20/07/2016 - 7:03 am
0
Ngày 19/7, RTCCD phối hợp với HealthBridge Canada, GreenID và Hội Y tế Công công tổ chức Hội thảo khoa học “Hiệp TPP từ góc nhìn sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh” nhằm cung cấp một cái nhìn đa chiều về những thuận lợi và bất lợi của Hiệp định TPP đối với vấn đề bảo vệ sức khoẻ và môi trường Việt Nam.
Khi vào TPP, chúng ta phải tuân thủ những cam kết các điều khoản và nội dung của hiệp định, phải tuân thủ những công ước quốc tế liên quan tới an toàn môi sinh và sức khỏe cộng đồng mà Việt Nam tham gia và phê chuẩn. Đồng thời, những công ước quốc tế đặc biệt phải tuân thủ như bộ ba công ước Basel, Stockholm, Rotterrdam kiểm soát vận chuyển chất thải nguy hại xuyên biên giới; kiểm soát chất hữu cơ độc hại khó phân hủy; kiểm soát vận chuyển nguyên liệu, hóa chất trong nông, công nghiệp tác hại tới sức khỏe và an toàn môi sinh; Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của tổ chức Y tế thế giới; Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng Ozone; Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển…
Các đại biểu cũng đã lắng nghe cụ thể về quy định về thuốc lá trong TPP. Tại Chương 29.5 của TPP khẳng định một quốc giá có thể lựa chọn khước từ các lợi ích của cơ chế ISDS đối với đơn kiện liên quan đến biện pháp kiểm soát thuốc lá. Như vậy, việc kiểm soát thuốc lá trong Hiệp định TPP là việc tùy chọn, các quốc gia phải thỏa thuận nếu muốn thi hành nhiệm vụ tùy chọn này.
Hội thảo còn có nhiều bài biểu theo hướng đa chiều về những thuận lợi và bất lợi của Hiệp định TPP đối với sức khỏe cộng đồng, tập trung phân tích 4 ngành công nghiệp có xung đột với lợi ích y tế cộng đồng gồm có Amiăng, Nhiệt điện than, thuốc lá, rượu bia.
Theo Tiến sỹ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng: TPP là bản chất là một hiệp định tự do thương mại với mục tiêu loại bỏ dần các rào cản thuế quan giữa các giữa các quốc gia ký kết. Khi các hàng rào thuế quan giữa các nước bị loại bỏ, song song với việc gia tăng dòng vốn TPP các nước, kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp biên giới… Nhưng từ đó, sẽ tạo ra thách thức rất lớn cho lợi ích sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh cho các nước có nền kinh tế thấp, thiếu chính sách bảo vệ tác động xấu từ bên ngoài của môi trường tự do thương mại khu vực và toàn cầu.
Nhấn mạnh về việc đẩy mạnh sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh, tiến sĩ Mary Assunta, cố vấn Chính sách cao cấp của Liên minh kiểm soát thuốc lá khu vực Đông Nam Á khuyến cáo quốc gia Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei phải ký kết thỏa thuận bên lề cho phép loại bỏ biện pháp kiểm soát thuốc lá ra khỏi cơ chế ISDS. Chúng ta phải thắt chặt những quy định pháp lý về kiểm soát thuốc lá càng sớm càng tốt bằng các chính sách và thỏa thuận ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo Phóng viên Thanh Bình (Báo Đại biểu Nhân dân Online)