12/02/2020 - 5:03 pm
0
Diễn đàn NCD Alliance lần thứ 3: Thu hẹp khoảng cách do Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm toàn cầu (NCD Alliance) tổ chức với sự tham dự của hơn 400 đại biểu từ các tổ chức quốc tế trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm.
Sharjah, 09-11/02/2020] Diễn đàn NCD Alliance lần thứ 3: Thu hẹp khoảng cách do Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm toàn cầu (NCD Alliance) tổ chức với sự tham dự của hơn 400 đại biểu từ các tổ chức quốc tế trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm, các tổ chức thúc đẩy hành động liên kết giữa sức khỏe và biến đổi khí hậu – môi trường, và những người mắc bệnh không lây nhiễm tại 85 quốc gia trên toàn thế giới. Đặc biệt, Đức vua Sultan Bin Muhammad Al Qasimi của Vương quốc Sharjah, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã tham dự và phát biểu khai mạc diễn đàn lần này
Đoàn Việt Nam tham dự diễn đàn lần này với ba đại diện bao gồm các thành viên Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN): Bà Ngụy Thị Khanh (Giám đốc Trung tâm Sáng tạo xanh – GreenID); Ông Mai Phan Lợi (Chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng – MEC); và TS. Phan Vũ Diễm Hằng (Trưởng ban thư ký Mạng lưới tiếng nói người bệnh không lây nhiễm Việt Nam).
Diễn đàn được tổ chức đã tạo cơ hội cho các tổ chức xã hội dân sự thảo luận, theo dõi và rà soát tiến trình thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phòng chống bệnh không lây nhiễm (NCDs) toàn cầu cho đến năm 2025 và cam kết của các chính phủ trong phòng chống bệnh không lây nhiễm. Trong 3 ngày, diễn đàn thảo luận về những khoảng trống trong nỗ lực phòng chống bệnh không lây nhiễm ở cấp toàn cầu, cấp khu vực và cấp quốc gia dựa trên ba chủ đề:
Tại lễ vinh danh và phiên bế mạc, Ông Todd Harper, Chủ tịch Liên minh NCD Alliance đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức xã hội dân sự trong thúc đẩy sự bình đẳng đến năm 2025 và 2030: “Tại diễn đàn này, chúng tôi đã thực hiện các bước quan trọng nhằm đẩy nhanh quá trình thay đổi chính sách để cứu nhiều mạng sống trên toàn cầu và thúc đẩy việc tạo ra các thay đổi.”
Trước đó, Ông Harper đã công bố Giải thưởng Sharjah cho các tổ chức/liên minh xuất sắc nhất trong năm 2020 cho Liên minh NCDs Việt Nam, Liên minh NCDs Slovenia và Liên minh Caribbean khỏe mạnh. “Hôm nay, tôi xin được công bố giải thưởng Sharjah 2020 cho ba sáng kiến xuất sắc nhất trong phòng chống bệnh không lây nhiễm toàn cầu. Người chiến thắng cho hạng mục Cứu mạng sống hàng triệu người trên thế giới thông qua nỗ lực vận động thay đổi chính sách là Liên minh NCDs-VN với việc vận động thành công Luật Phòng chống tác hại của Rượu, bia tại Việt Nam năm 2019”.
Thay mặt NCDs-VN, TS. Phan Vũ Diễm Hằng nhận giải và có phát biểu ngắn: “Chúng tôi rất hân hạnh khi được tham dự diễn đàn Phòng chống bệnh không lây nhiễm toàn cầu và nhận được giải thưởng này. Đây là giải thưởng quý giá bởi nỗ lực của NCDs-VN chúng tôi đã được công nhận bởi cộng đồng thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên tiếng nói và bằng chứng khoa học của các tổ chức xã hội đã được Chính phủ và các nhà làm luật lắng nghe và chấp nhận sửa đổi trong văn bản Luật Phòng chống Tác hại của Rượu bia được ban hành đã cứu nhiều mạng sống và giảm nỗi đau cho rất nhiều người. Đây là một sự khích lệ lớn để Liên minh NCDs-VN có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ những người mắc bệnh không lây nhiễm cũng như tăng cường các hoạt động phòng chống bệnh bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là Phòng chống tác hại của Rượu bia tại Việt Nam”.
Giải thưởng Sharjah được khởi xướng vào năm 2017 để tôn vinh những sáng kiến của các tổ chức xã hội dân sự trong phòng chống bệnh không lây nhiễm. Giải thưởng được đánh giá bởi ban xét duyệt độc lập với bốn tiêu chí: Điều phối (coordinating), Nguồn lực (resourses), Đổi mới (inovation), Nhân rộng (replication).
Diễn đàn NCDs toàn cầu lần 3 cũng đã ghi nhận nhưng nỗ lực và thành công của NCDs-VN trong việc vận động Phòng chống tác hại Thuốc lá và Rượu bia trong thời gian vừa qua, đặc biệt là nỗ lực đóng góp và tạo ra những thay đổi trong Luật Phòng chống Tác hại của Rượu bia. Case study của NCDs-VN về quá trình vận động Luật Phòng chống tác hại của Rượu bia đã được chọn để đưa vào quyển “Atlas NCD – Thu hẹp khoảng cách về NCD thông qua hành động của các tổ chức Xã hội dân sự”. Cuốn Atlas bao gồm 11 nghiên cứu điển hình về các sáng kiến từ các liên minh NCD quốc gia và khu vực đã giúp thu hẹp khoảng cách đối với các mục tiêu và cam kết quốc gia, khu vực và toàn cầu về ngăn ngừa và kiểm soát NCDs.
Cũng tại Diễn đàn lần này, Bà Ngụy Thị Khanh (GreenID) đã đồng chủ trì một phiên song song về chủ đề “Đối thoại hành động về sức khỏe hành tinh – khí hậu” và có một bài trình bày về “Sáng kiến của NCD-VN trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí và thúc đẩy năng lượng tái tạo tại Việt Nam”
NCDs-VN tham dự Diễn đàn với 3 đại diện từ tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực môi trường – năng lượng bền vững, truyền thông và nhóm bệnh nhân là một trong những nỗ lực của NCDs-VN trong việc chủ động tích cực phối hợp, liên kết giữa các tổ chức, các liên minh khoa học vì dân thống nhất hành động thúc đẩy sức khoẻ sinh thái giảm gánh nặng bệnh tật và bảo đảm an toàn môi sinh. Đồng thời phát huy sáng kiến “Thúc đẩy tiếng nói của người bệnh và bị ảnh hưởng vào tiến trình vận động chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam” của NCDs-VN. Kỳ vọng những người bị ảnh hưởng và mắc NCDs sẽ là 1 thành phần của các tổ chức phản biện xã hội và tham gia vào quá trình đưa ra quyết định, mong muốn các cơ quan hoạch định chính sách sẽ lắng nghe và ghi nhận các ý kiến đóng góp của người bệnh. Bản thân mỗi thành viên NCDs-VN cũng cần nhìn nhận đúng về sự đóng góp tiếng nói và sự tham gia của của những người bệnh và người bị ảnh hưởng sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng các kế hoạch hành động và các chính sách đáp ứng với NCDs là rất cần thiết và rất khẩn cấp trong tình hình hiện nay.