- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

“TRUYỀN THÔNG PHÒNG CHỐNG BỆNH DỊCH COVID-19 VÀ VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI”: TÓM TẮT KẾT QUẢ HỘI LUẬN VÀ KHUYẾN CÁO

Hội luận Zoom video này tổ chức vào 11h sáng (giờ hà nội) chủ nhật 23/2/2020, kéo dài tới 2 tiếng. Do zoom ID không phổ cập rộng trước giờ lên sóng để giảm thiểu tối đa các nguy cơ bất lợi về kỹ thuật, và vài thời điểm trong hội luận vẫn bị trục trặc đường truyền, đã hạn chế đáng kể sự tiếp cận của người quan tâm. Để khắc phục và giúp tiếp cận nhanh nhất nội dung hội luận, chúng tôi cố gắng tóm tắt và có bổ xung một số điểm cho mạch lạc, rõ ý mà việc lên sóng chưa cho phép thể hiện.
Do nội dung trao đổi rộng, chúng tôi tách đăng thành hai kỳ.
Dưới đây là kỳ 1.

CÁC CHUYÊN GIA

Hội luận có được sự tham gia trực tiếp của 6 chuyên gia đến từ:
1. Phan Sĩ Quốc- Bác sĩ nội khoa, bệnh viện La Renaissance Sanitaire & BV Bichat/ Paris, Cộng hòa Pháp.
2.Phan Đình Hiệp, Bác sĩ gia đình, Melbourne, Australia.
3.Nguyễn Huy Nga, Tiến sĩ y tế công cộng; Giáo sư trường đại học Quang Trung ,Quy Nhơn; Nguyên cục trưởng cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế). .
4.Trần Tuấn, Tiến sĩ dịch tễ học và sức khỏe dân số, bác sĩ y học dự phòng, trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), Hà nội.
5.Hồ Đắc Ngã, Phó giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành marketing, đại học San Franciso State, Mỹ.
6.Phạm Hùng Vân, Phó giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành vi sinh. Chủ tịch hội Vi Sinh Lâm Sàng, thành phố HCM- Nguyên giảng viên đại học Y-Dược, tp HCM.

(Ông Nguyễn Lân Hiếu, PGS.TS. BS chuyên ngành tim mạch, đại học Y Hà nội- Đại biểu quốc hội khóa XIV, tham gia 35 phút đầu nhưng không xuất hiện trên livestream do đang trên đường đi công tác).

NỘI DUNG TRAO ĐỔI VÀ KẾT QUẢ

Hội luận bắt đầu bằng câu hỏi nhận định hiện trạng chung công tác phòng chống dịch trong gần 2 tháng qua, tiếp nối bằng 3 câu hỏi giải thích hiện trạng xoay quanh chủ đề phân tích truyền thông cho mục tiêu phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả. Vai trò của WHO được liên hệ trong quá trình giải thích hiện trạng. Hội luận kết thúc bằng câu hỏi kiến nghị đưa ra, có tập trung cho Việt Nam.

Thảo luạn 1- Nhận định tình hình- Có hay không tình trạng chủ quan hoặc hoang mang, hoảng loạn về tình hình dịch trên bình diện quốc tế và trong nước?

Câu trả lời thống nhất là có! Hiện trạng “chủ quan, lơ là” cùng tồn tại một cách mâu thuẫn với “lúng túng, hoang mang” cả với chủ thể có trách nhiệm ra chính sách phòng chống bình diện toàn cầu hay quốc gia, và với toàn xã hội nói chung. Chính “chủ quan” đi trước, là gốc gác đưa đến “lúng túng, hoang mang”, phát triển đến độ khủng hoảng sâu rộng ở nơi dịch xuất phát (Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung quốc), và có nguy cơ phát triển ở mức độ thấp hơn ở một số nước dịch lan tới có giao thương mạnh mẽ với Trung quốc (Tài liệu đọc thêm: 1).

Chính phủ một số nước đã thừa nhận thực tế này (Trung quốc, Hàn quốc,…). Tiếng nói phê phán WHO trong vai trò định hướng chính sách toàn cầu phòng chống dịch COVID-19 đã xuất hiện trên bình diện truyền thông quốc tế gần đây. (tài liệu đọc thêm: 2).
Lãnh đạo của WHO ngày 22/2 đã cảnh báo, cơ hôi khống chế được dịch đang hẹp dần, chính phủ các nước nếu không cảnh giác cao độ, bất kỳ tình huống xấu nào cũng có thể xẩy ra trong thời gian tới! (Tài liệu tham khảo: 3)

Thảo luận 2: Thông tin khoa học phục vụ truyền thông phòng chống dịch COVID-19 có điểm gì đạt, chưa đạt trong thời gian qua để giải thích hiện trang trên? Vai trò của WHO đến đâu?

Hội luận đưa ra nhận định:

– Điểm sáng của thông tin khoa học phục vụ phòng chống dịch COVID-19 là đã xác định được đúng căn nguyên dịch: Vi rút Corona chủng mới, cùng nhóm với căn nguyên gây dịch bệnh đường hô hấp SARS (2002-03), MERS (2012); đã sớm giải mã được bộ gien chỉ một tuần sau công bố có dịch với WHO (31/12/2019) và tới 10/1 bộ gen giải mã đã được chia sẽ rộng rãi trong cộng đồng khoa học quốc tế. Các thông tin này đủ tạo cơ sở cho phép định loại dịch bệnh xuất hiện (lây nhiễm đường hô hấp), xác định tổng thể đường lối điều trị ( không có thuốc đặc trị; nâng thể trạng, chăm sóc tâm lý, chống nhiễm trùng cơ hội, ngăn chặn sự phát triển của các bệnh khác, hỗ trợ chống suy hô hấp khi viêm phổi lan tỏa…), và kịp thời mở đường cho phát triển xét nghiệm chuyên sâu định bệnh chính xác về mặt khoa học, làm cơ sở cho đo lường các tỷ lệ dịch tễ học phục vụ phòng chống dịch.

Hội luận thống nhất ý kiến chung của giới khoa học quốc tế (trong đó có nguồn từ WHO) bác bỏ giả thuyết vi rút gây dịch được tạo ra từ phòng thí nghiệm, bác bỏ thuyết âm mưu chiến tranh sinh học (Tài liệu tham khảo 4).

– Điểm tối trong thông tin khoa học phục vụ phòng chống dịch COVID-19 chủ yếu đến từ tình trạng chậm có kết quả nghiên cứu làm sáng tỏ các câu hỏi dịch tễ học làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch phòng chống lan truyền trong cộng đồng , khiến dịch lan nhanh trước khi WHO và chính phủ các nước vào cuộc. Cụ thể: Chậm nghiên cứu xác định bệnh có cơ chế lây truyền từ người sang người; Chậm xác định lây nhiễm xẩy ra ngay từ giai đoạn ủ bệnh, chậm làm sáng tỏ đường lây nhiễm có thể (hô hấp, tiêu hóa..), chậm làm sáng tỏ nhóm nguy cơ cao lây nhiễm và lâm bệnh năng… Trong suốt thời kỳ dịch diễn tiến, dường như không có (hoặc có nhưng không công bố?) điều tra dịch tễ học cộng đồng làm cơ sở xác định tỷ lệ hiện mắc, tỷ lệ mới mắc, tỷ lệ chết/mắc.. mà số thống kê nhiễm, bệnh, tử vong..dường như căn cứ theo báo cáo số đến hệ thống y tế điều trị.
– Thực tế đó được hội luận đánh giá là rất căn bản, nghiêm trọng, khiến việc nhận định về mức độ lưu hành của bệnh và tiên lượng sự phát triển dịch trở nên thiếu cơ sở khoa học, không chỉ cho vùng tâm dịch, mà rộng ra toàn bộ phạm vi liên đới tại Trung quốc và quốc tế! Đây là điều đáng rút kinh nghiệm nhất, trong công tác khống chế dịch COVID-19. Yếu điểm này là dường như phản ánh lối làm việc quan liêu “phòng chống dịch thiếu sự dẫn đường của khoa học dịch tễ học” !
– Việc WHO không có những can thiệp kịp thời để thúc đẩy triển khai nghiên cứu dịch tễ học thực địa sớm tại Vũ Hán, chấp nhận và tin tưởng sử dụng nguồn thông tin chính quyền Trung quốc cung cấp để phát triển khuyến cáo cho toàn cầu, phải xem là một thiếu sót đáng kể, có ảnh hưởng đến mức độ lây lan dịch và chất lượng truyền thông phòng chống dịch hiệu quả trên toàn cầu trong giai đoạn vừa qua.
(Có ý kiến trong hội luân nêu WHO làm đúng trách nhiệm, đã đến Vũ Hán kịp thời! Tuy nhiên, căn cứ vào thông tin từ báo cáo diễn biến dịch trên trang web của WHO, xác định: Vào 31/12/2019 khi Trung quốc công bố với WHO về xuất hiện dịch bệnh tại Vũ Hán, các câu hỏi cơ bản trong dịch tễ học như có lây từ người sang người? Có lây trong thời kỳ ủ bệnh? Dịch đã lan ra cộng đồng? Tỷ lệ nhiễm/mắc bệnh/chết trong cộng đồng là bao nhiêu? Nhóm nguy cơ cao là đâu?… đều chưa được làm sáng tỏ. Tình trạng này duy trì cả đến khi thực hiện phong tỏa Vũ Hán 23/1 và Hồ Bắc 25/1. Kể cả khi khoa học khẳng định dịch lây truyền từ người sang người, thì 10 ngày sau WHO mới ra khuyến cáo tình trạng khẩn cấp toàn cầu (30/1).Và tới 17/2 đoàn chuyên gia của WHO mới vào Trung quốc, 23/2 mới đến tâm dịch Vũ Hán để điểu tra! Tới 24/2 mới có báo cáo sơ bộ kết quả đợt thực địa 19-24/2 (tài liệu tham khảo số 3- Báo cáo số 36). Tổng giám đốc của WHO trên truyền thông quốc tế luôn phát biểu khen ngợi Trung quốc phòng chống dịch COVID-19, bất chấp thực tế diễn ra ở Vũ Hán và sự lan rộng của dịch ra tới 22 nước tính đến ngày công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu 30/1/2020).
(Hết phần 1).

Tài liệu tham khảo cho phần 1:
1.http://khoahocphattrien.vn/…/d…/20200220093026606p1c785.htm… [1].
2.https://www.fairobserver.com/…/china-coronavirus-outbreak-…/ [2])
3.https://www.who.int/…/novel-coronavirus-2…/situation-reports [3] (36 số, đi từ số 1 ra ngày 21/1 tới nay). Với các bạn muốn đọc bài chi tiết hơn đăng trên Lancet: https://www.thelancet.com/…/PIIS0140-6736(20)3041…/fulltext… [4]. Trường hợp không vào được, gửi email: trantuan.ncdvn@gmail.com tôi sẽ gửi file pdf.
4.https://www.sciencemag.org/…/scientists-strongly-condemn-ru… [5]