8/04/2016 - 10:19 pm
0
Hội thảo nhằm tăng cường năng lực của các tổ chức nghiên cứu phát triển cộng đồng phi lợi nhuận và các bên quan tâm trong phát triển chính sách y tế dựa vào bằng chứng khoa học. Nhằm khích lệ các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách thực hành và tuân thủ đạo đức trong nghiên cứu và phát triển chính sách liên quan tới sức khỏe công cộng
Trong hai ngày 7-8/4/2016, Liên minh Vận động Phát triển Y tế dựa vào bằng chứng khoa học (EBHPD), Liên minh vận động cấm sử dụng amiang trắng (Vn-BAN), liên minh Phòng chống Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Hội Y tế công cộng Việt Nam (VPHA) phối hợp với Ủy ban Liên Chính sách của các Hội Dịch tễ học Thế giới (JPC-SE), Ban Thư ký vận động cấm sử dụng amiăng quốc tế (ISBA) và Liên minh Kiểm soát thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA) tổ chức Hội thảo đào tạo “Đạo đức trong Nghiên cứu, Vận động và Phát triển Chính sách liên quan đến sức khoẻ cộng đồng”
Hội thảo đào tạo có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia TS. Colin Soskolne -Chủ tịch Ủy ban Liên chính sách của các Hội dịch tễ học Thế giới (IJPC-SE), Ông Rob Moore- Chuyên gia truyền thông, Bà Bugon Rithiphakdee- Giám đốc Điều hành Liên minh Kiểm soát Thuốc lá Khu vực Đông Nam Á (SEATCA), TS. Trần Tuấn- Trưởng ban Thường trực hành động các Liên minh EBHPD, NCDs-VN, Vn-BAN, BS. Phạm Hoàng Anh- Giám đốc HealthBridge Canada tại Việt Nam, TS. Đỗ Quốc Quang (Chuyên gia của Vn-BAN) và sự tham gia của chủ tịch Mặt trận tổ quốc Tỉnh Hà Nam, đại diện các cơ quan lập pháp của Bộ ban ngành, các tổ chức xã hội và cơ quan truyền thông, báo chí.
Các chuyên gia quốc tế và trong nước đã nhấn mạnh vai trò của bằng chứng khoa học trong tiến trình hình thành chính sách, đặc biệt là chính sách liên quan đến sức khỏe Cộng đồng. Vấn đề đạo đức và tham nhũng chính sách cũng được làm rõ khi hội thảo tập trung thảo luận về Chính sách cấm sử dụng Amiăng đến năm 202o và chính sách Phòng chống tác hại thuốc lá làm ví dụ cho sự can thiệp các nhóm lợi ích trong quá trình hình thành chính sách liên quan đến Sức khỏe Cộng đồng. Các chuyên gia đã nêu ra những bằng chứng phi khoa học mà những ngành công nghiệp này sử dụng để tác động những nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam Các diễn giả cũng đề cập đến vấn đề đạo đức trong truyền thông vận động chính sách.
TS. Colin L.Soskolne (IJPC-SE) đã trình bày 4 vấn đề chính: Bất bình đẳng trong Y tế và đạo đức, Dịch tễ học- ngành khoa học cơ bản cho việc hình thành chính sách y tế , Nghiên cứu amiăng trong thập kỷ qua, và Sự ảnh hưởng của các nhóm lợi ích trong hình thành chính sách công trên bình diện quốc tế . Đặc biệt TS. Colin đã đi sâu phân tích về “Chính sách cấm sử dụng Amiăng và các bằng chứng vi phạm đạo đức từ sự can thiệp của ngành công nghiệp Amiăng trên thế giới”. Ông cho biết: “Sự thật là ngành công nghiệp amiăng trên toàn cầu và các tổ chức vận động hành lang của nó đã dành hàng triệu USD trong nhiều năm để hủy hoại và thay đổi bằng chứng khoa học Về amiăng, bao gồm cả amiăng trắng, là chất gây ung thư cho những người lao động trực tiếp làm việc tại môi trường khai thác, sản xuất các sản phẩm có chứa amiăng cũng như cộng đồng dân cư sống trong môi trường có bụi amiăng”.
Vạch trần vai trò của các nhóm lợi ích amiăng trong việc can thiệp và phá hoại các nghiên cứu và những hoạch định chính sách y tế công cộng, Ts.Colin cho rằng WHO nên có một Nghị định khung kiểm soát amiăng tương tự như Nghị định Khung về kiểm thuốc lá (FCTC). “ Đây là một thỏa thuận siêu quốc gia, nhằm tìm kiếm giải pháp bảo vệ thế hệ hiện nay và tương lai khỏi hậu quả tàn phá sức khỏe, xã hội, môi trường và kinh tế của việc tiêu thụ thuốc lá và sự hủy hoại của khói thuốc lá”.
Ông cũng lưu ý rằng, mặc dù không thể tranh cãi thêm về các bằng chứng khoa học rộng khắp về ảnh hưởng của thuốc lá, nhưng ngành công nghiệp thuốc lá đã lợi dụng nguy cơ gây hại kinh tế của FCTC để cản trở bản dự thảo của FCTC. Tuy nhiên WHO đã cung nhiều thông tin khẳng định kiểm soát thuốc lá không gây hại cho nền kinh tế.
Cùng chung quan điểm này, bà Bungon Ritthiphakdee, Giám đốc điều hành SEATCA cho biết, hiện nay cứ 6 giây lại có một người chết do hút thuốc, dẫn tới 6 triệu người chết hàng năm (bao gồm 600.000 chết do hít phải khói thuốc), nhiều hơn số người chết do viêm gan, HIV/AID, sốt rét cộng lại. Và nếu không hành động ngay lập tức, đến năm 2030 sẽ có 8 triệu người chết vì thuốc lá mỗi năm với 80% ở các nước đang phát triển. Trong khi đó, lợi nhuận của 6 công ty thuốc lá cộng lại bằng 35.000 triệu usd tương đương với lợi nhuận của Cocacola, Microsoft và Mcdonald cộng lại. “Ngành công nghiệp thuốc lá tạo lợi nhuận và giết một nửa số người sử dụng nó” – Bà BungonRitthiphakdee nhấn mạnh và cho rằng đó là lý do vì sao cần phải “không thỏa thuận” với ngành thuốc lá, thậm chí cần phải xem xét liệu giải pháp này có thể áp dụng cho việc sản xuất các sản phẩm độc hại khác.
Bs. Phạm Hoàng Anh, Giám đốc HealthBridge Việt Nam, cung cấp những những bằng chứng về sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam trong việc vận động không tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Bất chấp sự thực, việc đóng góp ngân sách của ngành thuốc lá thấp hơn rất nhiều (14.000 tỷ đồng/ 2011) so với mức chi tiêu của người hút thuốc (22.000 tỷ đồng/2012) và chi tiêu y tế cho việc chữa 5 loại bệnh liên quan đến thuốc lá (24.000 tỷ đồng/ 2012).
Một trong những thách thức lớn cho việc ngăn chặn sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá vào các chính sách y tế công và khiến Việt Nam chưa triển khai được điều 5.3 FCTC là do ngành công nghiệp thuốc lá thuộc sở hữu nhà nước, nhiều quan chức của ngành thuốc lá trở thành cán bộ quản lý cao cấp của Bộ Công thương và ngược lại tạo ra những mâu thuẫn quyền lợi trong xây dựng và thực thi chính sách và thiếu sự cam kết rõ ràng của Chính phủ trong việc bảo vệ các chính sách y tế công cộng khỏi sự can thiệp của ngành sản xuất thuốc lá.
Ông Rob Moore, một nhà sản xuất phim, chuyên gia truyền thông nước Anh đã cung cấp danh sách các bộ phim liên quan đến amiăng; trong đó có phỏng vấn Ts. Maria Neria –Ban Giám đốc môi trường và Sức khỏe Cộng đồng (WHO) về mối nguy hại của amiăng với sức khỏe cộng đồng và hành động của WHO trong việc vận động cấm sử dụng amiăng trên thế giới cùng với 12 Vimeo của các chuyên gia (một dạng clip ngắn đăng tải trên các mạng xã hội). Đặc biệt có 2 phim do WHO sản xuất “Những tiếng nói từ Đông Nam Á” và “Amiăng trắng” có phụ đề tiếng Việt.
Chuyên gia cũng mong tài liệu này sẽ giúp các nhà báo hiểu hơn về những tác hại chết người của amiăng, bao gồm cả amiăng trắng;hoạt động của ngành công nghiệp amiăng; hàng triệu người chết do amiăng trên toàn cầu và hành vi tội ác gây ra những cái chết đó đã khiến các nhà sản xuất amiăng đang bị xét xử ở rất nhiều tòa án trên thế giới.
Tại buổi làm việc cuối cùng của Hội thảo đào tạo (chiều 8/4/2016), các thành viên Liên minh và các đại biểu đã họp nhóm, vạch ra chương trình khung để nâng cao năng lực các tổ chức thành viên Liên minh trong đạo đức, vận động chính sách và truyền thông vận động chính sách.
Một số hình ảnh của Hội thảo đào tạo: