23/07/2015 - 2:18 pm
0
Nhân tháng hành động vì trẻ em, báo Đời sống và Pháp Luật số 26, phát hành ngày Chủ nhật 14/6/2015 trong chuyên mục Nhìn thẳng – Nói thật có bài phỏng vấn BS Nguyễn Trọng An – PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, chuyên gia cao cấp chăm […]
Nhân tháng hành động vì trẻ em, báo Đời sống và Pháp Luật số 26, phát hành ngày Chủ nhật 14/6/2015 trong chuyên mục Nhìn thẳng – Nói thật có bài phỏng vấn BS Nguyễn Trọng An – PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, chuyên gia cao cấp chăm sóc và bảo vệ trẻ em với tiêu đề “Lá chắn nào bảo vệ thế giới ngày mai”. Bài viết nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cơ chế giám sát độc lập và khẳng định rằng việc định lượng các hành vi vi phạm quyền trẻ em hoàn toàn không đơn giản bởi vậy chúng ta cần có nhiều biện pháp toàn diện, tổng thể đối với vấn đề trẻ em, đồng thời đẩy mạnh việc giáo dục ý thức con người để bảo vệ trẻ em.
EBHPD xin đăng nguyên văn bài phỏng vấn của BS. Nguyễn Trọng An, xin mời quý vị theo dõi.
1. Tại dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất 14 hành vi bị nghiêm cấm thực hiện đối với trẻ em. Theo anh, việc quy định chi tiết các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện đối với trẻ em liệu có khả thi? Theo đó, trẻ có được hưởng các quyền một cách công bằng?
BS. An: Quy định nghiêm cấm là đúng. Chúng ta đều biết, các hành vi vi phạm của con người luôn thay đổi cùng với thay đổi về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhưng nếu Luật chỉ đưa ra quy định chung là nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền trẻ em thì sẽ không đảm bảo tính thực tế và cập nhật xã hội. Do vậy cần thiết Luật sửa đổi lần này phải nêu ra cụ thể các hành vi cần nghiêm cấm, việc quy định chi tiết này có thể chưa đầy đủ toàn bộ, nhưng trong thời điểm hiện tại và 5-10 năm tới vẫn là những hành vi vi phạm quyền trẻ em cần thiết phải nghiêm cấm, nhằm đảm bảo trẻ em được bảo vệ tốt hơn. Nói về sự công bằng, ở điều khoản này không phân biệt là trẻ em giàu hay nghèo, người kinh hay người dân tộc thiểu số, do vậy toàn bộ trẻ em đều được bảo vệ và công bằng trước pháp luật.
2. Hiện nay, trong không ít gia đình, tình trạng bố mẹ có mâu thuẫn dẫn đến ly hôn sẵn sàng nói xấu nhau để “lôi kéo” được con về phía mình. Vậy làm sao có thể xác định cụ thể hành vi này? Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định những hành vi cấm cụ thể đối với trẻ là phù hợp với thực tiễn có nhiều vụ án bóc lột trẻ em, phân biệt kỳ thị trẻ em, xúi giục trẻ em thù ghét bố mẹ… xảy ra thời gian vừa qua. Tuy nhiên, theo anh, ai sẽ giám sát những điều cấm này? Chúng ta làm sao có thể “định lượng” những hành vi bị cấm?
BS. An: Đúng là rất khó để định lượng các hành vi vi phạm quyền trẻ em, cụ thể như xác định ranh giới giữa hành vi xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em để trẻ thù ghét cha mẹ… vì cả “thủ phạm” lẫn “nạn nhân” đều chung một nhà…(?) Do vậy, chúng ta cần có nhiều biện pháp toàn diện, tổng thể đối với vấn đề trẻ em. Trước mắt cần thiết phải bổ sung quy định vào Luật Trẻ em lần này “Có cơ chế Giám sát độc lập (GSĐL) việc thực thi Quyền trẻ em” (như đề xuất của RTCCD-VUSTA). Chúng ta đều biết, việc hình thành một Bộ máy Giám sát độc lập (Ombudsman) như khuyến nghị (2005&2014) của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc sẽ rất tốn kém và chưa phù hợp với thể chế Chính trị, xã hội nước ta. Do vậy, việc lồng ghép vận hành cơ chế giám sát độc lập vào hệ thống giám sát hiện hành của nước ta là sẽ phù hợp. Để thực hiện cơ chế GSĐL này, bằng cách công khai hoá toàn bộ tiến trình giám sát, bao gồm cả những ý kiến thảo luận trong quá trình giải quyết vụ việc, có thể nâng cao uy tín của cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát thực hiện quyền Trẻ em trong công chúng, đồng thời tránh được tình trạng bị chi phối bởi các “chỉ đạo” của quan chức nhà nước. Phối hợp và huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, khối học thuật và cơ quan truyền thông vào hoạt động giám sát cũng giúp CQGSĐL tăng cường trách nhiệm giải trình và phát triển bền vững. Cấp cộng đồng và gia đình, áp dụng: Cơ chế Kiểm tra-giám sát chéo – do Hội đồng Nhân dân hướng dẫn thực hiện. Muốn vậy, hoạt động của HĐND cần tiếp tục cải tiến, đổi mới trên cả ba phương diện: vai trò đại diện, nhất là giữ mối liên hệ với cử tri, cụ thể ở đây là trẻ em; quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương, trong đó có vấn đề về quyền trẻ em; và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực thi quyền trẻ em.
3. Lợi ích tốt nhất của trẻ em phải được xem xét trước hết trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật. Vậy việc quy định chi tiết các hành vi cấm nhưng không đưa ra chế tài xử phạt thì liệu có rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”? Trong quá trình công tác, anh đã bao giờ gặp trường hợp các cháu chia sẻ về việc “mắc kẹt” giữa việc bố mẹ xúi giục nghĩ xấu về bố hoặc mẹ? Trong 14 hành vi, hành vi cấm xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ được nhìn nhận là khó phát hiện và định lượng nhất, thế nhưng thực tế lại xảy ra rất nhiều. Anh có ý kiến như thế nào về đề xuất của hành vi này?
BS. An: Việc xây dựng Luật của Việt Nam hiện tại vẫn đang đi theo lối mòn, chưa phù hợp và khó có thể quy định thật chi tiết và đầy đủ các chế tài, nhiều Luật đã ban hành nhưng chưa thể thực thi vì còn thiếu Nghị định hướng dẫn, ngoài ra vẫn còn tồn tại sự chưa bình đẳng trước pháp luật (cùng vi phạm một điều luật nhưng Kết luận xử phạt còn khác nhau vì đối tượng vi phạm khác nhau (Chủ tịch tỉnh – dân thường) và Quan tòa và Hội đồng xét xử khác nhau…). Do vậy Luật Trẻ em lần này cũng sẽ không tránh khỏi những thiếu sót trong quá trình thực hiện Luật. Trong khi chờ đợị sự chuẩn hóa Quy trình xây dựng Luật, khôi phục sự bình đẳng trước pháp luật cũng như giám sát việc thực hiện quyền trẻ em thì việc giáo dục con người, giáo dục gia đình về đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật và làm gương sáng cho trẻ em noi theo là rất cần thiết và cần tiếp tục đẩy mạnh./.