướng chính sách y tế công cộng ở Việt Nam.