15/06/2017 - 4:29 pm
0
Chương trình “Hỗ trợ phát hiện sớm và cải thiện tình trạng lạm dụng rượu bia tại cộng đồng” dành cho cán bộ y tế, cán bộ công tác xã hội và cán bộ y tế thôn bản, nhằm nâng cao năng lực của nhân viên y tế địa phương và hướng đến cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm trí cho người dân tại 4 xã của Huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa
Theo tổ chức Y tế thế giới tính trung bình mỗi người dân trên thế giới tiêu thụ 6.2 lít rượu bia/người/năm, tương đương 13,5 g rượu/người/ngày. 3,3 triệu người chết năm 2012 vì rượu bia, chiếm 5.9% số tử vong trên toàn cầu. 5,1% dân số thế giới sống trong tàn tật vì rượu bia. Tại Việt Nam theo Tổ chức phi chính phủ HealthBridge, Việt Nam đang trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á với mức tiêu thụ khoảng 3 tỉ lít bia và khoảng 68 nghìn lít rượu vào năm 2013.
Việc lạm dụng rượu, bia gây ra rất nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực tới trật tự an toàn xã hội, cũng như để lại những hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe cá nhân. Hiện có 60% số vụ tai nạn giao thông, 68% vụ bạo lực gia đình, 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội có nguyên nhân do lạm dụng rượu, bia.
Nhằm góp phần cải thiện thực trạng trên, Trung tâm RTCCD phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe (CEHS) thực hiện chương trình “Hỗ trợ phát hiện sớm và cải thiện tình trạng lạm dụng rượu bia tại cộng đồng” dành cho cán bộ y tế, cán bộ công tác xã hội và cán bộ y tế thôn bản, nhằm nâng cao năng lực của nhân viên y tế địa phương và hướng đến cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm trí cho người dân tại 4 xã của Huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa là Mai Lâm, Nguyên Bình, Tĩnh Hải, Hải Yến
Chương trình được thực hiện từ tháng 8/2016 đến tháng 5/2017, trung tâm RTCCD đã thực hiện được nhiều hoạt động như xây dựng bộ tài liệu chuẩn cho giảng viên và học viên, tổ chức các khóa đào tạo cho 11 cán bộ Trung tâm Y tếvà 47 y tế thôn bản và cán bộ đoàn thể hội phụ nữ thôn huyện tại 4 xã. Nội dụng đào tạo tập trung hỗ trợ phát hiện sớm và cải thiện tình trạng lạm dụng rượu bia tại cộng đồng và truyền thông về hỗ trợ cộng đồng phát hiện sớm và cải thiện tình trạng lạm dụng rượu bia.
Sau tập huấn, kết quả đánh giá cho thấy kiến thức và kỹ năng của các học viên đều được cải thiện đáng kể và có thể đảm bảo việc thực hiện tốt công tác truyền thông tại địa phương góp phần tích cực đưa vấn đề rượu bia vào cái nhìn nghiêm túc hơn để nâng cao năng lực địa phương trong đối phó và ngăn chặn lạm dụng rượu bia.
Ba hội thảo về phòng chống rối nhiễu tâm trí và lạm dụng rượu bia cho quản lý huyện, lãnh đạo 4 xã và cán bộ trạm y tế xã, Y tế thôn, Hội phụ nữ 4 xã đã được tổ chức để đưa ra được 1 khung tư vấn-hành động rất thiết thực và hiệu quả. Qua khung tư vấn này, hội thảo viên đã trao đổi và cùng nhau định ra cách thức tư vấn cụ thể, phù hợp với nhiều bối cảnh đến thăm hộ gia đình hoặc gặp đối tượng trực tiếp trên Trạm Y tế.
Hoạt động truyền thông về phòng chống LDRB được thực hiện dưới 2 hình thức chính là thăm hộ gia đình và thảo luận nhóm. Sử dụng nhân lực truyền thông tới các đối tượng đích về LDRB là nhân viên y tế thôn và cán bộ phụ nữ của các thôn, xã thuộc dự án. Các tư vấn viên xác định đối tượng đích cần được truyền thông về LDRB bằng việc tổ chức cuộc sàng lọc sử dụng bộ câu hỏi LDRB đối với nam giới 18 đến 65 tuổi. Danh sách các đối tượng được tổng hợp để tư vấn viên đưa vào danh sách thăm hộ gia đình và mời tham gia các cuộc thảo luận nhóm. Số lượng đối tượng được phát hiện và đưa vào nhóm đối tượng cần được truyền thông về LDRB khá nhiều.
Chủ đề truyền thông về phòng chống LDRB cũng được lựa chọn cùng với các chủ đề nội dung truyền thông khác của dự án để phân công đội ngũ truyền thông viên chuẩn bị và tập luyện, trình diễn tại Hội thi truyền thông viên giỏi. Với hình thức này, đã thúc đẩy được truyền thông viên tìm hiểu kỹ càng hơn về nội dung truyền thông và rèn luyện được tốt hơn kỹ năng truyền thông về chủ đề này.