24/12/2018 - 5:53 pm
0
Ngày 13/12/2018, tại Hà nội, trung tâm RTCCD phối hợp cùng Vụ Sức Khoẻ Bà Mẹ – Trẻ Em – Bộ Y Tế; trường Đại Học Monash, viện nghiên cứu Burnet, và đại học Melbourne Australia tổ chức hội thảo báo cáo giữa kỳ triển khai vận hành mô hình “Câu Lạc Bộ 1000 ngày đầu đời vì sự phát triển toàn diện của trẻ em tại Việt Nam”.
Mô hình được xây dựng dựa trên các nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn từ 2007-2016 tại Hà Nam, phối hợp với khuyến nghị khoa học của WHO, UNICEF về can thiệp sớm trong 1000 ngày đầu đời thực hiện ở cấp độ gia đình, nhằm thúc đẩy các yếu tố tích cực và giảm yếu tố tiêu cực trong tiến trình mang thai và 2 năm đầu đời của trẻ.
Sau một năm chuẩn bị, bắt đầu từ tháng 7/2018, các câu lạc bộ 1000 ngày đầu đời được thành lập ở 42 xã can thiệp và đi vào hoạt động. Chương trình can thiệp gồm hoạt động đào tạo xây dựng thành 20 modules, ứng với các vấn đề cụ thể của sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ, đi theo từng giai đoạn cụ thể, kể từ khi còn trong bụng mẹ tới thời điểm sinh nhật lần thứ hai của trẻ.
1200 bà mẹ mang thai đăng ký tham gia dự án ở 42 xã can thiệp và 42 xã đối chứng đã được theo dõi các chỉ số sức khoẻ và phát triển của cả mẹ và con. Hoạt động can thiệp trong 6 tháng đầu ở 42 xã đối chứng đã được các nghiên cứu viên RTCCD (TS. Trần Tuấn, ThS Trần Thu Hà , TS. Nguyễn Thu Trang) và các nghiên cứu viên quốc tế (GS.TS. Jane Fisher đại học Monah; GS. TS. Beverly Ann Biggs đại học Melbourne, GS.TS Stanley Luchters thuộc Viện nghiên cứu Burnet, Úc) thể hiện, qua hai phần: Báo cáo khoa học, và thảo luận nhóm chuyên gia.
Ngay từ đầu hội thảo, đại diện Bộ Y Tế, Vụ trưởng vụ Sức khỏe Sinh Sản – BS. TS. Nguyễn Đức Vinh – đã chỉ ra mô hình can thiệp 1000 ngày đầu đời, xây dựng phối hợp giữa trung tâm RTCCD và các trường đại học, cơ quan khoa học của Úc đi đúng chủ trương của nhà nước và Bộ Y Tế, là sự thể hiện cụ thể của triển khai chính sách chăm sóc cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong giai đoạn từ khi sinh ra cho đến lúc 8 tuổi vừa được chính phủ phê duyệt tháng 11/2018.
Báo cáo giữa kỳ đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các đại biểu dự hội thảo. Khuyến nghị từ các đại biểu nhấn mạnh vào phát triển hợp tác mở rộng, nghiên cứu nhân mô hình lên các vùng sinh thái khác nhau. Vấn đề tài chính cho thực hiện mô hình được nêu lên, thông qua vận động cho thành lập quỹ nâng cao sức khoẻ phục vụ hoạt đông y tế dự phòng nói chung và triển khai mô hình nói riêng, đi kèm theo thử nghiệm mô hình doanh nghiệp xã hội để duy trì bền vững.
Hội thảo có sự tham dự của 68 nhà khoa học, đại diện cho các tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm tới lĩnh vực chăm sóc bảo vệ trẻ em, trong đó có WHO, UNICEF, đại sự quán Canada, đại sức quán Úc, là những cơ quan đã có sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho dự án. Ngoài ra, 33 phóng viên các báo, đài và truyền hình đã tới dự, tìm hiểu và đưa tin về hội thảo.
Mô hình đang triển khai sẽ hoàn thành vào tháng 12/2019. Kết quả thực tế sẽ được phản ánh qua 3 nghiên cứu đánh giá hiệu quả can thiệp và tính kinh tế có so sánh với nhóm 42 xã đối chứng. Các yếu tố giải thích cho sự thành công của mô hình được nhận biết qua một nghiên cứu có tên Process Evaluation, để giúp cho tiến trình ứng dụng mô hình sau này trên cá môi trường khác nhau.
GS Jane Fisher nhấn mạnh, đây là mô hình đầu tiên thực hiện ở các nước đang phát triển cùng một lúc can thiệp vào 8 yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ trong 1000 ngày đầu đời. Phát biểu từ các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho thấy, các dự án can thiệp khác trong chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em hiện được các tổ chức quốc tế khác như Health Bridge Canada, World Vision, UNICEF phối hợp với, Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH đã và đang triển khai ở Việt nam cũng chỉ tác động thường không quá 3 yếu tố.
Các sản phẩm đào tạo triển khai trong một năm đầu tiên, hoạt động mà Câu lạc bộ 1000 ngày đầu đời đã hoàn thành tại tỉnh Hà Nam và giới thiệu bộ tài liệu của CLB, bao gồm 3 cuốn sách “Nuôi con không áp lực” và bộ 5 cuốn tài liệu hướng dẫn điều hành cho các cán bộ của dự án. Bộ tài liệu dự án phát triển có sự kết hợp ngay từ đầu với Vụ SKSS Bộ Y tế, Viện dinh dưỡng, cùng nhóm bác sĩ phòng khám Cây Thông Xanh do RTCCD và Bộ Y tế tạo lập đến từ các lĩnh vực khác nhau, đã được các đại biểu hội nghị đánh giá cao, hứa hẹn được sử dụng cho chương trình quốc gia về chăm sóc cho sự phát triển toàn diện của trẻ giai đoạn từ 0-8 tuổi do Bộ LĐTBXH chủ trì vừa được Thủ tưởng thông qua.
Đây là lần đầu tiên, một nghiên cứu đánh giá mô hình can thiệp cải thiện sức khoẻ bà mẹ trẻ em trong 1000 ngày đầu đời, có được một sự đánh giá phối hợp đầy đủ giữa 3 thiết kế đánh giá hiệu quả tác động, đánh giá lợi ích kinh tế, và đánh giá yếu tố giải thích sự thành công/thất bại, cho phép đo lường chính xác nhất kết quả của mô hình can thiệp cũng như giải thích khách quan mức độ thành công có được.