- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Tọa đàm Chính sách Thuế Tiêu thụ đặc biệt và Sức khỏe Cộng đồng

Ngày 4/4/2016, Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN), Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), HealthBridge Canada tại Việt Nam và hội Y tế Công cộng Việt Nam (VPHA) đã tổ chức buổi tọa đàm “Chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và sức khỏe cộng đồng” với sự tham gia của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực

12966093_1198989083447541_1791700414_n

Các chuyên gia kinh tế – Y tế tham gia tọa đàm đều thống nhất ủng hộ cho việc tăng thuế TTĐB với rượu bia và thuốc lá để tăng thu ngân sách nhà nước, giảm gánh nặng y tế do các vấn đề sức khỏe liên quan đến rượu bia, thuốc lá gây ra..

Theo TS. Hà Huy Tuấn,  thuế Tiêu Thụ Đặc Biệt có vai trò rất quan trọng với ngân sách vì nó hiện đang đóng góp khoảng 7% tổng thu ngân sách, tương đương với 1,5% tổng GDP cả nước, trong đó ngành công nghiệp rượu bia và thuốc lá chiếm tới 65% tổng thu TTĐB. Do vậy, lộ trình điểu chỉnh thuế suất phải hài hòa lợi ích của tất cả các ngành. Làm sao tăng thuế mà đảm bảo được các doanh nghiệp tồn tại và hoạt động, như vậy ngân sách nhà nước mới có nguồn thu.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, việc tăng thuế TTĐB với rượu bia và thuốc lá một mặt giúp tăng thu ngân sách, điều này có ý nghĩa rất lớn nhất là trong bối cảnh hiện nay khi ngân sách Nhà nước đang bội chi và đang trong tình trạng phải vay nợ mới để trả nợ cũ. Mặt khác, trong khi sử dụng thuốc lá và lạm dụng rượu bia đã và đang đem lại rất nhiều hệ lụy đến sức khỏe và xã hội, thì ở Việt Nam hiện nay lại đang tồn tại sự mất cân đối khi các sản phẩm gây hại đến người tiêu dùng như vậy thì có giá thành rất rẻ trong khi các sản phẩm thiết yếu và phục vụ cho những đối tượng rất nhạy cảm như là sữa cho người già, trẻ em, người ốm thì có giá thành lại rất cao. Việc tăng thuế với rượu bia và thuốc lá là cần thiết để tăng giá thành của các sản phẩm cần được hạn chế tiêu dùng này, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật liên quan.

Ths.Bs Phạm Thị Hoàng Anh cho biết  do thuế thấp dẫn đến giá thuốc lá rẻ, vì vậy thanh thiếu niên ở Việt Nam hút thuốc rất sớm khi mà hiểu biết về tác hại thuốc lá còn rất hạn chế và khi hiểu về tác hại của thuốc lá và biết là thuốc lá gây nghiện thì các em đã nghiện và không còn dễ dàng bỏ thuốc nữa. Do vậy, BS. Hoàng Anh tin rằng việc điều chỉnh cách tính thuế sẽ giúp việc bắt đầu sử dụng thuốc lá, rượu bia ở thanh thiếu niên diễn ra chậm hơn. BS. Hoàng Anh cũng lưu ý rằng mỗi năm Ngành công nghiệp thuốc lá, rượu bia đóng góp 17 nghìn tỉ đồng vào ngân sách quốc gia những chi phí y tế cho năm loại bệnh tật, tai nạn gây ra bởi thuốc lá, rượu bia là 24 nghìn tỷ đồng. Nhiều khi chủng ta chỉ quan tâm những đóng góp của các doanh nghiệp thuốc lá rượu bia và ngân sách mà quên đi những hệ lụy của nó gây ra cho y tế công cộng.

Ths.Bs Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ “Việc tăng thuế là một biện pháp cùng thắng khi nó mang lợi ích cho cả người dân và chính phủ”. Trong khi giúp người dân giảm nguy cơ mắc các bệnh gây tổn hại và làm gánh nặng cho xã hội, việc điều chỉnh thuế giúp chính phủ tăng thu ngân sách trong tình hình khó khăn hiện nay.

 Việc tăng thuế TTĐB có làm ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp?

Các chuyên gia đều cho rằng việc điều chỉnh cách tính thuế không ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp rượu bia, thuốc lá khi đây là những sản phẩm gây nghiện và có một lượng người sử dụng ổn định.

BS. Phạm Hoàng Anh lấy ví dụ ở Thái Lan, cứ 2 năm chính phủ lại điều chỉnh thuế thuốc lá 1 lần. Số lượng người hút thuốc có xu hướng giảm nhưng không quá mạnh. Do vậy việc điều chỉnh thuế không làm ảnh hưởng quá nhiều đến lợi ích các doanh nghiệp trong khi Chính phủ Thái tăng thu ngân sách và ước tính số tiền thu được từ thuế thuốc lá có thể xây được 2 hệ thống tàu điện trên cao.

Hai văn bản của Bộ tài Chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế TTĐB gồm Nghị định 108 và Thông tư 195 có trái với Luật và vi phạm cam kết tự do thương mại quốc tế như các Doanh nghiệp rượu bia phản ánh hay không?

Hiệp hội doanh nghiệp rượu bia đã lên tiếng phản ánh rằng việc thực hiện Nghị định 108 của Chính Phủ và Thông tư 195 của Bộ tài chính về hướng dẫn thực hiện Luật Thuế TTĐB sửa đổi là không biết tiên liệu kế hoạch, đưa doanh nghiệp vào tính thế khó khăn. làm mất niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài, vi phạm cam kết WTO và sau này là TPP. Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh cách tiếp cận của hai văn bản này là có cơ sở pháp lý, phù hợp và không có sự vi hiến vì nó không đưa ra đối tượng chịu thuế mới cũng không đưa ra mức thuế mới và như vậy hoàn toàn không trái với Luật thuế TTĐB.

Đối với các cam kết tự do thương mại: điểm quan trọng nhất trong các hiệp định thương mại ta ký là: (1)-Không được phân biệt đối xử và (2)-Minh bạch. Về khía cạnh Không phân biệt đối xử thì Nghị định 108 và Thông tư 195 không chỉ áp dụng riêng cho các doanh nghiệp Việt Nam mà cả các doanh nghiệp nước ngoài (vì áp dụng cho cả các nhà nhập khẩu không kể trong nước hay nước ngoài). Do đó Nghị định này không vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử là điểm chung và cơ bản của các hiệp định tự do hóa thương mại. Về tính minh bạch, Nghị định ban hành vào cuối năm 2015 và công bố bắt đầu từ 1/1/2016 là hoàn toàn minh bạch.

Tăng thuế thuốc lá liệu có làm gia tăng buôn lậu thuốc lá không?

Ông Trần Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới ở Việt Nam cho biết: vấn đề buôn lậu ở Việt Nam không liên quan nhiều đến thuế TTĐB bởi hầu hết những nhãn hiệu thuốc nhập lậu là những nhãn hiệu không được sản xuất trong nước. Động lực buôn lậu với các sản phẩm thuốc lá ngoại không được sản xuất trong nước là rất lớn do hiện nay chúng ta vẫn giữ hàng rào thuế quan với các sản phẩm thuốc lá nhập khẩu rất cao (135%). Chính vì thế mà thuế tiêu thụ đặc biệt dù cao hay thấp thì thì buôn lậu vẫn xảy ra vì chúng ta không tạo điều kiện cho nhập khẩu một cách chính thống, nếu nhập khẩu đúng ngạch họ phải chịu mức thuế rất cao.

Theo Bs. Phạm Thị Hoàng Anh, một bằng chứng khác cho thấy Thuế TTĐB ở VN ít có khả năng ảnh hưởng đến buôn lậu do hành vi tiêu dùng thuốc lá lậu ở Việt nam ít có liên quan đến giá: giá thuốc lá lậu ở VN rất cao, giá trung bình của các nhãn thuốc lá nhập lậu cao hơn giá trung bình của thuốc lá sản xuất trong nước. Quản lý biên giới kém, thuốc lá lậu bán công khai tại các thành phố lớn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng buôn lậu chứ không phải do việc tăng thuế. Chính vì thế việc tăng thuế TTĐB làm tăng giá thuốc lá là động lực đẩy người tiêu dùng sử dụng thuốc lá lậu là khó có thể xảy ra.

Các chuyên gia trong buổi tọa đàm đều mong rằng các cấp có thẩm quyền, thực hiện thẩm định, quyết định, ban hành chính sách thuế TTĐB đảm bảo tính minh bạch trong quản lý hệ thống, phát triển kinh tế bền vững, chống thất thu thuế, thúc đẩy hoạt động y tế dự phòng bảo vệ sức khỏe người dân nói chung, người tiêu dùng nói riêng đối với các mặt hàng độc hại này.

Một số hình ảnh của Tọa đàm:

12969230_1198989123447537_1581443776_n [1]

12966164_1198989093447540_1599469632_n [2]

12935182_1198989016780881_1773622059_n [3]