14/04/2016 - 12:58 pm
0
Luật Trẻ em vừa được Quốc hội thông qua ngày 5/4/2016 thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Luật có 7 chương, 106 điều, tạo thêm nhiều quyền cho trẻ em.
BS. Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng đã có buổi trò chuyện với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô về vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về những điểm mới trong Luật Trẻ em?
Luật Trẻ em mới tăng 2 Chương và 46 Điều so với Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2014 (5 Chương, 60 Điều). Những điều khoản mới trong Luật Trẻ em vừa được thông qua nhằm tạo khung pháp lý để bảo vệ, chăm sóc, trẻ em tốt hơn. Cụ thể: Luật Trẻ em bổ sung nguyên tắc thực hiện quyền trẻ em; Quy định cụ thể 36 quyền cơ bản của trẻ em, trong đó có “Quyền bí mật đời sống riêng tư”; Bổ sung 2 Chương mới về Bảo vệ trẻ em (BVTE) và Trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Đặc biệt, trong Chương Bảo vệ trẻ em có 27 Điều quy định rõ về “3 cấp độ bảo BVTE: Phòng ngừa – Hỗ trợ và Can thiệp ”, “Hệ thống cung cấp dịch vụ BVTE” và 10 điều quy định về “Chăm sóc thay thế”.
Việc quy định trong Luật Trẻ em về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ được coi là bước tiến bộ mới, thể hiện tính ưu việt của Luật pháp trong bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em, đảm bảo hài hòa với Công ước quốc tế; và đúng với nội dung Hiến pháp năm 2013 quy định trẻ em có quyền công dân, quyền con người, phải được tôn trọng các bí mật đời tư.
So với Luật cũ, trong Luật Trẻ em, trẻ em sẽ được “nâng quyền” như thế nào, thưa ông?
Không chỉ quy định cụ thể 36 quyền của trẻ em, Luật Trẻ em còn quy định về trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm điều kiện để tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng trẻ em thực hiện nhiệm vụ của mình. Đối với việc bảo đảm các quyền dân sự của trẻ em, Luật nêu rõ: Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; đại diện cho trẻ em trong các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trong trường hợp để trẻ em thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật. Trường hợp trẻ em gây thiệt hại cho người khác thì cha, mẹ, người giám hộ phải bồi thường thiệt hại do hành vi của trẻ em đó gây ra theo quy định của pháp luật.
Thời gian gần đây, nhiều vụ trẻ bị bạo hành, bị xâm hại đã xảy ra gây chấn động dư luận. Trong Luật trẻ em có thêm quy định để bảo vệ trẻ em trong vấn đề này?
Luật Trẻ em mới có bổ sung một Chương về Bảo vệ trẻ em, trong đó có quy định 2 điều khoản mới nhằm xác định trách nhiệm của Chính phủ trong khâu phòng ngừa và hỗ trợ can thiệp như: Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm, quy trình, thủ tục xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay. Ông có thể cho biết Luật Trẻ em đã đưa vấn đề này vào trong Luật?
Cùng với sự gia tăng chóng mặt của các dịch vụ trực tuyến (online), nhiều trẻ em bị ảnh hưởng từ không gian ảo do tiếp cận với mạng xã hội; game online. Thậm chí, nhiều em đã bị đe dọa, đánh đập do tranh đoạt các “tài sản ảo” từ game; bị quấy nhiễu thông qua mạng xã hội Skype, Zalo, Viber dẫn đến các vụ bạo lực, đâm chém, tự tử ở trẻ em, gây mất trật tự xã hội và vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng thực trạng này đang trở nên trầm trọng và đáng báo động. Do vậy, trong Luật mới đã bổ sung quy định bảo vệ trẻ em qua môi trường mạng tại Điều 54. Trong đó, trẻ em khi tham gia môi trường mạng cần được giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ biết tự bảo vệ mình. Các cơ quan, tổ chức quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trong môi trường mạng phải bảo đảm sự an toàn và quyền riêng tư cho trẻ em, không để trẻ bị xâm hại tính mạng, danh dự, nhân phẩm và có hình thức xử lý thích đáng, kịp thời đối tượng phạm tội đối với trẻ em.
Từ ngày 1/6/2017 khi Luật mới có hiệu lực thi hành, trẻ em Việt Nam sẽ được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn và toàn diện hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là Luật quy định khung, nhiều điều khoản khi thực hiện phải viện dẫn và áp dụng các quy định của nhiều Luật khác như: Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Lao động, Luật hôn nhân gia đình… Do đó, Nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện các điều khoản đã được Luật trẻ em quy định cần sớm được xây dựng, để Luật nhanh chóng đi vào thực tiễn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Phụ nữ Thủ đô- Quỳnh An (thực hiện)