- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Thư kiến nghị hành động cho sức khỏe và biến đổi khí hậu COP26

THƯ KIẾN NGHỊ CHỦ ĐỀ “BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ
SỨC KHỎE” HÀNH ĐỘNG TẠI COP26

Glasgow 31/10-12/11/2021

 

Hà Nội ngày 29/10/2021

Kính gửi –          Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,

–          Các thành viên của đoàn chính phủ tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP26 về chống biến đổi khí hậu, tại Glasgow, Scotland từ 31/10 đến 12/11/2021.

Đồng kính gửi: –          Tổng thư ký – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội,

–          Ban Tuyên giáo Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam,

–          Ban Kinh tế Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam,

–          Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Tài Nguyên Môi trường, Kế hoạch & Đầu Tư, Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Thông tin Truyền thông.

Chúng tôi gồm các tổ chức thành viên tập hợp trong 5 Liên minh dưới đây (Chi tiết xem thêm Phụ lục 1):

Kiến nghị Thủ tướng và các Bộ trưởng về vấn đề có tầm chiến lược an ninh sức khỏe quốc gia “Biến đổi khí hậu và Sức khỏe”, là chủ đề trọng tâm tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 mà Việt Nam và toàn Thế giới quan tâm cùng chung tay phát triển kế hoạch hành động khẩn cấp.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ và các thành viên trong đoàn chính phủ dự hội nghị thượng đỉnh COP26,

Trong hai năm qua, các chuyên gia y học dự phòng, y học lâm sàng, y tế công cộng và toàn thể đội ngũ nhân lực chăm sóc sức khỏe nhân dân trên toàn Thế giới đã nỗ lực hết mình để bảo vệ cộng đồng và hạn chế tác động tàn phá của COVID-19. Trong khi đại dịch còn đang diễn biến phức tạp và đe dọa lâu dài, cộng đồng y tế vẫn tập trung đóng góp chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu COP26. Bởi khủng hoảng khí hậu tiếp tục là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt và COP26 là một thời điểm quan trọng để tạo nên một chương trình hành động toàn cầu, gọi tắt là “Gói Glasgow”.

Các bằng chứng khoa học và lập luận về ưu tiên sức khỏe cho hành động khí hậu hiện đã quá rõ ràng, và cùng với Thế giới tiến bộ, đây là thời điểm bước ngoặt để Việt Nam cùng nhân loại tiến bộ đồng lòng đưa ra các chính sách thực tế hành động tránh những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu. Sức khỏe phải là một ưu tiên chính của các chính phủ và của toàn thể nhân loại, và những lợi ích sức khỏe phát sinh từ những hành động can thiệp khí hậu – chẳng hạn như (1) giảm nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, tim mạch, tiêu hóa thông qua cải thiện chất lượng không khí bằng ưu tiên phát triển năng lượng sạch, cắt giảm triệt để nhiệt điện than; (2) thực hiện chuyển đổi các phương án giao thông lấy mục tiêu sức khỏe làm đầu; (3) giảm nguy cơ suy dinh dưỡng thông qua đảm an ninh lương thực bằng chuyển đổi canh tác sản xuất lương thực, thực phẩm và thay đổi hành vi tiêu dùng cho mục tiêu sức khỏe sinh thái, (4) tăng khả năng chống chịu của toàn xã hội trước các thảm họa bất thường xảy ra, giảm nguy cơ mắc các bệnh dịch truyền nhiễm nhạy cảm với khí hậu như dịch, sốt xuất huyết, tiêu chảy, cúm, dịch tay chân miệng; thực hiện gói chăm sóc sức khỏe cơ bản chất lượng và bình đẳng tiếp cận toàn dân, đi đôi với tăng đầu tư cho y tế dự phòng, y tế công, y tế nhân đạo phi vụ lợi và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe – phải là là động lực thúc đẩy mạnh mẽ quyết tâm của các Chính phủ tạo nên những thay đổi sâu sắc cần phải đạt được trong thập kỷ này.

Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các bước ban đầu để đóng góp cho mục tiêu ưu tiên sức khỏe  ở  Hội nghị thượng đỉnh COP26. Bộ Y tế với sự hỗ trợ của quốc tế cùng các tổ chức xã hội trong nước đã tổ chức các hội thảo bên thềm COP26 và tất cả đang chung tay hướng đến phát triển kế hoạch quốc gia về y tế tập trung vào tăng khả năng chống chịu và thích ứng thông minh trước mọi thách thức của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, để giải quyết đầy đủ tính cấp thiết của các cuộc khủng hoảng khí hậu và sức khỏe, chúng tôi mong muốn trong chuyến công tác này, Thủ tướng cùng các thành viên trong đoàn đồng hành cùng cộng đồng y tế toàn cầu kêu gọi lãnh đạo các nước trên Thế giới thực hiện việc bảo vệ sức khỏe con người một cách rõ ràng ưu tiên tại COP26 và là một phần không thể thiếu của “Gói Glasgow” sẽ đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh lần này. Trong đó, “Sức khỏe” phải là nguyên tắc chỉ đạo của COP26, bao gồm:

Đồng lòng với Chính phủ và thực hiện mục tiêu sức khỏe là tài sản quý nhất của quốc gia, Chúng tôi viết thư này đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các thành viên trong đoàn thể hiện bằng hành động cụ thể ở mọi sự kiện diễn ra trong thời gian ở Glasgow theo tinh thần:

  1. Ưu tiên vận động cho các thông điệp của cộng đồng chăm sóc sức khỏe toàn cầu “Biến đổi khí hậu và Sức khỏe” thể hiện ở 4 lĩnh vực trọng điểm nêu trong khuyến cáo của Mạng lưới Toàn cầu về Khí hậu và Sức Khỏe (Chi tiết nêu ở phụ lục 2):
    1. Chế độ ăn uống và hệ thống thực phẩm giảm thiểu tác động tiêu cức tới sức khỏe, khí hậu và hành tinh
    2. Hệ thống năng lượng bảo vệ khí hậu và sức khỏe
    3. Hệ thống giao thông bảo vệ khí hậu và sức khỏe
    4. Hệ thống y tế bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu
  2. Vận động các nước làm theo 10 khuyến cáo của WHO cho “Biến đổi khí hậu và sức khỏe” (Chi tiết nêu ở phụ lục 3).
  3. Ủng hộ mọi sáng kiến đẩy mạnh mục tiêu bảo vệ sức khỏe trong “Gói Glasgow” đưa ra tại COP26.

Chúng tôi hy vọng, từ hội nghị COP26 trở về, Thủ tướng sẽ chỉ đạo ngay để các bộ ngành, đưa vào thực tế triển khai cam kết của Việt Nam và cộng đồng quốc tế qua “Gói Glasgow” chống biến đổi khí hậu vì an ninh sức khỏe của người dân Việt Nam và cộng đồng Thế giới.

Chúng tôi mong đợi và hứa với Thủ tướng cùng các thành viên trong đoàn, sẽ đồng hành cùng các cơ quan của Chính phủ, đặc biệt với Bộ Y tế, để phát triển một kế hoạch giúp cho ngành y tế Việt Nam có khả năng chống chịu và đáp ứng thông minh trước các thách thức dịch bệnh, thiên tai thảm họa bất thường, với các mục tiêu cụ thể gồm:

Đây là biểu hiện thiết thực của các chuyên gia quan tâm tới sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam đáp ứng lời kêu gọi của WHO về “Biến đổi Khí hậu và Sức khỏe”.

Chúng tôi hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt và bền bỉ của Thủ tướng như đã thể hiện trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 vừa qua, kế hoạch trên sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế.

Kính chúc Thủ tướng và các thành viên trong đoàn sức khỏe tốt và có chuyến công tác thành công tại Glasgow Vương quốc Anh, mở ra một thời kỳ mới cho đất nước với những chính sách bảo đảm an ninh sức khỏe cho toàn dân Việt Nam, đóng góp tích cực vào cuộc chiến toàn Thế giới chống biến đổi khí hậu bảo vệ an ninh sức khỏe toàn cầu, và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế.

Nơi nhận:

–        Như trên;

–        Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

–        Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội

–        Các tổ chức Chính trị – Xã hội – Nghề nghiệp quan tâm tới Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển Môi trường Bền vững, thành viên Đối tác Một Sức khoẻ và Biến đối Khí hậu (CSO-OHCCP);

–        Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam (VUSTA), Hà Nội (HUSTA) & Tổng hội Y học Việt Nam;

–        Các tổ chức đang phối hợp với các Liên minh NCDs-VN, VSEA, EBHPD, CSO-OHCCP, PLWNCDs-VN trong phản biện và vận động chính sách công.

Trân trọng cảm ơn!

Xem chi tiết thư kiến nghị tại đây. [1]