26/10/2016 - 9:41 am
0
BS.TS. Trần Tuấn- Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) đã trả lời Báo Đất Việt xoay quanh vấn đề điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, nhằm ứng phó với tình trạng già hóa dân số
Dự kiến, năm 2017, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trong đó, có phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, nhằm ứng phó với tình trạng già hóa dân số.
Lý lẽ đưa ra minh giải cho việc nâng tuổi cũng khá ấn tượng, như chi dài thu ngắn nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội; đời sống vật chất cải thiện sức khỏe tốt lên, thêm tuổi thêm kinh nghiệm tích lũy, cần chuyên gia đóng góp thêm cho xã hội. Lại nữa, cứ theo các nước phát triển đi trước, tuổi nghỉ hưu của họ đã lên 65 và còn lên…
Phía phản bác lại cho rằng nói vậy mà không phải vậy! Chỉ là hiện tượng, bề mặt mà thôi, không phải bản chất! Chẳng hạn, lợi ích nâng tuổi nghỉ hưu giúp quỹ bảo hiểm xã hội có tăng đấy, nhưng bảo tồn quỹ, cân bằng thu chi, quỹ có vỡ hay không lại là chuyện khác, chưa chừng cứ với cách quản lý bảo hiểm xã hội như vừa qua, quỹ càng to càng vỡ nặng! Lợi ích đưa lại cho xã hội bởi những chuyên gia nhiều kinh nghiệm tiếp tục làm việc là có, nhưng nhỏ, mang đặc thù cá nhân, đưa thành chính sách cho toàn hệ thống, chưa chừng lại gây “lạm phát chuyên gia”, lợi bất cập hại! Giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu đúng với các nước tiên tiến, nhưng cứ khiên cưỡng với Việt Nam, có khi lại nhận quả ngược!
Hiểu thế nào cho phải?
Mốc hưu trí: Câu chuyện của ai?
Bàn về hưu, ở đất nước hình chữ S này, là dành cho đối tượng tham gia hệ thống nhà nước, chứ 70-80% lực lượng lao động của đất nươc này họ làm bên ngoài nhà nước, nhu cầu tự thân, làm theo năng lực, hưởng theo thị trường. Mốc tuổi hưu tăng giảm vài năm, nào can hệ gì?
Những người nông dân tôi chứng kiến, tuổi 70 còn cày cuốc được, vẫn tự động hai sương một nắng ra đồng. Người công nhân khu công nghiệp, vừa vào làm nhà máy nọ đôi năm, lại ở nhà, nửa năm sau lại thấy đi làm một khu công nghiệp khác. Bác sĩ tư nhân hoặc công tác tổ chức phi lợi nhuận, cái đầu còn minh mẫn, dân còn tin, thì còn tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh cho dân! Trí thức độc lập, còn suy nghĩ, còn khả năng phân tích thực trạng nhận ra cái phi lý,cái phản khoa học, thì còn viết bài, còn đề xuất, vận động chính sách. Bà hàng bánh cuốn, anh thợ xây, chị bán rau, …hầu hết đều làm cho đến khi gối mỏi, mắt hoa… mới chịu nghỉ việc!
Nghĩa là, với dân tôi, còn sức, còn làm. Mệt thì nghỉ, nghĩ đỡ mệt lại làm! Không làm việc này thì làm việc khác!
Khái quát lại, trong ba lực lượng (làm trong nhà nước, làm ngoài thị trường, làm trong tổ chức xã hội dân sự) đang ngày ngày lao động tạo nên sự phát triển cho đất nước này, thì mốc nghỉ hưu, tăng lên hay giảm đi, lại là câu chuyện có lẽ chỉ dành riêng cho anh bên nhà nước mà thôi.. Mốc tuổi nghỉ hưu như vậy, không phải đơn thuần xét yếu tố cá nhân (lấy sức khỏe làm chỉ tiêu), nó là câu chuyện vận hành cái “hệ thống” đang ngày ngày chi tiêu tiền thuế của Dân!
Tuổi nghỉ hưu và bài toán hiệu quả hệ thống
Như vậy, về tổng thể, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, chủ yếu cho anh làm trong hệ thống nhà nước, vậy phải được xét với thực tế quản lý nhà nước hiện nay và tính hiệu quả của hệ thống này.
Xin lưu ý, tôi đang bàn cho nhà nước Việt nam ở thập niên thứ hai thế kỷ 21! Một nhà nước chứa đầy sự ngạc nhiên khi xét hiệu quả vận hành hệ thống! Này nhé, giữa Thủ đô của nước đầu tiên Á châu và thứ hai trên thế giới ký công ước bảo vệ quyền trẻ em, mà một trẻ gái bị đánh đập, hành hạ diễn ra ngày ngày ở một quán phở đông người qua lại, ngót chục năm trời, khó mà nói là chính quyền, đoàn thể không biết, nhưng thực cứu thoát trẻ rồi câu chuyện lên được mặt báo thì chả phải chính quyền, ban ngành đoàn thể nào cả, cũng chả phải một công chức có tâm nào, mà lại là một bà già nghĩa hiệp!
Hay chuyện khác. Theo lời khai của kẻ thủ ác là một bác sĩ bệnh viện công hành nghề tư, người ta cố gắng tìm xác một cô gái xấu số bị quẳng sông sau khi tử nạn vì phẫu thuật thẩm mỹ. Xác cô gái xấu số tìm chưa thấy đâu, lại thấy mấy xác xấu số khác nằm im lìm dưới đó từ lúc nào chỉ có Giời biết.
Ngược lại, có những chuyện mà cứ theo bằng chứng hàng ngày để rút ra quy luật, lại tréo ngoe cả.
Chẳng hạn, chỉ nghe có lệnh xử phạt liên quan đến đi xe máy và đội mũ an toàn, cả thành phố mấy triệu xe máy bỗng từ trạng thái bao năm chẳng bao giờ đi xe đội mũ bảo hiểm, bỗng chốc qua đêm, như có phép thần tất cả đội mũ như là đã quen từ lâu lắm rồi. Rợp thành phố mũ xanh mũ đỏ, mũ hoa mũ lá, mũ cụp mũ xòe… Hoặc câu chuyện thay cây đường phố. Lệnh thay cây phát ra truyền thông còn đang bàn ra tán vào chưa ra ngô ra khoai, thì đầy tuần tính ra hàng ngàn cây đã bị đốn đi nhanh chóng. Ngạc nhiên không kém, là bao chuyện báo chí lý giải như thế, như thế, hợp lý lắm, nhưng đi sâu phân tích đến cội nguồn, lại vỡ ra chả phải thế!
Mốc nghỉ hưu cho nhân lực nhà nước, thiết nghĩ, phải cân nhắc trong bối cảnh của một hệ thống đang có tình trạng vận hành như vậy!
Xét mốc nghỉ hưu: Vì một hệ thống nhà nước hiệu quả hơn
Nhân sự làm cho nhà nước phải nghỉ hưu, đấy là yêu cầu bắt buộc! Vì yếu tố sức khỏe? Chỉ đúng một phần! Phần nữa, cốt lõi, là vì sự tồn vong của cái hệ thống mà về khoa học tổ chức xã hội, được xem là hệ thống đóng. Cái hệ thống này, nếu không ấn định tuổi cho nhân sự nghỉ hưu, thì nó sẽ tự chết.
Tại sao vậy?
Bởi vạn vật trên đời này muốn tồn tại phải vận động. Cho người làm nhà nước nghỉ hưu là để hệ thống đó đi đúng theo nguyên lý vạn vật luôn vận động. Một hệ thống tổ chức cũng như một cơ thể sống phải vận động. Ngừng vận động là ứ trệ, là thoái hóa. Xã hội luôn vận động, khoa học luôn đổi mới, thì dòng nhân lực trong hệ thống nhà nước cũng phải luôn đổi mới, luôn được tiếp sức, có vào có ra, có thế mới đáp ứng với yêu cầu cuộc sống.
Vì thế, định ra tuổi nghỉ hưu, phải xét trong tư duy sao cho hệ thống không bị xơ cứng, “già hóa”! Theo tư duy này, thì “mốc tuổi nghỉ hưu” trong kỷ nguyên thông tin, khoa học công nghệ và khoa học quản lý thay đổi hàng ngày, rất cần được “trẻ hóa hơn” để đảm bảo thích ứng với thời cuộc! Nhớ rằng, về mặt “thay nhân sự”, bên doanh nghiệp tư nhân uyển chuyển hơn nhiều! So sánh như thể, để thấy chính “tuổi nghỉ hưu” là một biểu hiện của thuộc tính “quan liêu” vốn có cho hệ thống nhà nước!
Tăng tuổi nghỉ hưu? Phân tích khoa học hay hình bóng của sự copy
Lấy việc tăng mốc tuổi nghỉ hưu của các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, nói theo những lập luận của họ áp cho Việt Nam, tôi thấy đấy là sự khiên cưỡng!
Họ khác. Xã hội của họ được cấu trúc dựa trên sự tôn trọng khách quan “kiềng ba chân” động lực phát triển đất nước: Nhà nước- Thị Trường- Xã hội Dân sự. Lực lượng lao động của họ không chăm chăm đi vào nhà nước. Hấp dẫn của thị trường, của các tổ chức xã hội dân sự, làm cho lực lượng trẻ có biết bao lựa chọn, khiến nhân sự đầu vào cho hệ thống nhà nước của họ chả bao giờ dồi dào như ở ta.
Chăm sóc y tế của họ mà bảo hiểm xã hội thanh toán, thực sự là chăm sóc toàn diện, tiền họ chi ra nhiều, chứ không như ta, có bảo hiểm đấy mà một người năm viện thì kéo theo vài người đi theo chăm sóc, tất cả tự cáng đáng lấy, tiền túi bỏ ra khi đi khám chữa bệnh còn nhiều hơn tiền bảo hiểm trả! Bộ máy quản lý nhà nước của họ lại tinh giản, cùng một bộ, số công chức thực tế ít hơn ta nhiều lần! Vì thế, quỹ hưu trí của họ, nói rằng duy trì tuổi thấp có nguy cơ vỡ là phải thôi. Chưa nói tới tháp dân số của họ, già từ vài chục năm nay rồi! Với họ tăng tuổi nghỉ hưu là hoàn toàn phải lẽ!
Chứ xứ ta, bộ máy vốn đã cồng kềnh, càng thực hiện tinh giảm biên chế lại càng phình ra! Lực lượng đang trong nhà nước hiện đã dư thừa tới phần ba, “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, thêm phần ba nữa nương bóng quyền lực nhà nước chỉ “ngày ngày ủ mưu tư lợi”, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội đem đầu tư tiền mất cũng chẳng biết quy vào đâu, bối cảnh như thế nâng tuổi nghỉ hưu, rõ là sự khiên cưỡng!
Cứ khách quan theo khoa học quản lý hệ thống phân tích cho đúng hiện thực đất nước. Tăng tuổi nghỉ hưu vào lúc này không chừng là tạo thêm nguy cơ gia tăng sự trì trệ của hệ thống nhà nước, vốn đã trầm trọng, chỉ càng trầm trọng hơn mà thôi! Lợi bất cập hại! Còn nếu thực sự tôn trọng khách quan, lấy khoa học dẫn đường, thực sự muốn có một nhà nước đầy sinh lực chèo lái đất nước trước cơn bão công nghệ hóa, số hóa, toàn cầu hóa, thì tuổi nghỉ hưu, theo tôi, nên hạ thấp đi mới phải.