29/09/2016 - 5:08 pm
0
Tối 28/9/2016 BS. Nguyễn Trọng An trả lời phỏng vấn Phóng viên VTV 24 về sữa và nuôi trẻ nhỏ trong cầu truyền hình Chương trình Sữa học đường cho Trẻ em. Đây là chương trình đã góp phần cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em mầm non và tiểu học, đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ về dinh dưỡng giữa trẻ em ở các vùng miền, đặc biệt là vùng nghèo, vùng khó khăn.
1. Thưa Ông, Những thói quen xấu trong chăm sóc và nuôi dưỡng nào ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của bé từ 0 đến 12 tuổi. Vì sao?
• BS. An:
Những thói quen xấu thường gặp đó là:
(1) Đối với trẻ em dưới 5 tuổi:
– Cho trẻ ăn sam/ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi: vì ở lứa tuổi này hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt chưa hoàn thiện, các men tiêu hóa chưa đầy đủ để trẻ có thể hấp thu được các chất Bột đường, thịt đỏ và các loại rau củ trong thức ăn sam đưa vào cơ thể, có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Nguy cơ trẻ bị rối loạn tiêu hóa hoặc tiêu chảy cao.
– Chế độ ăn sam đơn điệu, nghèo dinh dưỡng: Nếu bà mẹ đủ sữa, thì sau 6 tháng tuổi mới bắt đầu cho trẻ ăm sam là phù hợp. Trong trường hợp bà mẹ thiếu sữa phải nuôi nhân tạo thì có thể cho trẻ ăm sam sớm hơn khi trẻ được 4-5 tháng. Tuy nhiên, nếu chế độ ăn sam này của trẻ không đầy đủ các chất dinh dưỡng, thành phần đơn điệu, chỉ có bát bột quấy với nước mắm, bột ngọt và nước luộc rau, không có các thức ăn giàu chất đạm, chất béo và chất khoáng thì sức khỏe của trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt là trong chế độ ăn thiếu sữa (Sữa mẹ hoặc sữa bò), thiếu các chất đạm động vật có nguồn gốc từ Thủy/hải sản. Đây là những thức ăn có chứa nhiều Can xi, phốt pho và kẽm (đó là 3 chất khoáng vi lượng quan trọng thúc đẩy phát triển chiều cao của trẻ) hậu quả là trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.
– Từ trên 3 tuổi đến 5 tuổi cũng vậy, nếu trẻ không được ăn sữa, thịt, cá trứng… bổ sung hoặc chất lượng bữa ăn vẫn nghèo nàn và đơn điệu như kể trên, lại kèm theo thói quen của các bậc cha mẹ không cho trẻ được nô đùa, chạy nhảy… sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
(2) Trẻ từ 6-12 tuổi:
– Ở giai đoạn này, bên cạnh việc chế độ ăn hàng ngày của trẻ thiếu vắng các thực phẩm giầu dinh dưỡng giúp tăng trưởng chiều cao như Sữa và các chất đạm nguồn gốc từ thủy/hải sản như trên, kèm theo thói quen của cha mẹ ít cho trẻ được vận động, thể dục thể thao … sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
2. Những thói quen tốt cho sự phát triển chiều cao của trẻ em? Vì sao?
• BS. AN:
Những thói quen tốt đó là:
-Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, từ tháng thứ 7 trở đi cho trẻ ăn Sam/ăn dặm hợp lý, đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng, vẫn tiếp tục cho trẻ bú mẹ và cho trẻ ăn bổ sung thêm sữa hàng ngày.
– Thói quen cho trẻ lớn hơn (từ 24 tháng đến 12 tuổi) được ăn bổ sung sữa và các chế phẩm từ sữa hàng ngày sẽ giúp cho trẻ tăng trưởng chiều cao tốt hơn, vì trong các loại thức ăn bổ sung thì Sữa là các loại thức ăn giầu chất dinh dưỡng, cân đối các chất vi lượng và cơ thể trẻ dễ hấp thu nhất. Trứng gà/vịt cũng rất giầu chất dinh dưỡng và nhiều vi chất giúp trẻ phát triển nhưng không nên cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi ăn hàng ngày vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa thể phù hợp để hấp thu được đầy đủ các chất, có thể gây sự ứ đọng trong cơ thể không có lợi cho trẻ. Hơn nữa, nếu ăn trứng chế biến còn sống hoặc không đúng cách có thể gây nhiễm khuẩn cho trẻ, đặc biệt là salmonella – một yếu tố gây ngộ độc thức ăn. Ngoài ra, trong lòng trắng trứng sống còn có một chất chống lại biotin (vitamin H), gây cản trở hấp thu dưỡng chất này.
– Luôn quan tâm khuyến khích cho trẻ vận động, tập luyện thể dục thể thao như bơi lội, chạy nhảy…sẽ giúp trẻ tăng cường sức bật, thể lực và tạo ra một số nội tiết tố kích thích tăng trưởng chiều cao hơn.
3. Sữa hoàn nguyên là gì? Sữa tươi và sữa hoàn nguyên, sữa nào tốt hơn?
• BS. AN:
-Sữa hoàn nguyên là tên gọi sản phẩm Sữa thu được khi hoà nước với sữa bột (Sữa tách bơ hoặc sữa bột nguyên chất) có bổ sung thêm các chất dinh dưỡng, vi ta min hoặc thêm đường, hương vị hoa quả cho hợp khẩu vị với các đối tượng sử dụng.
-Sữa tươi và sữa hoàn nguyên đều tốt vì mỗi loại có một ưu điểm riêng. Tuy nhiên, trong sữa tươi nguyên chất thì hàm lượng Vitamin D rất thấp, có thể ảnh hưởng tới việc hấp thu canxi của trẻ. Đồng thời chất béo trong sữa tươi là chất béo “no” không phù hợp với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên trong một số sản phẩm sữa tươi, trên bao bì thường xuyên in dòng chữ khuyến cáo “không dùng cho trẻ dưới 18 tháng tuổi”. Có những Hãng sữa họ tách bớt một phần chất béo ra hoặc được xử lý nhiệt thành “Sữa tươi tiệt trùng” thì có thể dùng cho trẻ ở độ tuổi từ trên 12 tháng.
4. Lượng sữa uống trong một ngày bao nhiêu là hợp lý? Vì sao?
• BS. AN:
– Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì Sữa mẹ cung cấp cho trẻ những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển, phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ. Trong sữa mẹ, đặc biệt là sữa non có nhiều chất kháng thể giúp tăng cường sức đề kháng cơ thể, giúp trẻ chống lại các bệnh tật. Lúc mới sinh, kích thước dạ dày của bé rất nhỏ, mỗi lần chỉ bú được khoảng 30ml, sau đó tăng dần lên 60ml. Nếu sau khi bú xong, trẻ vẫn quấy khóc, mẹ nên cho trẻ bú thêm.
– Tuy nhiên, có một số bà mẹ ít sữa/mất sữa, lượng sữa mẹ cung cấp hằng ngày cho bé là không đủ. Trong trường hợp này, các mẹ phải bắt buộc cho con uống thêm sữa bột công thức. Số lượng tùy theo lứa tuổi của trẻ:
+ Trẻ sơ sinh đến 2 tháng tuổi: Cho trẻ uống sữa công thức, 1-2 tuần đầu cho trẻ uống từ 10-30ml/lần ngày 8-12 lần sau tăng dần theo tháng tuổi đến 90 – 120ml/ lần. Mỗi ngày uống khoảng 6-7 lần. Vì dung tích dạ dày của trẻ sẽ lớn dần lên cũng như các men tiêu hóa của trẻ dần hoàn thiện theo tuổi.
+ Trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi: Mỗi lần uống khoảng từ 120 – 180 ml/lần ngày uống 5-6 lần. Từ tháng 5 trở đi mẹ có thể cho bé tập ăn sam/ăn dặm dần, vì đây là trường hợp trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ.
+ Trẻ từ 6 -12 tháng tuổi: Ở giai đoạn này, bạn cho trẻ uống sữa công thức với lượng 180-240ml/lần và uống khoảng 4-5 lần/ngày tùy theo mức độ uống của trẻ. Bên cạnh đó,trẻ cũng cần được ăn bổ sung thức ăn sam/dặm như bột, cháo xay được quấy cùng với các loại thức ăn khác như thịt các loại, lươn – tôm – cua – cá, trứng, rau, đậu, trái cây…
+ Trẻ trên 12 tháng – 36 tháng tuổi: Duy trì cho trẻ được uống sữa bổ sung ngày 3-4 lần, mỗi lần từ 200-250 ml sẽ giúp cho trẻ có sự tăng tốc về chiều cao. Ở độ tuổi này, đặc biệt từ 24 tháng trưở đi trẻ bắt đầu uống được sữa tươi, tuy nhiên cần chú ý trong thực đơn bữa ăn của trẻ có nhiều thức ăn giầu Vitamin D, A như trứng, gan cá…
5. Làm thế nào để phát hiện rằng con của mình đang bị thấp còi? Nếu bị thấp còi, thì phải làm gì?
• BS. AN:
Muốn biết con mình có bị thấp còi hay không, cần đến tư vấn BS Nhi khoa hoặc Chuyên gia dinh dưỡng. Ở gia đình và cộng đồng nếu được hướng dẫn cách đánh giá dinh dưỡng bằng Biểu đồ phát triển thì các bậc cha mẹ có thể tự đánh giá được bằng cách đo chiều cao của trẻ (Trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi phải đo chiều dài nằm) so sánh với cột tháng tuổi tương ứng và chấm vào Biểu đồ Chiều cao theo Tuổi, hoặc để chính xác thì dùng Bảng phân loại Chiều cao theo tuổi của từng tháng tuổi theo chuẩn của WHO, nếu thấy chiều cao của trẻ thấp dưới 2 độ lệch chuẩn (-2 SD) thì trẻ bị Suy dinh dưỡng thể thấp còi độ 1, nếu trong khoảng từ dưới 2 độ lệch chuẩn (-2 SD) đến dưới 3 độ lệch chuẩn (-3SD) là trẻ bị Suy dinh dưỡng thể thấp còi độ 2.
6. Việc uống sữa kém chất lượng ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của trẻ em?
• BS. AN:
+ Nhìn chung, nếu để trẻ uống phải sữa kém chất lượng dù kém ở mức độ nào cũng đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Theo đó, tùy mức độ của chất lượng sữa kém mà có thể gây tác hại ngay lập tức (cấp tính) như Sốc phản vệ, Dị ứng, ngộ độc, tiêu chảy,…hoặc có thể gây ảnh hưởng dần dần, lâu dài (mãn tính) như sỏi thận, suy dinh dưỡng. Do vậy các bậc cha mẹ cần quan tâm đến chất lưỡng sữa như Hãng sản xuất, hạn sử dụng, thành phần các chất dinh dưỡng, cách thức pha chế…để tránh mua nhầm hàng sữa giả, sữa kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con em mình.
7. Ngoài sữa trẻ em cần phải ăn những loại thức ăn gì để bổ sung thêm canxi cho cao hơn.
• BS. AN:
– Trước hết chúng ta phải hiểu rằng, chỉ riêng Can xi đơn thuần trong thức ăn thì cũng khó giúp cho trẻ cứng cáp xương cốt thúc đấy tăng chiều cao lên được. Vì muốn cơ thể trẻ hấp thụ được can xi thì phải cần có những yếu tố sau:
(1) Tỷ lệ tương quan giữa Can xi và Phốt pho phải lớn hơn 1 (tức là lượng can xi phải nhiều hơn Phốt pho), tỷ lệ này chỉ có sữa, trứng gà/vịt và 1 số loại động vật có nguồn gốc thủy, hải sản mới đáp ứng được. Nếu trong thức ăn của trẻ chỉ có rau, đậu đỗ, trái cây thịt gia cầm thì khả năng hấp thu được can xi sẽ rất thấp, vì tỷ lệ Can xi trên Phốt pho chỉ đạt dưới 0.8).
(2) Cần thiết phải có mặt của Vitamin D, nếu thiếu vitamin D thì cơ thể không thể hấp thu canxi và phospho trong thức ăn, dẫn đến lượng canxi và phospho trong máu giảm, xương dễ trở nên xốp và giòn, trẻ em có thể dẫn đến còi xương, người lớn nhất là phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh dễ bị loãng và nhuyễn xương. Đồng thời Vitamin D có tác dụng làm giảm tái hấp thu canxi ở ống thận dẫn tới tiểu ra nhiều canxi (do vậy tránh dùng canxi liều cao dễ gây sỏi thận, tiết niệu). Vì vậy, nếu ăn những thức ăn có nhiều can xi nhưng lại thiếu Vitanin D thì cơ thể trẻ cũng khó hấp thu được Can xi, ngược lại còn có nguy cơ cao bị sỏi thận, tiết niệu, cao huyết áp, đau nhức xương khớp. Các nguồn thức ăn động vật như gan cá (đặc biệt là cá thu, cá ngừ), các loại Sữa công thức, Thịt, lòng đỏ trứng, bơ, riêng sữa tươi chỉ có rất ít vitamin D.
(3) Một yếu tố quan trọng nữa có khả năng tăng cường hấp thu can xi và các khoáng chất tạo xương, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi đó là chất Kẽm, vai trò của kẽm rất quan trọng và đa dạng. Kẽm có nhiều trong các loại thức ăn nguồn gốc từ thủy hải sản, đặc biệt là các loài nhuyễn thể.
Do vậy để trẻ phát triển thể lực và chiều cao tốt, bắt đầu từ thời kỳ ăn sam (từ tháng thứ 7) trở đi, bên cạnh sữa mẹ thì trẻ phải được ăn đầy đủ 4 nhóm thức ăn chính:
+ Nhóm chất Đạm: Thịt, Lươn-Tôm-Cá, trứng, sữa, Đậu đỗ…
+ Nhóm chất Đường bột: Các loại ngũ cốc, khoai củ…
+ Nhóm Chất béo: Dầu, mỡ, vừng, lạc,….
+ Nhóm các Vi ta min và khoáng chất: Rau, đậu, củ, quả, gan cá …
Trẻ ở độ tuổi lớn hơn, cùng ăn bữa cơm với gia đình vẫn nên có một chế độ ăn riêng, hoặc thức ăn ưu tiên giầu chất dinh dưỡng và khoáng chất vi lượng quan trọng, không chỉ lựa chọn những thức ăn có nhiều Can xi.
8. Nên cho trẻ uống sữa như thế nào để tận dụng tôi đa nguồn dưỡng chất?
• BS. AN:
Sữa có thể uống vào bữa sáng để bù nhanh các chất dinh dưỡng cho trẻ sau một đêm cơ thể không được nạp năng lượng, Buổi chiều sau giờ trẻ đi học về hoặc buổi tối trước khi trẻ đi ngủ khoảng 30 phút đều rất tốt cho trẻ. Tuy nhiên, Uống sữa buổi tối mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, vì khi bạn uống sữa vào buổi tối sẽ cung cấp cho cơ thể những cơ hội tốt nhất hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng và đồng thời còn giúp cho trẻ có giấc ngủ ngon và sâu hơn./.