3/09/2015 - 3:21 pm
0
Tuần qua, mảng đào tạo y tế của RTCCD đã có hoạt động thành công tạo bước ngoặt chiến lược trong hợp tác cùng ĐH Tây Bắc thực hiện đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Khởi động từ tháng 5/2015, chương trình hợp tác giữa trung tâm RTCCD và Đại học Tây Bắc ra đời với mục tiêu hỗ trợ thiết lập khoa Y Dược tại Đại Học Tây Bắc thực hiện đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong khuôn khổ của chương trinh hợp tác, vào hai ngày 31/8 và 1/9, đoàn 4 bác sĩ của RTCCD gồm Trần Tuấn, Nguyễn Trọng An, Phạm Bích Hà và Vũ Thúy Lan đã đến làm việc tại Đại học Tây Bắc (Sơn La).
Thảo luận RTCCD – Đại học Tây Bắc chiều 31/8 về quan điểm đào tạo
và phương án đào tạo bác sĩ cộng đồng hệ chính quy 6 năm của RTCCD
Qua chuyến công tác thực tế, đoàn đã có hai buổi làm việc với Ban Giám Hiệu cùng tập thể lãnh đạo các phòng ban của trường, thăm cơ sở hạ tầng của trường, địa điểm xây dựng giảng đường và ký túc xá cho sinh viên Y Dược, thăm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La và cơ sở thực tập lâm sàng của trường Cao đẳng Điều dưỡng tỉnh Sơn La.
Sau hai ngày làm việc, hai bên thống nhất quan điểm đào tạo nhân lực y tế miền núi theo đề xuất của RTCCD. Sự hợp tác của hai bên trước hết tập trung vào loại hình đào tạo Bác sĩ Cộng đồng hệ 6 năm, với chương trình đào tạo hoàn toàn xây dựng mới và phương pháp đào tạo do RTCCD đưa ra. Chương trình và phương pháp đào tạo này được RTCCD xây dựng dựa trên sư kết hợp chặt chẽ hai nguyên lý cơ bản trong đào tạo hiện đại: “Tiếp cận theo vấn đề” (Problem-based Solving Approach) và “Lấy người học làm trung tâm” (Learner-Centered Approach) với triết lý chăm sóc sức khỏe thế kỷ 21 “Chăm sóc sức khỏe từ cộng đồng” (Community-based Health Care).
Đoàn công tác của RTCCD tại đại học Tây Bắc, 31/8-1/9/2015
Các bên tham gia hoàn toàn nhất trí và đánh giá rất cao phương án của RTCCD trong giải bài toán xây dựng nguồn nhân lực đào tạo y tế trong bối cảnh thực tế kinh tế – văn hóa – y tế – giáo dục – xã hội khu vực miền núi. Điểm sáng tạo của phương án do RTCCD đề xuất (so với các nơi khác mà đại học Tây Bắc đã đến tư vấn trong 5 năm qua) là đảm bảo sản phẩm đào tạo được trang bị kiến thức, kỹ năng và đạo đức giải quyết đồng thời vấn đề sức khỏe ở cả 3 cấp độ: cá nhân, gia đình, cộng đồng theo nguyên lý lấy dự phòng là trung tâm. Hướng đào tạo này hứa hẹn giải quyết một cách bền vững nhu cầu nhân lực y tế làm tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tại các tỉnh miền núi khu vực Tây bắc và mở rộng hơn đến 8 tỉnh phía Bắc của nước bạn Lào.
Cuối phiên làm việc sáng 1/9, hai bên đã thống nhất được nội dung bản ghi nhớ hợp tác 10 năm (2015-2025) giữa Đại học Tây Bắc và Trung tâm RTCCD, với các kết quả chính gồm: (1) khoa Y Dược được thiết lập vào tháng 3/2016 với bộ khung giảng viên và lãnh đạo khoa từ nguồn chuyên gia của RTCCD; (2) Mở mã ngành cho Trường đào tạo chính quy hệ Bác sĩ Cộng đồng và Cử nhân Điều dưỡng Cộng đồng vào tháng 12/2016; (3) Triển khai chiêu sinh hệ chính quy khóa đầu tiên trong năm học 2017-2018; (4) Tạo lập đội ngũ giảng viên tại chỗ có khả năng vận hành tối thiểu 50% chương trình giảng dạy vào năm 2025.
Hai bên cũng đã nhất trí phương án tìm kinh phí thực hiện kế hoạch này dựa trên 4 nguồn: Kinh phí của trường Đại học Tây Bắc, từ ngân sách của Tỉnh Sơn La và Ban Tây Bắc của Chính Phủ, từ nguồn ngân sách nhà nước và hợp tác quốc tế của chính phủ cho đào tạo nhân lực y tế miền núi, và từ dự án do RTCCD và Đại Học Tây Bắc phát triển hợp tác quốc tế phục vụ trực tiếp xây dựng Khoa trong những năm tới.
Thành viên đoàn RTCCD và Ban Giám Hiệu Đại học Tây Bắc (1/9/2015)
Ngay sau chuyến công tác, cả hai phía đã bắt tay ngay vào hai hoạt động then chốt làm cơ sở cho ký kết hợp tác. Trong đó, về phía RTCCD, Ban Giám Đốc và các thành viên chủ chốt đẩy mạnh thiết kế mô hình cấu trúc khoa và mô hình chức năng các bộ môn thuộc khoa. Ban giám đốc đã xây dựng cụ thể khung quản lý và giảng viên của Khoa lấy từ nguồn nhân lực RTCCD. Hiện tại, 12 nhân lực của trung tâm được chọn đứng vào khung giảng viên và phụ trách các vị trí chủ chốt như trưởng khoa, phó khoa, trưởng bộ môn (6/7 bộ môn). Một nửa trong số nhân lực này sẽ là nguồn cán bộ cơ hữu của trường (đứng trong biên chế của trường) trong giai đoạn 2015-2025. Về phía Trường Đại Học Tây Bắc, tiến hành cân đối và phân bổ kinh phí đảm bảo đáp ứng được yêu cầu kinh phí duy trì đội ngũ nhân lực của RTCCD tham gia vào thiết lập và vận hành khoa trong giai đoạn trước khi có được viện trợ quốc tế./