- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Xã hội dân sự tham gia kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiang

Với mục tiêu cung cấp quan điểm chính thức về amiang, đồng thời khẳng định vai trò và kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ hơn của các tổ chức xã hội dân sự trong chương trình hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiang, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Vai trò của tổ chức xã hội dân sự với chương trình thanh toán bệnh liên quan tới amiang ở Việt Nam” vào ngày 22 tháng 9 năm 2015.

Thành phần ban chủ tọa hội thảo bao gồm GS. TS. Nguyễn An Lương, Chủ tịch hội An Toàn Vệ Sinh Lao Động, TS. Lương Mai Anh, Phó cục trưởng Cục Môi trường y tế (VIHEMA) – Bộ Y tế, TS. Phan Tùng Mậu, Phó chủ tịch VUSTA và TS. Trần Tuấn, trưởng ban thường trực hành động của liên minh Vận động chính sách y tế (EBHPD).

Như thường thấy, các bài trình bày của Bộ Y tế, EBHPD cũng như các phát biểu của Vn-BAN, WHO, APHEDA, ILO… đều rất cụ thể và thống nhất quan điểm đòi hỏi các ban ngành của chính phủ hành động càng sớm càng tốt theo tinh thần của công văn 7307/VPCP-KGVX.

Đại diện Cục Quản lý Môi trường Y tế – Bộ Y tế, TS. Lương Mai Anh đã trình bày nội Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến Amiăng. Bộ Y tế hoan nghênh các nỗ lực vận động cấm sử dụng amiang của các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam mà đại diện là Mạng vận động cấm sử dụng amiang tại Việ t Nam (Vn-BAN). Bộ Y tế sẽ là đầu mối của các cơ quan nhà nước trong quá trình vận động này để làm việc với Bộ Xây dựng và cơ quan nhà nước liên quan để triển khai thực thi lộ trình cấm sử dụng Amiang tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể.

Điểm sáng tại hội thảo lần này chính là sự thể hiện quan điểm của VUSTA và quyết tâm của Ủy ban Dân tộc Miền núi của Chính phủ với vấn đề amiang ở khu vực đồng bào miền núi, nơi tỷ lệ sử dụng tấm lợp chứa amiang chiếm trên 80% các hộ gia đình, theo số liệu nghiên cứu của EBHPD.

TS. Phan Tùng Mậu, Phó chủ tịch VUSTA, trong bài phát biểu đã thể hiện đúng những gì Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế, các tổ chức XHDS như Vn-BAN, EBHPD, RTCCD, NGO-IC… mong đợi từ bấy lâu nay, một tiếng nói dứt khoát về tác hại của amiang tới sức khỏe cộng đồng và môi trường sống. Một sự khẳng định chuyển đổi trong truyền thông tới đây bằng việc đề nghị Bộ Y tế phối hợp với VUSTA tổ chức tập huấn cho toàn bộ hơn 100 cơ quan báo chí với hơn 400 nhà báo, tạp chí của VUSTA về tác hại của amiang để thống nhất thông điệp từ cơ quan ngôn luận của VUSTA ra với bên ngoài. Đây là sự thay đổi rất rất có ý nghĩa, thống nhất quan điểm của giới khoa học Việt Nam, dập tắt các phát biểu sai sự thật dưới danh nghĩa của VUSTA, ủng hộ phái thủ lợi amiang trong thời gian vừa qua.

IMG_9616 [1]

Thứ trưởng Hoàng Xuân Lương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Miền núi cho biết Ủy ban rất quan tâm đến những vấn đề được trình bày tại hội thảo này. Hiện tại, ở nhiều vùng miền núi, hải đảo, tấm lợp Amiang đã và đang được sử dụng phổ biến và nguy cơ phơi nhiễm Amiang của đồng bào miền núi, vùng khó khăn là có thể thấy rất rõ. Trước những thông tin về tác hại của Amiang với cộng đồng, Ủy ban Dân tộc Miền núi cam kết sẽ có các hành động cụ thể thanh tra thực tế việc sử dụng vật liệu có chứa Amiang ở các địa phương, vận động trực tiếp các địa phương chủ động ngừng sử dụng Amiang. Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc cũng sẽ tiến tới việc ngừng sử dụng ngân sách nhà nước để mua các tấm lợp có chứa Amiang dùng trong các dự án hỗ trợ nhà ở cho đồng bào miền núi.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh thêm Ủy ban sẽ giao ban với 25 cơ quan báo chí, truyền hình trong chương trình chuyên phục vụ đồng bào dân tộc miền núi để thực hiện chấn chỉnh công tác truyền thông liên quan tới amiang, thống nhất theo thông tin từ Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới.

Thay mặt cho các tổ chức xã hội dân sự, TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và Phát triển Cộng đồng (RTCCD), đại diện Liên minh Vận động Chính sách Y tế trên cơ sở bằng chứng khoa học (EBHPD) đã điểm qua hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự trong thời gian qua và xác định cụ thể các hoạt động các tổ chức xã hội dân sự có thể đóng góp cho quá trình vận động chính sách, đặc biệt nhấn mạnh các hoạt động như xác định đối tượng chịu ảnh hưởng của amiang, mức độ phổ biến của vật liệu amiang, nghiên cứu ước lượng tác hại của amiang…

Trong vòng một tháng, các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế tổ chức thành công hai sự kiện rất có ý nghĩa trên bước đường vận động chính sách cấm sử dụng amiang ở Việt Nam vào năm 2020 và thực hiện thanh toán bệnh liên quan đến amiang theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới.

Hội thảo được tổ chức nằm trong khuôn khổ dự án Vận động cấm sử dụng amiang tại Việt Nam của Liên minh Vận động chính sách y tế (EBHPD) và Vn-BAN.