21/11/2016 - 9:52 am
0
Tập huấn Can thiệp và hỗ trợ ban đầu với phụ nữ trải qua bạo lực gia đình diễn ra ngày 4/11 tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) đã nhận được sự quan tâm của các cán bộ đến từ các tổ chức như Ngôi nhà Bình Yên, […]
Tập huấn Can thiệp và hỗ trợ ban đầu với phụ nữ trải qua bạo lực gia đình diễn ra ngày 4/11 tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) đã nhận được sự quan tâm của các cán bộ đến từ các tổ chức như Ngôi nhà Bình Yên, Hagar Quốc tế tại Việt Nam, Coins for Change, Nhà Ấm, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phòng Công tác xã hội bệnh viện đa khoa Xanh-Pôn và các giảng viên, sinh viên các trường Đại học.
Tập huấn bao gồm các nội dung phân tích vai trò về giới là nguyên nhân gây ra bất bình đẳng và bạo lực với phụ nữ; tìm hiểu quy trình quản lý ca trong tổ chức; và đặc biệt tập trung vào đánh giá và xây dựng kế hoạch an toàn cho phụ nữ trải qua bạo lực gia đình.
Những chia sẻ thực tế cùng với kiến thức từ giảng viên đã cung cấp một bức tranh khá rõ nét về quản lý ca với các bước tiến hành, các tổ chức, dịch vụ tham gia vào quá trình hỗ trợ và các bên liên quan. Những người tham gia đều đồng ý rằng mạng lưới hỗ trợ có sự tham gia của nhiều dịch vụ trên nhiều phương diện sức khỏe thể chất, sự an toàn, tâm lý, xã hội, trẻ em, gia đình, nghề nghiệp. Các dịch vụ kết nối với nhau được ví như một “mạng nhện” trong đó thân chủ đứng ở vị trí trung tâm. Qua đó, đặt mình vào thân chủ mới thấy được sự khó khăn, bối rối cũng như tâm lý của thân chủ trong vai trò là người được hỗ trợ.
Quy trình quản lý ca tại một tổ chức đã có nhiều kinh nghiệm làm việc và hỗ trợ phụ nữ như Hagar đã nhận được quan tâm từ những người tham gia. Mọi câu hỏi, chia sẻ đều là các vấn đề thực tiễn và rất thiết thực.
Chị Marie đã cho thấy bức tranh khá toàn diện làm thế nào bất bình đẳng giới gây nên bạo lực đối với người phụ nữ. Chính các quan niệm xã hội đã tạo nên một xã hội với giá trị của người phụ nữ bị hạ thấp và đàn ông luôn được coi là người có quyền chi phối và kiểm soát.
Những người tham gia đã thảo luận về kế hoạch an toàn cho phụ nữ tùy vào từng hoàn cảnh. Trong trường hợp người phụ nữ vấn chọn lựa môi trường bạo lực, chúng ta cần đánh giá các nguy cơ người phụ nữ có thể phải đối mặt và cung cấp cho họ kiến thức về nuôi dạy con cái, cách nhận biết các dấu hiệu của bạo lực và địa chỉ tin cậy để liên hệ. Ngoài ra, người phụ nữ cần có sự kết nối chặt chẽ với các nguồn lực như họ hàng, hàng xóm, được cung cấp các kỹ năng tự vệ cho bản thân và con cái. Nhân viên CTXH cần làm việc với chính quyền địa phương về kế hoạch can thiệp khi bạo lực gia đình xảy ra và nâng cao nhận thức của cộng đồng về bạo lực gia đình.