24/02/2021 - 5:14 pm
0
Sáng ngày 23/02/2021 tại khách sạn Adonis – 55 Quang Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs – VN) & Mạng lưới người bệnh và người chịu nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm Việt Nam (PLWNCDs- VN) đã tổ chức hội thảo “Định […]
Sáng ngày 23/02/2021 tại khách sạn Adonis – 55 Quang Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs – VN) & Mạng lưới người bệnh và người chịu nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm Việt Nam (PLWNCDs- VN) đã tổ chức hội thảo “Định hướng Kế hoạch hành động của Mạng lưới người bệnh, người chịu nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam” và Lễ trao Giải Báo chí công dân “Tiếng nói người bệnh, người chịu nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm”
Để đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch COVID-19, Hội thảo hạn chế số người tham dự trực tiếp tại Hội trường. Hội thảo đã đón nhận sự tham dự của gần 20 đại biểu trực tiếp và 10 đại biểu tham dự trực tuyến qua Zoom meeting từ Bộ Y tế, và các tổ chức đối tác trong nước và quốc tế. Hội thảo được phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội với 13,000 lượt xem.
Trong bài phát biểu khai mạc, bà Phan Vũ Diễm Hằng – đại diện Mạng lưới PLWNCDs- VN đã nhấn mạnh vai trò của người bệnh, người chịu nguy cơ cao mắc bệnh trong quá trình phát triển các chính sách chăm sóc sức khỏe. Bà mong muốn, qua hội thảo này, đại diện từ Bộ Y tế, các tổ chức xã hội, nhóm người bệnh có những góp ý thiết thực giúp cho mạng lưới PLWNCDs-VN hình thành được một chương trình hành động đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra: Đưa được và đưa hiệu quả tiếng nói người bệnh, người chịu nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm, vào tiến trình xây dựng và thực thi các chính sách công về chăm sóc sức khoẻ trong giai đoạn 2021-2025! Ưu tiên hành động cho các luật và chính sách dưới luật đã đưa vào kế hoạch hành động của chính phủ, quốc hội trong giai đoạn 2021-2025
Nối tiếp chương trình là bài thuyết trình về “Sự tham gia của người bệnh vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm” của TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế. Trong đó, TS. Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh về quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của con người cũng như của công dân và phải đặt người bệnh làm trung tâm trong xây dựng chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Từ đó đưa ra những mong đợi của người làm chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Với mục đích hình thành liên kết tiếng nói người bị bệnh, người chịu nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm với chính sách chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam, BS. TS. Trần Tuấn – Ban điều phối NCDs – VN và PLWNCDs – VN đã trình bày về “Giải pháp thúc đẩy tiếng nói người bệnh, người chịu nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam”. Trong đó, ông đã tạo lập ra khung hệ thống 5 câu hỏi để xác định mục tiêu, tạo lập chiến lược tổ chức vận hành cho Mạng lưới Người bệnh/người có nguy có mắc NCDs tham gia vào tiến trình vận động chính sách chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam.
Đánh giá đúng tầm quan trọng 5 câu hỏi trên là cơ sở cho việc cải thiện chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe đáp ứng đúng yêu cầu của xã hội.
Bài trình bày cuối cùng đến từ BS. ThS. Hoàng Thị Bằng – Đại diện Ban Thư ký Mạng lưới PLWNCDs- VN về chủ đề “ Khuyến cáo Quốc Tế và Dự thảo Chương trình hành động của Mạng lưới tiếng nói người bệnh, người chịu nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm”.
Việc xây dựng chương trình hành động này nằm trong phong trào chung trên thế giới có tên “Our Views, Our Voices” do Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm toàn cầu khởi xướng, nhằm đưa tiếng nói người sống chung với bệnh không lây nhiễm vào tiến trình hoạch định và thực thi chính sách y tế ở cả cấp độ từng quốc gia, và cấp độ toàn cầu…
Từ tháng 4/2020, NCDs-VN đã tổ chức khảo sát bảng hỏi và 5 cuộc họp cộng đồng tại Hà Nội, Hà Nam và Bắc Giang với hơn 170 người bệnh không lây nhiễm tham gia chia sẻ những khó khăn họ gặp phải trong cuộc sống, quá trình khám, điều trị bệnh và đưa ra các khuyến nghị đối với chính phủ, các tổ chức khoa học phi lợi nhuận để cải thiện các chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam. Với kết quả từ quá trình khảo sát này, NCDs-VN và PLWNCDs-VN đã xây dựng “Đề xuất Chương trình hành động cho người bệnh, người chịu nguy cơ cao mắc bệnh vào quá trình vận động các chính sách phòng chống bệnh không lây tại Việt Nam 2021-2025” bám sát vào hướng dẫn của Quốc tế và tình hình thực tế tại Việt Nam. Đề xuất chương trình này tập trung vào 4 vấn đề vận động chính sách chính: (1) Quyền con người và Công bằng xã hội; (2) Phòng bệnh; (3 ) Điều trị, chăm sóc, hỗ trợ; và (4) Sự tham gia có ý nghĩa của người bệnh, người chịu nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm vào quá trình vận động chính sách.
Ngoài những trao đổi về Định hướng Kế hoạch hành động, hội thảo còn tổ chức Lễ trao giải Báo chí công dân “Tiếng nói của người bệnh, người chịu nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm” do ông Mai Phan Lợi – Đại diện Ban tổ chức Giải Báo chí công dân “Tiếng nói người bệnh, người chịu nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm” phát biểu trao giải. Do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nên các cá nhân nhận giải đã không thể tham dự đầy đủ trong lễ trao giải. Tuy nhiên, hội thảo đã may mắn nhận được sự tham gia nhiệt tình của các tác giả qua Zoom meeting và đặc biệt là sự góp mặt và chia sẻ chân thành của anh Nguyễn Văn Khương chủ nhân của bài viết “Những mảnh vỡ thanh xuân”. Anh nói “Có những sai lầm có thể làm lại, nhưng có những sai lầm phải trả giá bằng cả cuộc đời” khi chia sẻ câu chuyện từ chính bản thân mình đã mãi mất đi một cánh tay chỉ vì uống rượu, bia khi tham gia giao thông.
Với sự điều hành của BS. TS. Trần Tuấn, phiên thảo luận Hội thảo diễn ra sôi nổi với sự đóng góp ý kiến từ tất cả các thành viên trong Liên minh và các đối tác. Hội thảo đã tổng hợp được ý kiến và thống nhất đưa ra những đề xuất hành động của mạng lưới PLWNCDs- VN như sau: đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về Liên minh NCDs – VN, sửa đổi hệ thống thống kê và chú trọng vào lợi ích cộng đồng.