20/07/2016 - 6:14 am
0
Quốc hội Việt Nam khóa XIV đang chuẩn bị phê duyệt Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những lợi ích khi gia nhập TPP đã thấy rõ, tuy nhiên, chính sách “trải thảm đỏ” khi gia nhập sân chơi này không nên áp dụng cho mọi đối tượng.
Từ WTO
Việt Nam đang cố gắng tận dụng các nguồn lực hiện có trong nước và kêu gọi đầu tư ngoài nước để phát triển một nền kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Nói đến kinh tế thị trường, là nói đến chủ thể doanh nghiệp. Ba thập kỷ phát triển, nền kinh tế Việt nam đã hình thành đủ các loại hình doanh nghiệp phổ biến (tư nhân trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI) bên cạnh doanh nghiệp Nhà nước. Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế WTO (11/1/2007), sự thay đổi càng rõ rệt, xuất hiện thêm các loại hình mở rộng như doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp “Công-tư hợp tác” PPP (public-Private Partnership). Về mặt nhận thức và hành động, nhà nước chủ động đẩy vị thế doanh nghiệp lên hàng được xã hội tôn vinh, tương phản rất rõ nét với một chủ thể khác trong động lực “kiềng 3 chân” phát triển kinh tế xã hội đất nước ( tổ chức xã hội dân sự phi lợi nhuận). Các khẩu hiệu như “ làm Doanh nhân là Yêu nước”, “Doanh nhân là đầu tầu phát triển kinh tế-xã hội”, “coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên”… tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt chục năm nay.
Đến TPP
Và nay, Quốc hội Việt nam khóa XIV đang chuẩn bị cho sự phê duyệt Hiệp định tự do thương mại Xuyên Thái Bình Dương” TPP.
Tự do thương mại TPP, hiểu tóm tắt, là bỏ hết các rào cản thuế quan, bỏ hết ưu đãi nếu có cho phát triển một loại hình doanh nghiệp cụ thể, tôn trọng luật chơi chung để có được một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp của 12 nước tham gia TPP.
Khi các hàng rào thuế quan giữa các nước bị loại bỏ, trao đổi hàng hóa và dịch vụ được tăng cường, đi kèm với những quy định được thống nhất về lao động, sở hữu trí tuệ, sẽ thúc đẩy gia tăng dòng chảy vốn TPP giữa các nước, đặc biệt từ các nước đã phát triển như Mỹ sang các nước kém phát triển hơn, do vậy được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp xuyên biên giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nhóm 12 thành viên.
Xét lợi ích tiềm tàng, truyền thông nhà nước và quốc tế trong thời gian qua đang nhấn mạnh Việt nam là nước có lợi nhất trong số các nước tham gia hiệp định TPP.
Bài viết của TS.BS. Trần Tuấn đã được đăng trên Báo điện tử Info.net