Từ ngày 28 đến ngày 31/10/2020, khóa tập huấn về “Suy nghĩ tích cực, phòng ngừa trầm cảm lo âu trong quá trình mang thai và sinh con” được tổ chức ở Cần Thơ, trong khuôn khổ hợp tác giữa trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Đại học Washington, Mỹ. Đại học Y Dược Cần Thơ đã ký hợp đồng mời RTCCD là đối tác thực hiện giảng dạy cho cán bộ khoa Y tế Công cộng của trường và cán bộ y tế tuyến xã/phường để hiểu về mô hình và có thể triển khai hoạt động can thiệp vào cộng đồng. Khóa đào tạo được phát triển dựa trên vấn đề sức khỏe tâm trí và bình đẳng giới của dự án “Hành trình đầu đời”, một chương trình về phát triển trẻ giai đọa đầu đời và được triển khai tại 84 xã/phường tỉnh Hà Nam được lựa chọn ngẫu nhiên và thực hiện trong 2 năm (2018 – 2020).
Dự án hợp tác giữa Đại học Y Dược Cần Thơ và Đại học Washington gồm có 2 phần: (1) Phòng ngừa trầm cảm sau sinh và (2) Chuẩn đoán và điều trị trầm cảm cho phụ nữ có nhu cầu. Khóa đào tạo này do bên đối tác RTCCD cung cấp những nội dung xoanh quanh vào vấn đề “Phòng ngừa trầm cảm sau sinh”, tập trung vào:
1.Tập trung vào 4 buổi sinh hoạt cộng đồng về “Suy nghĩ tích cực và phòng chống trầm cảm lo âu trong quá trình mang thai và sau sinh”
- Bài 1: Mẹ bầu hạnh phúc
- Bài 2: Học cách trở thành người chồng, người cha tích cực
- Bài 3: Trầm cảm sau sinh và cách phòng tránh
- Bài 4: Thấu hiểu cảm xúc của người bạn đời
2. Hướng dẫn thăm khám tại nhà để hỗ trợ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh được bác sỹ chuyên khoa tâm thần chẩn đoán
3. Cung cấp, hướng dẫn mẫu giám sát tiến độ và báo cáo cho các học viên
Tham gia khóa đào tạo có 29 học viên, trong đó có 21 học viên (gồm 16 cộng tác viên và 5 cán bộ y tế xã) đến từ 2 xã Mỹ Khánh và Tân Thới và 8 giảng viên của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
I. Mục tiêu khóa đào tạo
- Hiểu và nắm rõ cách tiếp cận về suy nghĩ tích cực và có thể cung cấp 4 bài học về suy nghĩ tích cực tới các bà mẹ mang thai và sau sinh trong chương trình của họ
- Cảm thấy tự tin hơn khi tiến hành các buổi giáo dục tại cộng đồng, thăm hộ gia đình
- Lập kế hoạch theo dõi để hỗ trợ những phụ nữ có nhu cầu
II. Tổ chức triển khai khóa đào tạo
Khóa học được đào tạo trực tiếp kết hợp giữa việc học lý thuyết với tự thực hành, hỏi đáp, các hoạt động đóng vai. Trong đó, các hoạt động đóng vai và xử lý tình huống là trọng tâm để nâng cao kỹ năng của học viên.
Sau khi tất cả học viên tham gia lớp học đã hiểu và thành thạo kỹ năng của 4 bài học, giảng viên sẽ hướng dẫn các buổi tư vấn thăm khám tại nhà.
III. Đánh giá kết quả
Kết thúc khóa đào tạo, các học viên được yêu cầu hoàn thành một phiếu đánh giá đào tạo. Mẫu phiếu được đảm bảo bí mật vì không yêu cầu học viên điền tên và nơi làm việc, phiếu đánh giá gồm 5 phần:
Sự thay đổi về kiến thức, kỹ năng và sự tự tin
Mức độ hài lòng so với mong đợi
Sự phù hợp về phương pháp giảng dạy
Mức độ hữu ích khi áp dụng nội dung đã học vào công việc dự án
Nội dung giảng liên quan đến công việc tại cộng đồng
- Trước buổi tập huấn hầu hết các học viên đều không biết đến khái niệm “Suy nghĩ tích cực”, sau khi tập huấn đã có 86% học viên nắm rõ, hiểu về khái niệm và nội dung “Suy nghĩ tích cực”
- 81% học viên sau khi tập huấn đã xác định đúng từng bước cần áp dụng để thay đổi tư duy từ tiêu cực sang tích cực
- Mức độ tự tin khi sử dụng công cụ PHQ9 và EPDS lần lượt là 81% và 52%
- 100% học viên cho rằng khóa học tốt hơn nhiều so với mong đợi và đạt được như mong đợi
- 100% học viên đánh giá phương pháp giảng rất phù hợp với họ
- Có 17/21 học viên cảm thấy nội dung học rất hữu ích (81%), 4/21 học viên thấy hữu ích (19%) và không có ai cảm thấy không hữu ích
- Có 86% rất đồng ý và 14% đồng ý rằng thông tin khóa học liên quan đến công việc tại cộng đồng
- Mức độ rất hài lòng và hài lòng của học viên với khóa học lần lượt là 90% và 10%, không có ai không hài lòng