24/08/2022 - 4:09 pm
0
Hành Trình Đầu Đời là chương trình đào tạo kỹ năng làm cha mẹ tích cực, tập trung vào 1000 ngày đầu đời của trẻ (mang thai – 2 tuổi) và tiến tới mở rộng tới 2000 ngày (mang thai – 5 tuổi). Phát triển trẻ toàn diện với nền tảng là giáo dục cha […]
Hành Trình Đầu Đời là chương trình đào tạo kỹ năng làm cha mẹ tích cực, tập trung vào 1000 ngày đầu đời của trẻ (mang thai – 2 tuổi) và tiến tới mở rộng tới 2000 ngày (mang thai – 5 tuổi).
Phát triển trẻ toàn diện với nền tảng là giáo dục cha mẹ về sự sống còn và phát triển của trẻ, thúc đẩy sự chăm sóc đáp ứng và tương tác sớm giữa trẻ và người chăm sóc trẻ, giảm các bệnh có thể dự phòng, giúp trẻ đạt được các mốc phát triển đầu đời thể chất tinh thần, gắn kết chặt chẽ với hệ thống bảo trợ và chăm sóc trẻ em, chăm sóc dinh dưỡng trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời.
Chương trình Hành Trình Đầu Đời do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) cùng đại học Monash thiết kế, đã được triển khai tại 109 xã phường tỉnh Hà Nam và được đo lường tác động thông qua Nghiên cứu Thử nghiệm Ngẫu nhiên Theo cụm (RCT). Kết quả nghiên cứu RCT cho thấy mô hình có sự tác động tích cực đến các chỉ số phát triển của trẻ và thúc đẩy sự thay đổi hành vi của cha mẹ, góp phần thúc đẩy sự phát triển trẻ toàn diện. Mô hình cung cấp các khóa học trực tuyến cho cha mẹ, cán bộ y tế, giáo viên mầm non và cán bộ hội phụ nữ.
Đây là sáng kiến tốt giúp Bộ Y tế hoàn thành mục tiêu tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc y tế ban đầu đã đề ra, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong tương lai. Mô hình Hành Trình Đầu Đời cũng đáp ứng tích cực để thực hiện Quyết định Số 1437/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Chăm sóc vì sự phát triển trẻ em toàn diện trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025” và Quyết định số 1896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”.
Trên cơ sở thành công bước đầu của mô hình đã được thực hiện trên toàn bộ 109 xã phường của tỉnh Hà Nam, Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) đã phê duyệt, cho phép mô hình học trực tuyến của Hành Trình Đầu Đời được giới thiệu nhân rộng tới 35 tỉnh thành trên cả nước. 3 hội thảo giới thiệu tới 175 lãnh đạo, cán bộ Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Sản nhi và Bệnh viện đa khoa tỉnh được tổ chức trong tháng 7 và tháng 8 năm 2022. Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em sẽ có công văn trong tháng 9 năm 2022 để hướng dẫn 35 tỉnh triển khai mô hình lồng ghép với chương trình dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời và chương trình tiêm chủng tại tuyến ban đầu.
Miền Trung: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Miền Nam: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Miền Bắc: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình.
Một số hình ảnh của buổi tập huấn
BS. TS Trần Đăng Khoa |
ThS Trần Thu Hà |
Hành Trình Đầu Đời – vì sự phát triển toàn diện của trẻ