- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Thuốc lá điện tử – mối nguy hại lớn với giới trẻ và biện pháp ngăn chặn

Mới đây, có một trường hợp nam sinh 15 tuổi (Thạch Thất, Hà Nội) phải nhập viện cấp cứu do bị ngộ độc khi sử dụng thuốc lá điện tử. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử mà Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận mỗi ngày. Theo thông tin từ bệnh viện, trong một tháng trở lại đây, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc thuốc lá điện tử.

 

Thuốc lá điện tử an toàn hơn thuốc lá truyền thống?

Cần nói ngay: Không có khái niệm “an toàn”, khi nói về thuốc lá, bất kể đó là loại thuốc lá gì, điện tử, nung nóng, xì-gà, thuốc lá cuốn công nghiệp hay thủ công. Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, việc so sánh giữa các loại thuốc lá “cái nào ít độc hơn cái nào” là một việc làm vô nghĩa, bởi tất cả các loại thuốc lá đều chứa chung một chất gây nghiện Nicotine khiến người sử dụng chúng đều đến chung một đích đến: Nghiện Nicotin, với hậu quả nhiều mặt cả về sức khỏe, kinh tế, xã hội.

Cũng phải nói rõ, ngành công nghiệp thuốc lá dùng rất nhiều thủ thuật trong truyền thông nhằm mục tiêu để xóa mờ hai đặc tính “nghiện” và  “độc hại” của thuốc lá, mà chiến lược thúc đẩy các bài truyền thông có gắn các từ mang nghĩa tích cực như  “an toàn”, “truyền thống”, hay “mới” với thuốc lá là ví dụ điển hình! Vì thế, tôi đề nghị truyền thông nhà nước hết cảnh giác trong sử dụng từ ngữ mang nghĩa tích cực, gắn vào tên thuốc lá, bởi như thế là vô hình chung đã làm yếu đi công ước “phòng chống tác hại thuốc lá” mà 192 nước trên thế giới đã cam kết thi hành. Hãy gọi đúng tên của chúng: THUỐC LÁ, rồi sau đó, thêm từ làm rõ nghĩa  thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá xì-gà, thuốc lá cuốn công nghiệp, thuốc lá cuốn thủ công, hay thuốc lá vấn tay. Tránh hết sức, hoặc tốt hơn hết là không dùng hoàn toàn các từ hàm ý tích cực như“truyền thống, mới, an toàn” trong các bài nói về thuốc lá và tác hại của thuốc lá.

Còn hệ quả của sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng? Rất rõ rồi. Gồm hai phần: Phần tác hại chung đã được biết như mọi loại sản phẩm có chứa nicotine, và phần riêng, do hai loại thuốc lá này thường chứa thêm nhiều loại hóa chất khác để tạo thói quen mùi, vị, riêng ở người sử dụng. Những loại hóa chất này vốn đã đa dạng đưa vào ngay trong quá trình sản xuất công nghiệp, để liên tục tạo ra sản phẩm kich thích sử dụng ở giới trẻ, mà còn do chính sự đòi hỏi của người nghiện đưa vào thêm trong quá trình sử dụng, hậu quả tác động của truyền thông nhắm vào giới trẻ khẳng định “cái tôi”, “cái độc”, cái “ngầu”, hay “stylist”, làm giới trẻ quên đi bản chất nghiện, độc hại của sản phẩm tiêu dùng.

Lo ngại tác động xấu của truyền thông ngành công nghiệp thuốc lá xây dựng hình ảnh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gắn với các từ ‘an toàn”, “mới”, “giúp cai nghiện”, từ năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới đã ra chương trình kêu gọi các nước phải truyền thông rõ thông điệp tới dân chúng: “Tất cả các loại thuốc lá đều độc hại bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng”. Hậu quả sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đa dạng hơn so với các loại thuốc khác, gồm 4 nhóm: (1) Gây nghiện, ảnh hưởng trực tiếp tiến trình hoạt động và cản trở phát triển của não bộ’ (2) yếu tố trực tiếp đẩy mạnh thanh thiếu niên bắt đầu đi vào con đường hút thuốc lá, tăng nguy cơ sử dụng các loại thuốc lá khác và là nguyên nhân trực tiếp làm thất bại mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên và toàn dân nói chung ; (3) Gây bệnh cấp và mạn tính, nguy hiểm nhất gồm loạt bệnh trong hội chứng tổn thương hô hấp cấp (EVALI), và các bệnh hệ thống tim mạch, nội tiết , ung thư biểu hiện rất đa dạng là hậu quả của tiiếp xúc thường xuyên với các chất độc có trong sản phẩm; (4) Gây chấn thương nghiêm trọng do cháy nổ (pin).

Xin nêu thêm, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị bổ sung thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tại Phụ lục của Luật Đầu tư vì lý do các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Vì thế, hãy xóa bỏ ngay ý nghĩ “thuốc lá điện tử giúp hỗ trợ cai nghiện’ và luôn nhớ thông điệp khẳng định của tổ chức y tế thế giới:  ‘Không có bằng chứng nào chứng mình rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường” (WHO, 2019).

Tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đặc biệt ở thanh thiếu niên có xu hướng tăng cao

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh trên toàn thế giới, gây khó khăn vô cùng cho công tác thực hiện công ước quốc tế phòng chống tác hại thuốc lá trên toàn cầu. Đặc biệt lo ngại là tăng nhanh ở trẻ em, thanh thiếu niên, và phụ nữ. Tại Việt Nam, theo thống kê của “Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá”, Bộ Y tế,  năm 2015, tỷ lệ hút các sản phẩm thuốc lá điện tử, nung nóng  là 1,1% dân chúng; Đến năm 2019, tỷ lệ này đã là 2,6% ở thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 13 đến 17 trên cả nước, và với  riêng học sinh thành thị tỷ lệ lên tới 3,4%, tức gấp hơn ba lần, hay hơn 300%. Càng nhiều thanh thiếu niên bập vào thuốc lá, càng dày thêm lên con số người nghiện tích lũy theo năm tháng, gánh nặng bệnh không lây nhiễm do thuốc lá gây ra càng trở nên khủng khiếp hơn trong tương lai. Viễn cảnh tụt hậu chất lượng nhân lực trong cuộc đua toàn cầu là rõ ràng, và nghèo đói còn đeo bám dân tộc này, khi thất bại trong việc ngăn chặn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng và thuốc lá các loại nói chung.

Bằng các chiêu trò quảng cáo, tiếp thị, sản phẩm thuốc lá mới như thiết kế sản phẩm bắt mắt, hương vị hấp dẫn, đa dạng kênh bán hàng để tăng khả năng tiếp cận, và nhắm tới trẻ em và thanh thiếu niên, phụ nữ,  ngành công nghiệp thuốc lá đang cố gắng duy trì và đẩy cao hơn nữa tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tăng thêm hơn nữa lợi nhuận, bất chấp tương lai nguy hiểm đang chờ cho thế hệ trẻ Việt Nam và hình ảnh lệch lạc về con người Việt nam trong sự dõi theo của thế giới tiến bộ.

Biện pháp để định hướng, cảnh báo và giám sát học sinh sử dụng thuốc lá điện tử

Thực thi đúng luật  phòng chống tác hại của thuốc lá, tuân thủ và đưa vào sử dụng mọi điều khoản trong công ước phòng chống tác hại thuốc lá toàn cầu WHO-FCTC mà Việt nam đã ký cam kết thực hiện từ 2004, sẽ ngăn chặn hiệu quả những hệ lụy đáng tiếc đối với học sinh sinh viên trước nguy cơ thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang được thúc đẩy sử dụng bởi ngành công nghiệp thuốc lá.

Việc thực thi trên chưa được làm tốt trong nhiều năm qua, bởi trở ngại còn đang nằm ở:

  1. Cơ quan làm chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá: Rõ nhất là việc trì hoãn đưa vào thực hiện điều 5.3 của công ước khung WHO-FCTC với nội dung “minh bạch, giải trình trách nhiệm” trong mọi quan hệ giữa nhân sự đặc trách làm chính sách, ký duyệt chính sách và triển khai chính sách phòng chống tác hại thuốc lá của chính phủ, với ngành công nghiệp thuốc lá. Thực hiện điều 5.3 này, là chống sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá vào tiến trình làm chính sách công, bản chất là chống tham nhũng chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá. Như vậy, có thể nói, còn  chậm đưa vào thực hiện điều 5.3, là còn tồn tại tình trạng tham nhũng chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá, còn xẩy ra việc chậm ban hành các quy định ngăn chặn, xử phạt liên quan tới hành vi lối cuốn thanh thiếu niên dưới 18 tuổi sử dụng thuốc lá,  từ quảng cáo trên mọi hình thức, mọi loại hình phương tiện truyền thông, tới hành vi trực tiếp bán trên thị trường hay bán qua internet đến người sử dụng. Còn tồn tại tình trạng Bộ Công Thương bác bỏ đề xuất của Bộ Y tế, lập lờ để mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nằm ngoài danh sách sản phẩm gây hại cho sức khỏe,  thậm chí giành cả trách nhiệm của Bộ Y tế để “nghiên cứu thí điểm đánh giá tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”, mà thực chất là đang cố làm chậm mọi tiến trình ra chính sách ngăn chặn ngay lập tức sự lan tràn của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào thị trường Việt nam, Không triển khai điều 5.3, sẽ là môi trường thuận lợi cho việc tồn tại sự trì hoãn tăng thuế tiêu thục đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá theo khuyến cáo của WHO diễn ra trong suốt hơn một thập kỷ qua…
  2. Các tổ chức xã hội không có hành động thiết thực bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên, và phụ nữ, trước các nguy cơ đầu độc giới trẻ đến từ ngành công nghiệp thuốc lá: Nhìn vào chương trình hành động của các hội bảo vệ trẻ em, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, người ta không thấy có một chiến lược rõ ràng, cụ thể, với kế hoạch chi tiết thực hiện bảo vệ thiết thực trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ trước những chiêu trò quảng bá truyền thông thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, và đặc biệt không có các biện pháp cụ thể chống lại các tiếp cận thực tế của ngành công nghiệp thuốc lá đến những đối tượng này thông qua mạng internet.

Riêng đối với Gia đình và nhà trường: Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Chương trình giáo dục đào tạo ngay từ bậc học tiểu học và xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống từ phổ thông lên tới đại học, phải lồng ghép nội dung phòng chống tác hại thuốc lá, theo đúng hướng dẫn của tổ chức y tế thế giới WHO,  UNICEF và UNESCO. Bao giờ Nhà trường có được sự đổi mới đó? Xin thưa, khi ngành giáo dục bắt tay vào chống được sự tham nhũng chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá, thể hiện cụ thể bằng việc đưa vào thực thi điều 5.3 WHO-FCTC trong toàn ngành giáo dục.

Còn với gia đình, chúng tôi kiến nghị toàn xã hội và nhà nước, phải đưa vào thực thi luật bảo vệ trẻ em và luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Bởi cứ tôn trọng làm đúng theo nội dung của luật, sẽ đi đến bảo đảm trách nhiệm của bố mẹ trước sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Sẽ thấy ngay, trách nhiệm phải chống thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, và mọi sản phẩm thuốc lá khác, chính là thực thi trách nhiệm của cha mẹ, người làm chủ gia đình, được quy định trong luật bảo vệ trẻ em, và  luật phòng chống tác hại của thuốc lá.

 

TS.BS. Trần Tuấn

12.10.2021

(Bài có sử dụng tư liệu chuẩn bị bởi Nguyễn Thị Cẩm Vân, cán bộ dự án phòng chống tác hại của thuốc lá thuộc Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam NCDs-VN)