17/09/2019 - 10:08 am
0
Bài viết đề dẫn của TS. BS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, Tổ chức điều phối Liên minh NCDs-VN phục vụ cho Hội thảo Thường niên của các Tổ chức Xã hội ngày 18/09/2019
Hội thảo thường niên của các tổ chức xã hội Việt Nam 2019 lấy chủ để “PHÁT HUY VAI TRÒ, SÁNG KIẾN CỦA TỔ CHỨC XÃ HỘI TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG” với sự chung tay của các tổ chức xã hội, chính là tiếng nói hòa đồng của các tổ chức xã hôi Việt Nam chào mừng kỷ nguyên đảm bảo mục tiêu chăm sóc sức khoẻ toàn dân Việt Universal Health Coverage for Vietnamese!
Bài viết này góp phần thảo luận các vấn đề sau:
1) Tổ chức xã hội là ai? Sứ mệnh của các tổ chức xã hội là gì? và họ đã và đang làm gì, với những sáng kiến gì trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cộng đồng?
2) Họ đang gặp khó khăn gì và làm cách nào để vượt qua nhằm thực hiện được sứ mệnh của mình?
3) Mong đợi họ sẽ đóng vai trò gì trong những năm tới đây? Và
4) Trách nhiệm của mỗi chúng ta khi dự hội nghị này sẽ thể hiện như thế nào trong thời gian tới để các tổ chức xã hội phát huy tối đa khả năng chung tay đóng góp cho công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng trên đất nước này hòa chung với mục tiêu chăm sóc sức khoẻ thiên niên kỷ: phổ cập toàn dân, hiệu quả, và phát triển bền vững, trong khung cảnh biến đổi khí hậu, số hóa và toàn cầu hóa cả nguy cơ .thách thức, cùng cơ hội tích cực cho mọi quốc gia!
a/ TCXH: Họ là ai?
Chúng ta đều biết, sự phát triển của mọi cộng đồng, mọi xã hội trên thế giới này trong bối cảnh toàn cầu hóa, số hóa, đều phụ thuộc vào sự nhận biết đúng giá trị đóng góp cho sự phát triển xã hội và thái độ cụ thể của chúng ta trước 3 cột trụ, tức 3 chủ thể của ngôi nhà phát triển tôi gọi tắt là ngôi nhà chung SMS[1]:
Tổ chức xã hội tôi đề cập đến ở đây là ai ?Nằm ở đâu trong ngôi nhà trên?
Đó là các tổ chức có ba đặc điểm chính sau:
Như thế, các tổ chức dưới đây sẽ nằm ngoài khái niệm “tổ chức xã hội” nêu trong hội thảo này:
Các tổ chức xã hội tham gia “Hội nghị Thường niên” những năm qua đều hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học kỹ thuật, đưa khoa học kỹ thuật vào cuộc sống để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, an toàn môi sinh. Họ hầu hết được thành lập qua Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), sau đó được đăng ký qua Bộ Khoa học Công nghệ hoặc Sở Khoa học Công nghệ.
Với chủ đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các tổ chức xã hội nổi bật trong hội nghị thường niên năm nay là các hội, trung tâm, các viện, các liên minh, mạng lưới đi đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và an toàn môi sinh, thúc đẩy quyền được chăm sóc sức khoẻ cơ bản cho mỗi người dân như Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng (RTCCD), Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID), Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi chính phủ (NGO-IC), Mạng lưới dừng sử dụng amiang tại Việt Nam (Vn-BAN), Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN), …
b/ Sứ mệnh của tổ chức xã hội và cụ thể trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng?
Sứ mệnh của các tổ chức xã hội Việt Nam nêu trong bài viết này, là thúc đẩy phát triển cộng đồng bền vững (community sustainable development) trong bối cảnh toàn cầu hóa, thông qua nguyên tắc “thúc đẩy yếu tố tích cực, giảm yếu tố tiêu cực” để làm nên sự phát triển bền vững của mỗi cộng đồng.
Cộng đồng trong nhận thức hành động của các tổ chức xã hội luôn luôn bao gồm xã hội con người đặt trong khung cảnh cụ thể của môi trường sống, với các động thực vật mà thiên nhiên ban tặng bao đời. Bởi thế, phát triển cộng đồng được thể hiện tích hợp trong sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội, và an toàn môi sinh[2].
Và theo nghĩa đó, sức khoẻ cộng đồng, được các tổ chức xã hội mặc nhiên thừa nhận và định hướng hành động bao gồm sức khoẻ con người (human health), sức khoẻ động, thực vật ( animal health and plant health), và sức khoẻ môi trường (environmental health), với mối quan hệ qua lại đã được thiên nhiên mặc định và bảo tồn theo luật tự nhiên sinh thái! Chúng tôi thống nhất trách nhiệm của mỗi tổ chức xã hội (tham gia hội nghị thường niên này) là chung mục tiêu cao nhất hướng tới chăm sóc nguồn tài sản, nguồn vốn quý nhất: Sức khoẻ cho mỗi người dân Việt Nam và môi trường sống cha ông để lại! Vì thế, “Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng”, thể hiện ra một cách khoa học, chính bằng các chiến lược bảo vệ sức khoẻ sinh thái! Cụ thể hơn, là bảo vệ sức khoẻ của con người đi cùng động, thực vật và môi trường sống (Một Sức Khoẻ) tuân theo quy luật sinh thái. Trong hoạt động hàng ngày, các tổ chức xã hội theo tôi dù có khác nhau về các dự án cụ thể hành động bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, nhưng đều chung mục tiêu cao cả là: thúc đẩy yếu tố tích cực, giảm yếu tổ tiêu cực, bảo vệ và thúc đẩy hành động chăm sóc sức khoẻ sinh thái ở mỗi người dân và trên toàn xã hội!
c/ Các sáng kiến chăm sóc sức khoẻ cộng đồng của các tổ chức xã hội Việt Nam
Trong hành động, các tổ chức xã hội tập trung đi vào đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ mà mà chủ thể nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm, các doanh nghiệp cũng bỏ qua, thậm chí ở một số mặt còn vi phạm, đe dọa an ninh sức khoẻ cộng đồng và an toàn môi sinh, tàn phá hệ sức khoẻ sinh thái.
Vì thế, họ phát triển các sáng kiến nhằm đảm bảo quyền lợi của các nhóm yếu thế trước quá trình phát triển cạnh tranh thị trường. Các TCXH hoạt động chủ yếu ở các khu vực bị bỏ lại sau như nông thôn, miền núi; Họ đến giúp đỡ và bảo vệ giảm thiểu nguy cơ tổn thương xẩy ra cho các nhóm người hay bị bỏ quên tiếng nói trong tiến trình phát triển chính sách công như như trẻ em, người già, người tàn tật, người lao động di cư, người chịu hậu quả của tệ nan tham nhũng, nạn nhân của thói kinh doanh phi nhân bản cùng can thiệp thị trường đặt doanh thu lên trên hết (profit) của các ngành công nghiệp có lợi ích phát triển mâu thuẫn với lợi ích sức khoẻ cộng đồng như amiang, thuốc lá, rượu bia, …
Các sáng kiến của chúng tôi xuất phát từ cơ sở khoa học chăm sóc sức khoẻ sinh thái, từ lòng nhân đạo vị tha trước những bất công xã hội, từ tình yêu môi trường sinh thái cùng kinh nghiệm quý mà cha ông để lại, chúng tôi tự nhận là các tổ chức xã hội khoa học, phi vụ lợi, nhân đạo vì dân, vì sức khoẻ sinh thái!
d/ Các tổ chức xã hội đã có những sáng kiến gì trong thời gian qua ở lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cộng đồng ?
Câu hỏi này sẽ được các quý vị nhận ra khi tham dự các phiên chuyên đề có ở hội nghị thường niên này. Tất nhiên do hạn chế về mặt thời gian, các sáng kiến được nêu mới chỉ là chọn lọc một số trong vô số sáng kiến đa dạng, phong phú ở mọi cấp độ, và lý thú hơn nhiều so với trình bày gói gọn trong giới hạn thời gian của chương trình phòng lạnh! Vì thế, quý vị quan tâm sâu hơn, xin liên hệ thêm với chúng tôi sau hội nghị này .
Trong báo cáo này, tôi muốn tóm lược các sáng kiến đa dạng đó bằng một số điểm nhấn sau:
– Thứ nhất, Các tổ chức xã hội hoạt động mạnh ở cả cấp độ luật, chính sách liên quan tới chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, với hai chiến lược chủ yếu: (1) Nghiên cứu đánh giá thực trạng, nhận định nhu cầu, và (2) phản biện vận động chính sách đảm bảo khoa học vì dân!
– Đặc biệt, các TCXH tập trung phản biện và vận động chính sách ngăn chặn sự can thiệp của các tổ hợp công nghiệp quốc tế (Corporations) có lợi ích phát triển mâu thuẫn với lợi ích sức khoẻ cộng đồng và an toàn môi sinh. Đây là khu vực mà nhà nước Việt Nam đã thể hiện có nhiều điểm yếu khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường (do hậu quả chiến tranh lâu dài, do thiếu kiến thức và kinh nghiệm đối đầu với các ngành công nghiệp phi nhân bản phát triển thị trường sang Việt Nam khi thị trường ở các nước phát triển bị thu hẹp; do hệ thống Chính phủ bị nạn tham nhũng hoành hành, đặc biệt tham nhũng chính sách…)! Chúng tôi đã tập trung vào phản biện mạnh các luật, chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và đời sống xã hội, đời sống vật chất của người dân, đặc biệt trẻ em, phụ nữ, dân nghèo.. Quý vị sẽ được nghe một số sáng kiến nổi bật, như các sáng kiến thúc đẩy chính sách cấm amiang trắng ở Việt Nam do đại diện liên minh VN-BAN trình bày; sáng kiến của liên minh NCDs-VN ngăn chặn sự can thiệp của ngành công nghiệp rượu bia vào tiến trình ra luật phòng chống tác hại của rượu bia và vận động Chính phủ và Quốc hội tuân thủ cao nhất các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới trong ra luật này; hay sáng kiến của liên minh VSEA ngăn chặn tình trạng gia tăng ô nhiễm do kế hoạch xây mới 43 nhà máy nhiệt điện chạy than theo kế hoạch điện 7 quốc gia..
– Chúng tôi tập trung nghiên cứu đánh giá các hoạt động đã làm của chính phủ để tạo cơ sở khoa học vận động cho chính sách đáp ứng tốt nhu cầu thực tế chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và theo kịp tiến bộ khoa học của thế giới, Kể ra đây là những nghiên cứu thúc đẩy chăm sóc sức khoẻ “1000 ngày đầu đời”, các sáng kiến tạo lập và vận hành câu lạc bộ chăm sóc cho sự phát triển toàn diện của trẻ ở Hà nam của trung tâm RTCCD, hay các nghiên cứu phát hiện nhu cầu thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, thúc đẩy tạo lâp mô hình sức khoẻ sinh thái ở tuyến cộng đồng- một biểu hiện thực tế của chủ trương Một Sức Khoẻ đi xuống thực tế vừa được các chuyên gia của liên minh NCDs-VN thực hiện đáp ứng yêu cầu hiệu quả hóa hoạt động thúc đẩy Một Sức Khỏe mà chính phủ Việt nam đã và đang theo đuổi hơn 10 năm qua!
– Vận động chính sách còn được biểu hiện cụ thể bằng các bằng chứng can thiệp cộng đồng mạnh mẽ, như các sáng kiến của liên minh VSEA thúc đẩy các mô hình cộng đồng sử dụng năng lượng tái tạo, nhằm chứng minh tính thực tế, hữu hiệu và phù hợp cả về kinh tế, sức khoẻ cùng đảm bảo an toàn môi sinh, giúp chính phủ điều chỉnh kế hoạch năng lượng điện quốc gia VII giảm thiểu nhiệt điện chạy than.
– Thứ hai, các tổ chức xã hôi hoạt động mạnh ở cấp vi mô, đăc biệt ở các khu vực khó khăn và các nhóm yếu thế, bằng chiến lược phát triển các mô hình thực tế chăm sóc sức khoẻ theo chiến lược: 1/ Thúc đẩy tiến trình tự chăm sóc, chăm sóc gia đình, chăm sóc cộng đồng theo mục tiêu chăm sóc sức khoẻ toàn diện, và đảm bảo chăm sóc thiết yếu cho các nhóm đối tượng yếu thế; 2/ tạo bằng chứng thực tế phục vụ vận động trực tiếp chính sách chăm sóc sức khoẻ địa phương và gián tiếp tới chính sách ở cấp độ vùng, quốc gia.
Về mặt này, gần như mỗi tổ chức xã hội hoạt động liên quan tới chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, đều có những môi hình cụ thể ở tuyến cộng đồng, giúp thực hiện tốt hoạt động y tế dự phòng, đặt chăm sóc sức khoẻ vừa là công cụ can thiệp vừa là kết quả mục tiêu của hoạt động giảm nghèo và phát triển bền vững. 10 vấn đề y tế toàn cầu thể hiện ở Việt nam đều có hoạt động của các tổ chức xã hội[3]. Quý vị sẽ có thêm nhiều thông tin cụ thể khi liên hệ với các chuyên gia từ các Hội, các trung tâm thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.
Họ gặp rất nhiều khó khăn trên bước đường thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khoẻ cộng đồng theo hướng bảo vệ an toàn môi sinh, phát triển sức khoẻ sinh thái!.
Khó khăn thứ nhất, và là thách thức lớn nhất, là cho đến thời điểm này, trong hệ thống luật và chính sách chăm sóc sức khoẻ ở Việt nam, vẫn chưa có chỗ đứng cho loại hình chăm sóc sức khoẻ NHÂN ĐẠO, PHI LỢI NHUẬN VÌ DÂN, VÌ AN TOÀN MÔI SINH VÀ SỨC KHOẺ SINH THÁI.
Về điểm này, các chuyên gia hàng đầu của các tổ chức xã hội đã có nhiều bài viết phân tích chính sách y tế Việt Nam trong thời gian qua tập trung vào sự lệch lạc trong cấu trúc hệ thống bộ ba chủ thể “Y tế công, y tế tư, y tế nhân đạo phi lợi nhuận” trong bối cảnh thị trường toàn cầu hóa của Việt Nam.
Trong đó, y tế công ngày càng lộ rõ là một hệ thống không giữ đúng chức năng như tên gọi! Các bệnh viện công thực chất hàng chục năm qua đã là “Công tư lẫn lộn”, và gần đây chuyển mạnh mẽ hơn nữa sang “tự chủ hoàn toàn”, một hình thức “xác công, hồn tư” ở tất cả các cấp!
Khu vực dự phòng, thì chương trình tiêm chủng mở rộng cung cấp miễn phí cho trẻ em, một chương trình điển hình nhân đạo và thực hiện tốt hàng mấy chục năm qua, đã chuyển vai trò chủ thể sang “tiêm chủng dịch vụ”, niềm tin của dân bị lung lay, tạo điều kiện cho tiêm chủng tư nhân thế chỗ! Nguy cơ mất công bằng trong chăm sóc y tế dự phòng hiển hiện ở một nước trước đây vồn đi đầu trong các nước đang phát triển về hệ thống y tế dự phòng và công bằng trong chăm sóc y tế. Trong khi đó, luật khám bệnh chữa bệnh, hay bất kỳ một văn bản pháp lý về chăm sóc sức khoẻ nhân dân, lại chưa thể hiện hoặc chỉ nêu một cách chung chung không đủ tạo hành lang pháp lý cho loại hình chăm sóc sức khỏe mà các tổ chức xã hội theo đuổi: Ngoài nhà nước, Nhân đạo, phi lợi nhuận, sức khoẻ cộng đồng, sức khoẻ sinh thái.
Chính hệ thống y tế “công không ra công, tư không ra tư” là nơi khiến các nỗ lực can thiệp thúc đẩy chăm sóc sức khoẻ ban đầu bao năm qua, trở nên “công cốc”, ngừng dự án là lại trở về hiện trạng cũ! Còn tình trạng này, còn hạn chế hiệu quả can thiệp sức khoẻ cộng đồng của các tổ chức xã hội.
Các tổ chức xã hội đương đầu với khó khăn này, không còn cách nào khác, là tập trung thực hiện phản biện chính sách y tế thật mạnh mẽ! Nhiều bài viết phân tích “đừng tư nhân hóa bệnh viện công”, hay chấm dứt tình trạng “oẳn tà roằn” hệ thống y tế công, minh bạch công tư trong tiêm chủng…. đã được đưa ra[4]; [5],[6]. Đồng thời, các tổ chức xã hội tự thiết lập các phòng khám chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại cộng đồng phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu thực tế tạo bằng chứng tư vấn phản biện chính sách! Và gần đây nhất, họ khởi động tiến trình tạo lập mạng lưới người bệnh, người có nguy cơ cao bệnh không lây nhiễm tham gia cùng các tổ chức xã hội vận động chính sách công theo hướng bảo vệ sức khỏe công đồng, an toàn môi sinh, góp phần tạo thêm nhiều tiếng nói thúc đẩy sự phát triển lành mạnh hệ thống y tế công và y tế nhân đạo phi lợi nhuận.
Khó khăn, thách thức lớn thứ hai, là luật về hội và các tổ chức xã hội vẫn chưa ra được. Mà sâu xa, là do có phần can thiệp từ nhiều năm nay nhưng không được phát hiện, và càng ngày càng mạnh, đến từ các thế lực có mâu thuẫn đối kháng lợi ích với y tế công cộng! Chính thế lực này, thông qua nhóm thủ lợi được họ gây dựng từ nhiều năm nay, chiếm lĩnh vị trí ở cả trong chính phủ và trong quốc hội, đã cản trở và trì hoãn tiến trình ra luật hội, nhằm làm chậm sự phát triển của tiếng nói phản biện vận động chính sách công thực hiện bởi các tổ chức xã hội[7]! Thách thức này được phát hiện chủ yếu khi các tổ chức xã hội phân tích các thách thức gặp phải trong tiến trình thực hiện phản biện và vận động chính sách cấm sử dụng amiang trắng ở Việt nam, vận động xây dựng luật thực thi công ước quốc tế phòng chống tác hại thuốc lá FCTC, và xây dựng luật phòng chống tác hại của rượu bia trong hai năm qua! Nguyên nhân gốc rễ tạo thuận lợi cho sự can thiệp của thế lực này (đặc biệt từ các ngành công nghiệp thuốc lá, amiang, rượu bia, hóa chất dùng trong nông nghiệp, công nghiệp đồ uống mang nhiều nguy cơ cho bệnh không lây nhiễm …) cũng chính là các yếu tố cản trở thực thi hiệu quả chương trình phòng chống tham nhũng của Chính phủ!
Đương đầu với trở ngại này, các tổ chức xã hội bên cạnh thực hiện chức năng tư vấn phản biện và vận động cho ra luật hội, đang tự lên tiếng trong mỗi hoạt động phản biện bất kỳ một chính sách công nào, cũng đều nhấn mạnh và đòi hỏi phải thực hiện giám sát, đánh giá độc lập tiến trình ra chính sách và thực thi chính sách công, và thực hiện nhận diện cụ thể các thế lực cản trở tiến trình ra luật về hội. Đồng thời, đang thúc đẩy tiến trình đổi mới vận hành và quản lý tổ chức theo hướng tạo ra các tổ chức điển hình khoa học nhân đạo, phi lợi nhuận minh bạch và giải trình trách nhiệm có đóng góp hiệu quả cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, an toàn môi sinh, có mô hình tốt thúc đẩy sức khỏe sinh thái… làm bằng chứng thuyết phục các bên để vận động ra luật thúc đẩy sự phát triển của loại hình này.
Khó khăn, thách thức lớn thứ ba cản trở hoạt động và sự phát triển các tổ chức xã hội trong công tác chăm sóc sức khoẻ, chính là những can thiệp sâu xa ngăn cản chủ trương của nhà nước thực thi cải cách hệ thống các tổ chức chính trị-xã hội, các viện nghiên cứu, buộc rời khỏi “bầu vú” ngân sách nhà nước truyền thống, để tạo môi trường phân bổ ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu phát triển xã hội lành mạnh ở Việt Nam, tạo thị trường hoạt động nghiên cứu và tư vấn phản biện vận động chính sách công đúng nghĩa. Khó khăn, thách thức này sâu xa đến từ thế lực thủ lợi tham nhũng, muốn không thay đổi hiện tại để tiếp tục trục lợi từ lỗ hổng và điểm yếu quản lý hệ thống của nhà nước này, khi chuyển đổi từ hệ thống bao cấp sang kinh tế thị trường toàn cầu hóa. Chính các tổ chức chính trị-xã hội các viện nghiên cứu “công không ra công, tư không ra tư” chiếm giữ vị trí, vai trò nhưng không thực thi tốt chức năng phản biện, giám sát đánh giá thực thi luật và chính sách công, dẫn đến tình trạng “nhuôm nhoam” khủng hoảng thông tin phục vụ phát triển chính sách công! Thậm chí, một số còn cấu kết với các thế lực công nghiệp phi nhân bản, tạo các nghiên cứu làm chậm tiến trình thực thi hoạt động bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Đương đầu với khó khăn thách thức này, các tổ chức xã hội hàng đầu đang hợp tác, liên kết hỗ trợ nhau , dưới dạng liên minh, mạng lưới, củng cố quản lý tổ chức và chất lượng chuyên môn để làm nổi bật loại hình tổ chức khoa học ngoài nhà nước, phi vụ lợi, nhân đạo vì dân, phân biệt rõ ràng với các loại hình tổ chức mà các thế lực cản trở đang ra sức can thiệp làm xấu đi hình ảnh các tổ chức xã hội trong con mắt các bên quan tâm!
Khó khăn, thách thức thứ tư, là sự thiếu hụt nguồn nhân lực cao tham gia các tổ chức xã hội.
Tự lo kinh phí, tự lo nguồn nhân lực, tự đi tìm đầu việc trong môi trường luật pháp còn rất yếu và nhiều trở ngại cho hoạt động nghiên cứu, tư vấn phản biện độc lập, các tổ chức xã hội không phải là môi trường dễ dàng thu hút nguồn nhân lực trẻ có trình độ phù hợp với yêu cầu loại hình công tác đặc biệt này. Vì thế, các tổ chức xã hội luôn trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu xã hội đặt lên vai họ, mà gánh nặng trách nhiệm xã hội này đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn, khi Việt Nam hòa dần vào tiến trình toàn cầu hóa.
Khắc phục thách thức này, một chương trình đào tạo nhân lực nguồn cho các tổ chức xã hội đã được thai nghén, thực hiện bởi sự đồng lòng của các tổ chức xã hội cho mục tiêu đường dài.
Khó khăn thách thức thứ năm, là nguồn hỗ trợ nhân đạo quốc tế cho khối các tổ chức xã hội của Việt Nam ngày càng cạn kiệt, trong khi chưa có một cơ chế tài chính trong nước bền vững được xây dựng.
Đương đầu với thách thức này, chính bằng chất lượng công việc hoạt động mà các tổ chức xã hội hàng đầu thực hiện trong thời gian gần đây! Họ đang cố gắng chứng minh vai trò của mình trong thúc đẩy Việt Nam thực thi tốt các cam kết chăm sóc sức khoẻ theo khuyến cáo của các tổ chức Liên hợp quốc, chứng minh các tổ chức xã hội Việt Nam có thể cung cấp bài học tốt từ chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo cách đề cập thúc đẩy phát triển mô hình sức khoẻ sinh thái giải quyết đồng bộ và hiệu quả các vấn đề y tế ưu tiên toàn cầu có ở Việt nam, chứng minh họ đang và sẽ là một chủ thể tích cực đóng góp cho Việt Nam làm tốt chương trình an ninh y tế toàn cầu! Các tổ chức xã hội Việt Nam lúc này hơn bao giờ hết, cần được hỗ trợ tích cực để vượt lên thực hiện sứ mệnh của họ!
Chúng tôi nhận thức rõ 10 thách thức y tế toàn cầu mà WHO đưa ra đầu năm 2019, cũng chính là những vấn đề đã được các tổ chức xã hội quan tâm hành động trong thời gian qua. Đồng thời, xét hoàn cảnh trong nước, đặc thù hệ thống y tế công của Việt Nam đang mất dần vị thế y tế công đúng nghĩa đẩy thị trường chăm sóc y tế rơi vào tay y tế tư nhân, làm trầm trọng thêm sự mất công bằng trong chăm sóc y tế và nguy cơ chi phí chăm sóc sức khoẻ trở thành gánh nặng chính cho một bộ phận dân nghèo, yếu thế. Cộng với nạn tham nhũng chính sách nặng nề với sự can thiệp của các ngành công nghiệp có lợi ích phát triển mâu thuẫn với lợi ích y tế công cộng, đe dọa làm chậm tiến trình thực thi của Việt Nam với các cam kết phòng chống bệnh tật cụ thể và mục tiêu chung một sức khoẻ, các tổ chức xã hội với sứ mệnh đã chọn của mình, xác định:
– Giữ vững vai trò là chủ thể chính thực thi phản biện độc lập, vận động chính sách công phát triển và thực thi theo hướng đảm bảo tuân thủ tốt nhất các khuyến cáo khoa học y tế công cộng và tổ chức Y tế thế giới trong đương đầu với 10 thách thức y tế toàn cầu hiện hữu ở Việt nam, và thúc đẩy thị trường chăm sóc sức khoẻ của Việt Nam theo hướng minh bạch và giải trình trách nhiệm của 3 chủ thể: Y tế công, Y tế Tư, Y tế nhân đạo, phi lợi nhuận, vì dân.
– Là chủ thể phát triển xây dựng mô hình cộng đồng sức khoẻ sinh thái tạo giải pháp tổng hợp phòng chống gánh nặng bệnh tật cả nhiễm trùng và không nhiễm trùng, thúc đẩy an toàn môi sinh, làm bằng chứng vận động chính sách một sức khoẻ ở Việt Nam để đảm bảo an ninh sức khoẻ quốc gia.
– Củng cố năng lực điều phối, liên kết các tổ chức, các liên minh tổ chức xã hội để làm cơ sở thúc đẩy xây dựng và phát triển thành công mô hình sức khoẻ sinh thái ở tuyến cộng đồng, và thực hiện phản biện vận động hiệu quả chính sách công ở cấp vĩ mô liên quan tới chăm sóc sức khỏe.
– Hỗ trợ xây dựng và hợp tác phát triển với mạng lưới người bệnh, người chịu nguy cơ cao bệnh không lây nhiễm tham gia vận động chính sách phòng chống bệnh tật và thực thi quyền chăm sóc sức khoẻ cơ bản cho người bệnh[8].
Tôi hy vọng các trình bày khác có trong hội nghị này sẽ giúp các quý vị hiểu thêm về hoạt động của các tổ chức xã hội và sáng kiến trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng đã, đang, và sẽ được đẩy mạnh bởi các tổ chức xã hội trong thời gian tới đây .
Cũng mong qua hội nghị này, mỗi quý vị sẽ tìm ra được câu trả lời cho riêng mình. Và hy vọng, từ hội nghị trở về, chúng tôi tiếp tục nhận được sự quan tâm của quý vị để bước tiếp con đường chúng tôi đã đi cho mục tiêu chung của chúng ta: Vì sức khoẻ cộng đồng, vì an toàn môi sinh nước Việt, và vì một Việt Nam phát triển bền vững hòa đồng với xu hướng tiến bộ trên thế giới trong khung cảnh toàn cầu hóa: Thực hiện quyền của mỗi người dân được chăm sóc sức khoẻ cơ bản: Universal Health Coverage!
Xin chân thành cảm ơn!
[2] 2005 World Summit on Social Development.
[3] 10 vấn đề thách thức y tế toàn cầu do WHO đưa ra năm 2019 là: 1/ Ô nhiễm không khí và thay đổi khí hậu; 2/ Bệnh không lây nhiễm; 3/ Nguy cơ phát sinh đại dịch cúm. 4/ Môi trường sống bất ổn, nhiều nguy cơ đe dọa (nghèo khổ, bạo lực, hạn hán, lụt lội..); 5/Kháng kháng sinh; 6/ Ebola và các tác nhân gây bùng nổ dịch đe dọa; 7/ Chăm sóc sức khoẻ ban đầu yếu kém; 8/ Dân chúng tẩy chay tiêm chủng; 9/ Sốt xuất huyết; 10/ Dịch HIV/AIDS (https://www.who.int/emergencies/ten-threats-to-global-health-in-2019)
[4] Trần Tuấn (19/12/2018). Tư Nhân Hóa, Thương Mai Hóa Y Tế và Công Bằng Sức Khoẻ. https://www.facebook.com/trantuanrtccd/posts/10214177573128299 ; Hoặc: “ Đừng Thương Mại Hóa Y Tế Công” “http://tinhthancongdan.vn/dung-thuong-mai-hoa-y-te-cong/.
[5] Trần Tuấn (21/12/2019) .Tư nhân hóa, thương mại hóa y tế công “Gây đau đớn cho toàn xã hội”. http://www.vnmedia.vn/dan-sinh/201812/tu-nhan-hoa-thuong-mai-hoa-y-te-cong-gay-dau-don-cho-toan-xa-hoi-622583/
[6] Báo INFONET (02/07/2019) : Trao quyền tự chủ hoàn toàn cho 4 “siêu bệnh viện” để xóa bỏ tình trạng “oẳn tà roằn”. Trả lời phỏng vấn của BS.TS. Trần Tuấn về trao quyền tự chủ hoàn toàn cho 4 bệnh viện công (Phương Thúy thực hiện). https://infonet.vn/trao-quyen-tu-chu-hoan-toan-cho-4-sieu-benh-vien-de-xoa-bo-tinh-trang-oan-ta-roan-post304408.info
[7] Báo Đất Việt(Thứ sáu, 20/07/2018). “TS. Trần Tuấn: Có “Vấn Đề” trong tiếp nhận phản biện!”. Trả lời phỏng vấn của BS.TS. Trần Tuấn trên trang Diễn Đàn Trí Thức (Lê Na thực hiện). https://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/ts-tran-tuan-co-van-de-trong-tiep-nhan-phan-bien-3362171/?paged=3
[8] Ngày 12/9/2019, Liên minh NCDs-VN đã làm lễ khởi động xây dựng mạng lưới đưa tiếng nói người bệnh, người chịu nhiều nguy cơ cao, vào tiến trình xây dựng chính sách công, thúc đẩy quyền chăm sóc sức khoẻ cơ bản cho mọi người dân. Quý vị quan tâm, xin liên hệ: Liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm NCDs-VN, số 39 ngõ 255 phố Vọng. Tel. 02436280250. Hoặc tham khảo; Video tường thuật trực tiếp lễ khởi động thành lập mạng lưới người bệnh, người chịu nhiều nguy cơ cao tham gia tiến trình vận động chính sách chăm sóc sức khoẻ: https://www.facebook.com/thongtinGTV/videos/2455582811389953/