- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Tập huấn Sơ cấp cứu cho 3 trường mầm non tại Hà Nội

Thành phần tham dự lớp học lần này là gồm khoảng 100 giáo viên và cán bộ nhân viên của ba trường. Từ phía Trung tâm RTCCD, chịu trách nhiệm nội dung chuyên môn và giảng dạy là BS. Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm, là chuyên gia cao cấp về bảo vệ trẻ em và đã có nhiều năm kinh nghiệm triển khai các chương trình đào tạo và thí điểm về phòng tránh đuối nước và các loại hình thương tích khác ở trẻ em. Bên cạnh đó, từ phía Phòng khám CTX có BS. Lê Đức Duy chịu trách nhiệm chính trong việc hướng dẫn các kỹ năng sơ cấp cứu.

Lớp tập huấn có 4 bài chính và mở đầu là phần trình bày chuyên về Phòng tránh ngạt tắc đường thở ở trẻ em. Thực tế, một số sự việc được đăng tải trên các phương tiện truyền thông gần đây như việc một em bé sặc cháo tại 1 trường mẫu giáo tư thục tại Quận Long Biên đã tử vong do các cô giáo không có kỹ năng sơ cấp cứu, hoặc vụ việc trường mầm non Trung Tự, trẻ bị hóc dị vật (đồ chơi quả trứng nhỏ bằng nhựa), nghẹn và tắc thở nhưng cô giáo đã áp dụng sai phương pháp cấp cứu đã cho thấy đây là thương tích rất dễ gặp ở trẻ nhỏ. Do đó, BS. Nguyễn Trọng An nhấn mạnh mục tiêu của bài học này là để các giáo viên phải hiểu được đúng và đầy đủ khái niệm ngạt tắc đường thở, yếu tố nguy cơ, hội chứng xâm nhập chính là dấu hiệu ngạt tắc đường thở (ho sặc sụa, mặt đỏ, nước mắt nước mũi giàn giụa) để từ đó tìm cách phòng tránh. Bác sỹ còn khuyến cáo thêm khi cho trẻ ăn, nhiều giáo viên đã có cách thức hết sức sai lầm như bóp mũi, nhồi thức ăn, không chỉ là hành hạ trẻ em, mà trực tiếp là nguy cơ gây ngạt tắc đường thở, gây chết ở trẻ nhỏ. Như vậy, trong môi trường mẫu giáo ở lứa tuổi trẻ từ 3-5 tuổi, tiềm ẩn nhiều rủi ro hóc dị vật mà nếu giáo viên không được hướng dẫn và đào tạo sẽ thiếu kỹ năng ứng phó, phòng chống

Phần trình bày thứ hai là về phòng chống đuối nước. có một sự thật đáng quan ngại rằng Hà Nội đứng thứ ba trong toàn quốc về trẻ em đuối nước; và Việt Nam đứng hàng cao ở Đông Nam Á về chết đuối ở trẻ nhỏ. Mỗi năm trung bình 3500 em bé ở Việt Nam chết đuối. Nguyên nhân gây chết đuối ngay trong gia đình, trường mẫu giáo chính là ở sự sao nhãng, bất cẩn của người lớn, hiểu biết còn hạn chế, khả năng nhận biết nguy hiểm ở trẻ em. Bác sỹ nhấn mạnh 60% em bé bị tai nạn thương tích ngay trong môi trường của mình (gia đình, trường học). Do đó, điều quan trọng là tuyên truyền với cô giáo và các trẻ trong trường về cách phòng tránh và cách cứu đuối (như kêu to, hô hoán, và không để trẻ khác nhảy xuống cứu, bắt buộc phải có kỹ năng cứu đuối, cách đưa nạn nhân vào bờ, cách sơ cấp cứu thông đường thở bằng mọi cách, sau đó hô hấp nhân tạo, v.v.)

Phần trình bày thứ ba tập trung vào loại hình thương tích cũng hay gặp ở các em nhỏ trong các nhà trẻ, mẫu giáo, các gia đình đó là bỏng. BS. Nguyễn Trọng An đã phân tích kỹ các dạng bỏng, các nguyên nhân gây bỏng, đặc biệt bỏng giật điện trong các lớp học có thể là nguy cơ. Đồng thời Bác sỹ nêu rõ một nguyên tắc thiết thực cần phải nhớ: Nếu bị bỏng, phải ngâm ngay vùng bị bỏng vào trong nước mát 15-20 phút

Trong khoảng 1 tiếng của lớp tập huấn, BS. Nguyễn Trọng An và BS. Lê Đức Duy, Phòng khám Cây Thông xanh đã hướng dẫn thực hành kỹ năng sơ cấp cứu hô hấp nhân tạo 6 bước, cách xử trí, sơ cấp cứu cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ khi hóc dị vật, sặc sữa cháo bột và thực hành liệu pháp Hemlic, vỗ lưng. Phần thực hành đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của các giáo viên. Các giáo viên 3 trường đã có điều kiện áp dụng phần lý thuyết lên thực hành ở mô hình búp bê. Ghi nhận từ phía các giáo viên thể hiện tầm quan trọng của những chương trình tập huấn tương tự, và mong muốn có thêm nhiều cơ hội để mài giũa và ghi nhớ trọn vẹn những kỹ năng sơ cấp cứu quan trọng này.

Một số hình ảnh của buổi tập huấn:

SCC5

SCC6

SCC4

SCC1

SCC2

SCC3