- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Kết thúc giai đoạn một dự án Saving Brains

Sau 2 năm triển khai, tháng 9/2015, dự án Saving Brains – Mô hình câu lạc bộ học tập tại cộng đồng cho sức khỏe phụ nữ và sự phát triển đầu đời của trẻ,  do Grand Challenge Canada tài trợ, đã có báo cáo tổng kết thành công tại hội thảo trong nước ngày 6/10/2015 và ngay sau đó là hội nghị quốc tế tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Saving Brains là dự án thí điểm mô hình giáo dục tiết kiệm, có hệ thống và tổng quát về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng nông thôn Việt Nam, ưu tiên chăm sóc cho 1000 ngày đầu đời của trẻ (giai đoạn bào thai và 24 tháng sau khi sinh). Mục tiêu của dự án là nhằm cải thiện chỉ số phát triển của trẻ em nông thôn Việt Nam qua các chương trình giáo dục dựa vào cộng đồng hướng tới thay đổi hành vi trong chăm sóc thai kỳ và trẻ nhỏ (0-24 tháng tuổi) của các gia đình nông thôn. Các chủ đề được đưa ra trong chương trình giáo dục bao gồm chăm sóc thai nghén, chuyển dạ và sinh nở, sức khỏe tâm trí của bà mẹ mang thai và sau sinh, chăm sóc sơ sinh, nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung, chăm sóc khi trẻ bị ốm, hướng dẫn kích thích sự phát triển trí tuệ, thể chất, cảm xúc và kỹ năng xã hội ở trẻ, phòng chống tai nạn thương tích, và hỗ trợ từ các thành viên trong gia đình trong chăm bà mẹ và trẻ em.

flyer

Tờ giới thiệu dự án

Dự án được triển khai thí điểm tại 3 xã của tỉnh Hà Nam, do chính địa phương (Hội phụ nữ và Trạm Y tế) phụ trách triển khai. Trong 2 năm triển khai, đã có 1756 lượt tham gia, 60% trong số đó là phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, 24% là nam giới và ông bà tham gia.

Anh-chup-bo-dia [1]

Các tài liệu của dự án

 

0344-03_Learning Club_4 [2]

Ngoài được học các kiến thức chăm sóc con cái, phụ nữ được hướng dẫn các bài tập vận động nhẹ để nâng cao sức khỏe sinh sản

 

0344-03_Learning Club_6 [3]

Phụ nữ mang thai tham gia tập huấn các kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh

Phân tích số liệu từ kết quả điều tra sau dự án cho thấy các chương trình giáo dục can thiệp đã thay đổi tích cực nhận thức/hành vi của phụ nữ mang thai và sau sinh (kiến thức/hành vi phản ứng về các dấu hiệu nguy hiểm khi có thai, các kỹ thuật trong quá trình chuyển dạ, bú mẹ và ăn dặm). Trong hành vi chăm sóc, dạy dỗ và đáp ứng lại nhu cầu tình cảm của trẻ của các bà mẹ tham gia câu lạc bộ học tập cũng có thay đổi rõ rệt. Đặc biệt là việc các phụ nữ nông thôn đã ý thức hơn về phát triển toàn diện cho trẻ về cả mặt thể chất lẫn tinh thần, kích thích được sự phát triển toàn diện của trẻ và giảm thiểu những hành vi có thể gây thương tổn tâm hồn trẻ.

IMG_0777 [4]

Mục tiêu của dự án là giúp các bà mẹ nông thôn nhận thức đúng đắn về sự phát triển toàn diện của trẻ giúp chúng khỏe mạnh cả về thể chất và tình thần

Những kết quả ấn tượng trên đã trở thành bằng chứng khoa học xác đáng cho việc sửa đổi Luật Trẻ em theo hướng ưu tiên sự phát triển 1000 ngày đầu đời của trẻ, và sự ưu tiên này hoàn toàn có thể được thực hiện tại các vùng nông thôn Việt Nam một cách gần gũi với người dân, do chính quyền địa phương chỉ đạo và do chính người dân tại địa phương triển khai tổng quát và không tốn kém qua hình thức học tập tại cộng đồng với đối tượng đích là phụ nữ mang thai và đang nuôi con nhỏ.

Sau hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu dự án trên trong hoạt động vận động chính sách bảo vệ trẻ em, diễn ra tại Hà Nội ngày 6/10/2015, Trung tâm RTCCD đã có kiến nghị đề xuất sửa Luật trẻ em, đưa nội dung “Ưu tiên cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong những năm đầu đời” vào Luật. Kiến nghị này đã nhận được phản hồi tích cực và hành động ủng hộ từ Tiểu ban thẩm tra Luật Trẻ em của Quốc hội. Theo đó, các dịch vụ y tế, giáo dục trong những năm đầu đời của trẻ sẽ được chi trả bởi gói dịch vụ bảo hiểm y tế cơ bản.  Điều này chứng tỏ sự vào cuộc mạnh mẽ của Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm vụ vì sự phát triển toàn diện của trẻ hướng tới giảm nghèo vững bền cho đất nước.

Thông tin về dự án xem tại đây [5]

Vân Mai