26/07/2016 - 11:35 am
0
“Con sâu bỏ rầu nồi canh” đó là cách nói của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về thái độ hách dịch, cửa quyền, thậm chí là thiếu y đức của một số cá nhân phục vụ trong ngành Y tế. Những cá nhân này, vô hình chung, tạo nên một con sóng ngầm trong xã hội về một cái nhìn thiếu thiện cảm đối với những người mặc áo blue trắng. Tại sao lại có tình trạng này?
Từ chuyện tuyển y bác sĩ của một Trung tâm y tế
Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội là một đơn vị ngoài công lập. Sau 5 năm thành lập, một trong những dịch vụ được nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội biết đến đó là dịch vụ thăm khám và điều trị bệnh tại nhà. Mỗi khi có một cuộc điện thoại yêu cầu, các y bác sĩ ở đây phải chuẩn bị dụng cụ y tế cần thiết và khẩn trương tìm đến nhà bệnh nhân thăm khám, tư vấn và điều trị. Tính ra, mỗi một ca bệnh, kể cả quãng đường đi lại, các y bác sĩ có thể phải mất gần 1 buổi.
Thế nhưng, cũng chính vì công việc có phần khá “đặc biệt” của các y bác sĩ ở đây, mà nhiều lần trung tâm đã gặp khó khăn trong việc tuyển người và giữ người. Theo bác sĩ Nguyễn Tá Dũng, Giám đốc Trung tâm bác sĩ gia đình, Trung tâm sẵn sàng nhận các bác sĩ mới ra trường để họ có cơ hội vừa được làm, vừa được đào tạo cho phù hợp với chuyên ngành bác sĩ gia đình. Tuy nhiên, có rất nhiều bạn trẻ, sau khi được nhận vào làm việc tại trung tâm đã từ bỏ.
“Hầu hết, họ không có thói quen tìm đến tận nhà bệnh nhân để thăm khám. Mỗi ca khám bệnh ít nhất 45 phút. Nhiều bạn trẻ bộc lộ: Họ cũng được ăn học đàng hoàng như ai, thì họ cũng phải có được cái “quyền” ngồi một chỗ, và bệnh nhân tìm đến để “được” thăm khám như ai chứ? Họ không thể quen được với hình ảnh bác sĩ, trưa nắng, đi xe máy,…tìm nhà bệnh nhân để thăm khám”- Anh Dũng cho biết thêm.
Đến việc cửa quyền và có những “con sâu làm rầu nồi canh”
Thái độ hách dịch, cửa quyền, ban ơn, …thậm chí là thiếu y đức của một số nhân viên y tế là những biểu hiện của những “con sâu làm rầu nồi canh”. Điều này liệu có phải bắt nguồn từ tâm lí xin – cho của người bệnh – bác sĩ?
Ông Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế thừa nhận, còn có nhiều người cán bộ y tế có hành vi, thói quen trong giao tiếp, ứng xử không phù hợp, không thân thiện và không mang bản chất nhân văn của người cán bộ y tế. Nhất là những cán bộ trẻ. Một số cán bộ y tế còn cứng nhắc trong giao tiếp, ứng xử với người bệnh, nhận thức của một bộ phận cán bộ y tế còn chậm chuyển đổi, mang nặng về tâm lý “xin – cho”, “ban ơn”, chưa xác định được người bệnh là trung tâm, là đối tượng phục vụ … nên còn có tình trạng hách dịch, quát mắng người bệnh.
Xếp hàng nộp tiền viện phí ở một bệnh viện công |
Theo ông Tác, tình trạng này có căn nguyên từ việc thiếu nhân lực kể cả về lĩnh vực chuyên môn y tế cũng như các lĩnh vực chuyên môn hỗ trợ.Thiếu nguồn lực để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải tạo cảnh quan môi trường hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thiếu kỹ năng ứng xử với các sự cố truyền thông, chưa chủ động cung cấp thông tin để định hướng dư luận về những thực trạng hoạt động của bệnh viện.
Tuy nhiên, TS. BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng lại có cách lí giải hoàn toàn khác. Ông cho rằng, những than phiền về thái độ của bác sĩ hầu hết là nằm ở những bệnh viện công lập. Cùng một người bác sĩ, nếu ở một môi trường công, họ có thể bị người bệnh và người nhà bệnh nhân than phiền, nhưng bước sang môi trường tư nhân, họ sẽ phục vụ hoàn toàn khác. Như vậy, mấu chốt ở đây, là vấn đề công – tư.
Ở môi trường công, người dân vẫn hiểu đó là của chung, được hình thành và hoạt động từ sự đóng thuế của nhân dân. Người dân ý thức rằng, họ có quyền được hưởng sự chăm sóc và thăm khám của nhân viên y tế, bác sĩ làm trong bệnh viện công phải có nghĩa vụ, trách nhiệm với công việc được giao. Người dân sẽ phản ứng nếu nhân viên y tế có thái độ không đúng hay thu thêm những khoản tiền không theo quy định.
Còn ở môi trường tư, là sự sòng phẳng giữa một bên là người làm dịch vụ và một bên là người sử dụng dịch vụ. Khi người dân tự nguyện chấp nhận bỏ tiền ra để được nhận dịch vụ chăm sóc về y tế thì nhân viên y tế ý thức rằng người bệnh quyết định uy tín và thu nhập của họ, và họ cần phải chăm sóc người bệnh với cử chỉ, ánh mắt, thái độ…thân thiện, đúng mực.
“Môi trường y tế công được thừa hưởng cả một “di sản” bao nhiêu năm để lại, các bệnh viện công trong thời gian vừa qua gần như thiếu những giám sát độc lập, và khá tự chủ trong hoạt động, nói cách khác là muốn làm gì thì làm, thậm chí một số cơ sở mang tính chất “độc quyền cung cấp dịch vụ”! Không bị rơi vào tình trạng phải “cạnh tranh để tồn tại” lâu ngày hình thành nếp nghĩ và cách làm việc cửa quyền của một số nhân viên y tế trong các cơ sở y tế công, đặc biệt ở tuyến trên. Chính thái độ cửa quyền là căn nguyên của việc khó chịu của người dân đối với các cơ sở y tế công. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả mà chúng ta đã thấy trong thời gian qua’- Ông Trần Tuấn thẳng thắn nhận định.