2/12/2021 - 9:46 am
0
Trung tâm RTCCD phối hợp với hệ thống trường THPT FPT trên toàn quốc tổ chức chiến dịch truyền thông cho thanh thiếu niên khối lớp 10-12 về phòng chống tác hại của Rượu bia. Trung tâm RTCCD là cơ quan tài trợ và hỗ trợ chuyên môn cho chiến dịch này.
“FSchool dẫn lối, từ chối rượu bia” là chiến dịch lớn nhất từ trước tới nay, được phát động dành cho học sinh THPT toàn hệ thống giáo dục FPT với hàng nghìn học sinh trên khắp mọi miền tại 4 đầu cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quy Nhơn.
Buổi truyền thông sự kiện FSchool dẫn lối, từ chối rượu bia diễn ra sôi nổi và hào hứng với sự tham gia của gần 2500 FSchoolers trên toàn quốc, đặc biệt là sự góp mặt và chia sẻ của THS. BS. Nguyễn Trọng An – Nguyên Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tại buổi phát động, THS.BS Nguyễn Trọng An đã có những chia sẻ về thực trạng sử dụng rượu bia của giới trẻ hiện nay, nguyên nhân giới trẻ sử dụng rượu bia, tác động của rượu bia với sức khỏe và cuộc sống để từ đó có một cái nhìn khách quan và cách ứng xử đúng đắn khi tiếp xúc với các loại đồ uống có cồn này.
Uống rượu, bia có tác hại tiềm tàng về sức khỏe và xã hội với cả người uống và người không uống, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Theo một nghiên cứu của Học viện Cảnh sát Nhân dân thì phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70% và nguyên nhân của vi phạm pháp luật do sử dụng rượu, bia chủ yếu nằm trong độ tuổi 16 đến 30.
Hậu quả trước mắt, uống rượu, bia gây ra các hành vi nguy cơ ở thanh thiếu niên như say rượu dẫn đến ngộ độc rượu, có hành vi bạo lực, quan hệ tình dục không an toàn, tai nạn, chấn thương khi điều khiển phương tiện giao thông, … Về lâu dài thì uống rượu, bia sẽ gây lệ thuộc, mắc các bệnh mạn tính và gây ảnh hưởng đến cả phát triển thể chất và tinh thần khi trưởng thành. Không chỉ ảnh hưởng tới não, trẻ em dùng rượu, bia có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng các bộ phận khác như cơ quan tiêu hóa, gan và thận. Nguy hại hơn rượu, bia còn làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ, phá vỡ rào chắn an toàn của cơ thể làm cho dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng cũng như các bệnh tật khác ngay khi còn nhỏ cũng như khi đã trưởng thành sau này.
Cũng theo chia sẻ của THS.BS Nguyễn Trọng An, Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tiêu thụ rượu, bia tăng nhanh qua các năm. Đối với thanh thiếu niên Việt Nam, tình hình tiêu thụ rượu, bia cũng ở mức đáng báo động và đang gia tăng. Vì vậy, việc cảnh tỉnh và cung cấp cho các em thông tin rõ ràng về thực trạng cũng như tác hại của rượu bia là hết sức cần thiết.
Ngoài việc cung cấp kiến thức, sự kiện truyền thông FSchool dẫn lối, từ chối rượu bia còn nhận được sự hưởng ứng từ FSchoolers bởi những câu hỏi và minigame thú vị. Đặc biệt, BTC chính thức khởi động cuộc thi sáng tác với tổng giải thưởng lên đến hơn 40 triệu đồng.
FSchoolers sẽ tham gia với tư cách cá nhân hoặc nhóm tối đa 5 thành viên, triển khai dưới các thể loại dự thi như: thiết kế poster, inforgraphic hoặc video ngắn dưới 3 phút xoay quanh những tác hại của của rượu bia và các đồ uống có cồn, đặc biệt với thanh thiếu niên, ảnh hưởng của quảng cáo, khuyến mại và tài trợ các sản phẩm rượu bia và đồ uống có cồn hay thúc đẩy các sáng kiến của thanh thiếu niên để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ tác hại của rượu, bia.
Nguyễn Yến Nhi – Học sinh lớp 11 Trường THPT FPT Hà Nội cho biết: “Sau khi tham gia buổi sự kiện truyền thông chiến dịch FSchool dẫn lối, từ chối rượu bia” em đã vỡ ra được nhiều điều. Trước đây bản thân em cũng đã có những lần vì ham vui mà không từ chối được sự cám dỗ của bia rượu, nhưng từ bây giờ khi đã hiểu được tác hại của nó, em sẽ sẵn sàng nói câu từ chối. Đây là chiến dịch ý nghĩa và vô cùng bổ ích với những người trẻ như em.”
Thông qua sự kiện truyền thông FSchool dẫn lối, từ chối rượu bia, các bạn học sinh cũng đã có cái nhìn rõ ràng hơn về những tác hại nguy hiểm của rượu bia để từ đó biết cách từ chối và hạn chế khi sử dụng. Hãy cùng chờ đón những sản phẩm dự thi chất lượng và sáng tạo của FSchoolers trong cuộc thi sáng tác sắp tới nhé!
Dẫn từ bài đăng của Tác giả Lê Trang trên website THPT FPT