5/01/2016 - 1:03 pm
0
RTCCD/EBHPD tổ chức Hội thảo “Bảo hiểm Y tế hộ gia đình và Chính quyền cấp xã triển khai Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi 2014.” để cùng nhìn lại kết quả hoạt động, giải đáp thắc mắc của công luận và tìm hướng giải quyết cho các vấn đề tồn tại sau một năm thực hiện nghiên cứu và hoạt động tư vấn phản biện triển khai Luật BHYT sửa đổi 2014.
Ngày 4/1/2016, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD)/ Liên minh thúc đẩy phát triển chính sách y tế dựa vào bằng chứng khoa học (EBHPD) phối hợp với Ủy ban về các Vấn đề xã hội-Quốc hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo trình bày kết quả hoạt động và những vướng mắc sau một năm triển khai mô hình Bảo hiểm Y tế hộ gia đình và Chính quyền cấp xã triển khai Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi 2014.
Hội thảo được điều hành bởi Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề Xã hội – Quốc hội, Nguyễn Văn Tiên, Phó trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT- Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Vũ Xuân Bằng, BS.TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) cùng sự tham dự của hơn 90 đại biểu là các lãnh đạo Ban ngành, đoàn thể Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, Viện Khoa học Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đại diện chính quyền cấp xã, các tổ chức trong và ngoài nước và nhiều cơ quan truyển thông, báo chí.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tiên đã nêu bật vai trò của chính quyền cấp xã trong vận động người dân tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình và hướng tới BHYT toàn dân. Ông tóm tắt qua về Luật BHYT sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2014 đã quyết định Luật BHYT sửa đổi theo hướng tất cả các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, kể cả nhóm tự nguyện trước kia. BHYT hộ gia đình được giảm trừ mức đóng theo số người trong hộ. Đây là xu hướng chung ở nhiều nước trên thế giới. Luật cũng mở rộng diện ngân sách hỗ trợ, như: dân vùng biển, đảo, địa phương hỗ trợ thêm để hẹp dần nhóm theo hộ gia đình.
BS.TS. Trần Tuấn, Trưởng Ban thường trực hành động Liên minh EBHPD, Giám đốc RTCCD, đơn vị được Bộ Y tế giao nhiệm vụ vị trí đầu mối phát triển hợp phần y tế dự phòng trong gói dịch vụ y tế cơ bản (DVYT) do BHYT chi trả và chiến lược truyền thông của chương trình đã trình bày báo cáo kết quả đã đạt được tại 2 địa phương thí điểm Hà nội và Hà Nam.
Trong năm qua, RTCCD đã phát triển khung hành động xây dựng gói dịch vụ y tế (DVYT) cơ bản (một nội dung quan trọng trong Luật BHYT sửa đổi 2014) tập trung ở 2 cấp: Cấp vĩ mô, do Vụ kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) chủ trì, đặc trách phần phát triển cách thức xây dựng gói DVYT dự phòng cơ bản do BHYT chi trả, và phát triển kế hoạch nghiên cứu quản trị hệ thống tiêm chủng nhằm đưa dịch vụ tiêm chủng cơ bản cho trẻ em vào gói dịch vụ YTDP cơ bản do BHYT chi trả. Ở cấp vi mô,RTCCD phát triển nghiên cứu thực địa về gói giáo dục chăm sóc đầu đời tuyến chăm sóc sức khỏe khỏe ban đầu vì sựa phát triển toàn diện của trẻ và phát triển Phòng khám Cây Thông Xanh thực hành chăm sóc tuyến ban đầu về can thiệp dự phòng, điều trị, chăm sóc cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Đặc biệt, mô hình chính quyền cấp xã triển khai Luật BHYT sửa đổi 2014 của RTCCD đã đạt nhiều thành tích khả quan, góp phần nhân rộng và phổ biển chính sách BHYT hộ gia đình trên khắp các địa phương. RTCCD nghiên cứu, triển khai mô hình Chính quyền cấp xã quản lý đối tượng và thực hiện BHYT hộ gia đình tại xã Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội. Cụ thể, cấp thôn sẽ có sổ cái quản lý lồng ghép đối tượng BHYT theo hộ gia đình; ở cấp xã sẽ có phần mềm quản lý đối tượng toàn xã và truy xuất phục vụ các mục tiêu cung cấp bằng chứng, số liệu cho BHXHVN và BYT triển khai văn bản pháp quy hướng dẫn thực thi Luật BHYT sửa đổi 2014.
Mục tiêu cụ thể của mô hình này là giúp đơn giản, hiệu quả trên toàn hệ thống, thông tin chính xác, không tốn nhân lực, giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đồng thời, thuận tiện trong truy xuất thông tin, dễ dàng phát hiện sai sót, tăng khả năng cập nhật kịp thời thông tin, phục vụ cho lập kế hoạch.
Trong Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thảo luận về đề xuất cho mô hình BHYT hộ gia đình. Đa số các ý kiền đều đồng tình với mô hình Chính quyền cấp xã quản lý đối tượng và thực hiện BHYT hộ gia đình của RTCCD vì nó có tính bền vững, lâu dài khi tập trung củng cố năng lực chính quyền cấp xã, tạo ra sự thi đua giữa các xã và cán bộ thôn, xã cũng chính là cầu nối giữa người dân và các cấp lãnh đạo, là người nắm rõ, cụ thể và cập nhật nhanh nhất tình hình của người dân.
Ông Bùi Viết Tĩnh, Viện trưởng Viện Khoa học BHXH Việt Nam chia sẻ quan điểm từ phía Cơ quan cấp thẻ BHYT. Bảo hiểm xã hội đang chỉ đạo triển khai một các quyết liệt Luật BHYT sửa đổi 2014 để tránh tình trạng trùng thể, chậm thẻ, sai thẻ. Tuy nhiên, cả hai mô hình của RTCCD cũng như Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra chỉ có thể hạn chế tình trạng trùng thể chứ không thể giải quyết tận gốc vấn đề này. Nguyên nhân là do BHXH chỉ lọc được phần danh sách mà họ có, trong khi tại địa phương còn nhiều đơn vị cấp thẻ BHYT khác như Công an, Quân đội và Ban Cơ yếu Chính phủ. Tuy nhiên, khi thống kê, Chính quyền cấp tỉnh chỉ cung cấp số lượng thẻ chứ không thông báo tên đối tượng mua thẻ. Ông cũng cho rằng vấn đề chậm thẻ không hoàn toàn là lỗi của cơ quan BHYT mà là do Cán bộ cấp thôn, xã chậm trễ trong việc phát thẻ cũng như do diều kiện di chuyển khó khăn ở khu vục miền núi.
Đại diện Chính quyền cấp xã Tân Dân, xã thí điểm cho mô hình của RTCCD, Bà Nguyễn Thị Hương đồng tình với mô hình của RTCCD: “Các chuyên viên của RTCCD đã xuống tận địa phương hướng dẫn cán bộ xã điều tra và nhập liệu các đối tượng BHYT hộ gia đình vào phần mềm và sổ cái, do vậy khi chuyển sang Phiếu điều tra xã hội của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các cán bộ đã rất thân thuộc và không gặp bất cứ khó khăn gì.”
Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ông Vũ Xuân Bằng cho rằng BHYT là phục vụ lợi ích của nhân dân, do vậy cần khuyến khích, vận động người dân tham gia mua BHYT. Sau khi hoàn thành nhập liệu, thống kê danh sách, chính quyền cấp xã tham gia vận động người dân chưa có BHYT mua BHYT. Để mô hình BHYT toàn dân thành công, chúng ta chưa nên thực hiện cơ chế “bắt buộc” mà phải “vận động”, khuyến khích sự tự nguyện của người dân bằng nhiều hình thức đề BHYT dần đi vào ý thức và cuộc sống người dân.
Đồng quan điểm với Ông Vũ Xuân Bằng, TS. Nguyễn Văn Tiên cho rằng việc trước mắt là phải vận động tận nhà chứ không nên chờ người dân đến mua như hiện nay và để làm được điều này, cần phải có đội ngũ cộng tác viên tích cực đến từng nhà, nhất là dịp lễ, tết để vận động thân nhân mua bảo hiểm y tế như công tác dân số kế hoạch hóa gia đình.
Một số hình ảnh của Hội thảo:
Hồng Hạnh