- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Nghiên cứu: Mô hình trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Bán trú – Cơ hội mới hay hạn chế dành cho học sinh dân tộc thiểu số

Vừa qua, quá trình thu thập thông tin ở 3 tỉnh Lào Cai, Kon Tum và Ninh Thuận cho Nghiên cứu Tình hình Học tập, Sức khỏe và Phát triển của Học sinh tại các trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Bán trú [1] đã diễn ra thành công tốt đẹp với hơn 400 em học sinh tại 18 trường. 

Nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng (RTCCD), dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn Toàn cầu IDinsight và tài trợ bởi Tổ chức UNICEF Việt Nam [2]. Nghiên cứu đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cấp phép và hỗ trợ. Nghiên cứu này nhằm xem xét mô hình các Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú và Bán trú (PTDT NTBT) như một chiến lược nhằm cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng giáo dục cũng như cơ hội được đào tạo kỹ năng cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) tại Việt Nam, dựa trên góc độ tiếp cận về quyền trẻ em.

Chiến lược cải thiện chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS qua mô hình trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Bán trú tại Việt Nam

Kể từ năm 1985, Chính phủ đã thành lập các trường PTDT NTNT cho học sinh DTTS. Mục tiêu của các trường này là cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục ở những khu vực có mật độ dân tộc thiểu số cao, với kết quả đầu ra là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong khu vực công tại vùng DTTS. Chính phủ coi mô hình trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Bán trú là một loại hình đầu tư quan trọng vào giáo dục cho học sinh DTTS và có kế hoạch tiếp tục mở rộng mô hình trường PTDT NTBT tại các vùng có mật độ DTTS cao.

Tuy nhiên, đánh giá của nhóm nghiên cứu về các chính sách giáo dục ở Việt Nam và việc thực hiện đào tạo tại các trường PTDT NTBT cho thấy mô hình trường cho trẻ em DTTS là một vấn đề phức tạp, đưa đến đồng thời các tác động tích cực và tiêu cực cho học sinh và cộng đồng DTTS tại Việt Nam. 

trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Bán trú [3]

Chính phú Việt Nam có kế hoạch tiếp tục mở rộng mô hình trường NTBT tại các vùng có mật độ DTTS cao

Trong khi một số học sinh có thể được hưởng lợi từ các cơ hội và điều kiện sống tốt hơn trong các trường nội trú, chẳng hạn như cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục, dinh dưỡng và tăng tính tiếp cận và hòa nhập xã hội, một số học sinh DTTS khác có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tâm trí và mất văn hóa bản sắc dân tộc. Một số các yếu tố cản trở bao gồm: 

Với những vấn đề được thừa nhận trong việc thực hiện mô hình trường PTDT NTBT hiện tại và trong bối cảnh Chính phủ có kế hoạch tiếp tục mở rộng mô hình trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Bán trú, chúng ta cần có thêm bằng chứng khoa học và cập nhật về hiệu quả cũng như trở ngại của mô hình trường PTDT NTBT, và tác động của nó đối với kết quả học tập và hạnh phúc của học sinh và cộng đồng DTTS.

Nghiên cứu Tình hình Học tập, Sức khỏe và Phát triển của Học sinh tại các trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Bán trú ở 3 tỉnh Lào Cai, Kon Tum và Ninh Thuận nhằm thu thập thông tin chi tiết từ tất cả các bên liên quan, bao gồm cả học sinh DTTS, cha mẹ, cộng đồng, quản lý trường học, người hoạch định chính sách, dựa trên góc độ tiếp cận về quyền trẻ em.

Quá trình khảo sát, thu thập thông tin tại Ninh Thuận, Kon Tum và Lào Cai

Quá trình khảo sát, thu thập thông tin kéo dài từ ngày 28/08 đến ngày 15/09/2023 tại 18 trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Bán trú trong 3 tỉnh Ninh Thuận, Kon Tum và Lào Cai. Sau khi nhận được phê duyệt về đạo đức nghiên cứu của trường Đại học Y tế Công cộng, nhóm nghiên cứu đã liên lạc và gửi công văn tới Sở Giáo Dục và Đào tạo của 3 tỉnh Lào Cai, Kon Tum và Ninh Thuận. Sau khi được sự cho phép của Sở Giáo dục và Đào tạo 3 tỉnh, nhóm tiến hành công tác chọn trường và chọn mẫu tại các trường đã được lựa chọn.

Đoàn khảo sát bắt đầu nghiên cứu tại Ninh Thuận từ ngày 28/08/2023 tại trường PTDT Nội trú THCS Thuận Bắc. Với từng trường, giám sát viên nghiên cứu đã làm việc với Lãnh đạo trường để lấy danh sách học sinh và phụ huynh để phục vụ cho quá trình nghiên cứu. Sau đó các điều tra viên thực hiện phỏng vấn trực tiếp 24 học sinh tại từng trường. Mỗi em học sinh được phỏng vấn riêng trong khoảng 20-30 phút và tùy điều kiện sinh sống và đi lại của từng phụ huynh, đoàn đã tiến hành phỏng vấn trực tiếp đồng thời gọi điện thoại cho phụ huynh học sinh.

trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Bán trú [4]

Đoàn khảo sát tiếp cận và phỏng vấn các em học sinh

Trong quá trình thu thập dữ liệu, giám sát viên đã giám sát chặt chẽ tất cả các điều tra viên để đảm bảo rằng họ tuân thủ đúng các quy trình trong khóa đào tạo và tất cả các câu hỏi đều được hỏi chính xác. Giám sát viên, nghiên cứu viên và người quản lý dữ liệu cũng sẽ tiến hành kiểm tra chéo ngẫu nhiên hàng ngày đối với dữ liệu đã thu thập (bao gồm tệp khảo sát, bản ghi âm và ghi chú phỏng vấn).

Nhóm thu thập dữ liệu tại các trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Bán trú cũng đã cung cấp thông tin cập nhật tiến độ hàng ngày và báo cáo các điểm bất thường hoặc vấn đề để thảo luận khi cần. Báo cáo hàng tuần và báo cáo thực địa bằng văn bản cho từng tỉnh sẽ được gửi cho toàn bộ nhóm nghiên cứu sau thời gian thu thập dữ liệu.

Nhóm cán bộ khảo sát định lượng đã thực hiện độc lập với nhóm định tính, tiếp cận và phỏng vấn với những đối tượng đã được lựa chọn, cụ thể là hơn 400 em học sinh, gần 180 phụ huynh cùng các cán bộ Sở, cán bộ ngành, lãnh đạo, quản lý trường học,…

Khảo sát kết thúc vào ngày 15/09/2023 tại trường PTDT Bán trú THCS Khánh Yên Thượng thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai và sau đó đoàn tiếp tục gọi điện thoại đối với những trường còn thiếu hoặc không thể liên lạc được trong thời gian khảo sát thực địa. Quá trình thu thập số liệu chính thức kết thúc vào ngày 30/09/2023 với số lượng mẫu đạt chỉ tiêu đã đề ra.

Kết quả nghiên cứu dự kiến sẽ được công bố, gửi tới các bên liên quan vào tháng 12/2023. Nghiên sẽ đưa ra các khuyến nghị chính sách để hỗ trợ Chiến lược Giáo dục 2022-2026 của UNICEF và Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách về giáo dục và thực hành cho nhóm DTTS một cách toàn diện, dựa trên quyền và đảm báo tính nhạy cảm về văn hóa, hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục cũng như tạo kiều kiện học tập cho trẻ em DTTS được tốt hơn.