- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Hướng tới một châu Á không amiang

Hà Nội, ngày 6-7/9/2015 – Mạng lưới Vận động cấm sử dụng amiang tại Việt Nam (Vn-BAN) phối hợp với Mạng lưới Cấm sử dụng amiang tại Châu Á (A-BAN), tổ chức hội nghị chuyên đề “Vì một châu Á không amiang, hướng tới cấm amiang trên toàn thế giới” (Asbestos-free Asia towards Global Ban). Hội nghị nằm trong khuôn khổ của Hội nghị thường niên năm 2015 của A-BAN phối hợp với Mạng lưới châu Á bảo vệ quyền của các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bệnh nghề nghiệp và môi trường (ANROEV) diễn ra tại Hà Nội từ 4-7/9/2015.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), amiang là nguyên nhân hàng đầu gây nên gánh nặng bệnh nghề nghiệp, đặc biệt nhóm bệnh về phổi như ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, xơ hóa phổi, bụi phổi. Mỗi năm trên thế giới có hơn 107.000 người chết và 1,5 triệu người mắc bệnh liên quan tới amiang. Hiện tại, châu Á và khu vực Trung Đông là khu vực tiêu thụ amiang nhiều nhất thế giới. Thống kê cho thấy, ít nhất 85% (khoảng 2 triệu tấn) lượng amiang được tiêu thụ tại các khu vực này mỗi năm.

WP_20150906_11_13_54_Rich
Các chuyên gia và nạn nhân amiang từ Hàn Quốc đến chia sẻ tại hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của gần 100 đại biểu, gồm 60 đại biểu quốc tế đến từ 18 nước và 5 tổ chức quốc tế trong đó bao gồm cả đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Hội nghị được tổ chức thành 3 phiên thảo luận các báo cáo tại hội trường, và 1 buổi sáng thực địa thăm cơ sở sản xuất tấm lợp fiborximang ở Hải Dương với hai dây chuyền sản xuất có sử dụng và không sử dụng amiang. Tổng cộng có 12 báo cáo chia thành 3 chủ để: (1) Cập nhật tình hình thế giới và khu vực châu Á về cơ sở khoa học và các hoạt động hướng tới cấm amiang toàn cầu; (2) Chia sẻ thông tin thực hiện tại các nước Á châu; (3) Thảo luận về hành động hợp tác cho mục tiêu chung vì một châu Á không amiang.

Đại diện cho Việt Nam, Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cũng đã có bài chia sẻ về thành tựu và thách thức trong lộ trình cấm sử dụng amiang trắng tại Việt Nam theo khuyến nghị của WHO và kế hoạch hành động thanh toán bệnh liên quan tới amiang ở Việt Nam trong giai đoạn 2015-2030 hợp tác với WHO, ILO, và Tổ chức Nhân dân về y tế, giáo dục và phát triển Hải ngoại Australia (APHEDA).

WP_20150906_12_12_10_Raw [1]
Bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế đến trình bày tại hội thảo

Ngay buổi khai mạc, chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu tác hại của amiang, giáo sư tiến sĩ Ken Takahashi Giám đốc Trung tâm hợp tác WHO vì Sức khỏe lao động, Đại học Sức khỏe Lao động và Môi trường, Nhật Bản đưa ra kết luận: “Các nhà khoa học trên thế giới nhất trí coi amiang là mối nguy hại cho sức khỏe toàn cầu… mỗi nước cần áp dụng 4 chiến lược đặc thù trong giải quyết sức khỏe toàn cầu bao gồm: hợp tác đa phương, phối hợp đa ngành, chia sẻ thông tin thường xuyên cả trên bình diện quốc gia và quốc tế, và có sự tham gia của những nhà hoạt động, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và tổ chức xã hội.”

Ông Sugio Furuya, điều phối viên Mạng lưới cấm sử dụng amiang châu Á, đã tổng hợp và cập nhật các hoạt động phòng ngừa tác hại của amiang tại châu Á, đồng thời nhận định thách thức, thành công và bài học kinh nghiệm cho phong trào vận động trong tương lai. Theo đó, diễn biến thực hiện mục tiêu “Vì một châu Á không amiang” đạt được thành công ở các mức độ khác nhau tùy mỗi nước, chia thành 4 nhóm: A, B, C, D dựa trên tiêu chí về chiến lược hành động của chính phủ, nhận thức của cộng đồng và nạn nhân amiang. Nhóm A gồm các nước đã đạt được mục tiêu có luật đi vào hiệu lực cấm hoàn toàn sử dụng amiang như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Nepal. Việt Nam nằm trong nhóm B cùng các nước Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, chưa có được luật cấm sử dụng amiang, mặc dù đã đưa ra mốc cấm. Nhóm C có hoạt động vận động cấm amiang nhưng chưa có được mốc cấm. Nhóm D chưa có được sự khởi động cần thiết.

WP_20150906_13_59_04_Raw [2]
Phiên thảo luận lập kế hoạch chiến lược theo nhóm khu vực – Nhóm các nước Nam Á

Điểm nhấn trong 2 ngày hội nghị là chương trình tham quan dây chuyền sản xuất tấm lợp có amiang và không amiang tại Hải Dương, một trong những dây chuyền máy sản xuất tấm lợp không amiang tại Việt Nam đang xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. Qua chuyến thực địa, các đại biểu đều đồng ý rằng không thể kiểm soát được phơi nhiễm với amiang kể cả tại cơ sở sản xuất hay tại cộng đồng. Một đại biểu từ Việt Nam cũng chia sẻ rằng các bao đựng amiang sử dụng xong được tái chế làm túi đựng tấm lợp fibro xi măng, thậm chí được người dân tận dụng để đựng gạo.

Theo Bà Lương Mai Anh: “Nhận thức của cộng đồng về tác hại của amiăng còn rất hạn chế, điều này có tác động không nhỏ đặc biệt khi các sản phẩm có chứa amiang hiện nay chưa được dán nhãn cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đối với sức khỏe.”

Tại phiên cuối cùng của hội nghị, TS. Đỗ Quốc Quang từ Viện Công nghệ, Bộ Công thương đã trình bày về nguyên liệu thay thế sợi amiang trên thế giới cũng như công nghệ sản xuất tấm lợp không amiang tại Việt Nam, cho thấy rằng công nghệ thay thế đã có ở Việt Nam từ hơn 10 năm nay với chi phí đầu tư ban đầu chuyển đổi công nghệ sản xuất không tốn kém, sản phẩm thân thiện với sức khỏe được sản xuất ra với chi phí chênh lệch chỉ khoảng 13% so với tấm lợp fibro xi măng.

WP_20150907_14_40_37_Raw [3]
TS. Đỗ Quốc Quang chia sẻ về công nghệ sản xuất tấm lợp thay thế không amiang

Chia sẻ với ý kiến của TS. Đỗ Quốc Quang, TS. Barry Castleman cho biết các loại vật liệu thay thế tấm lợp amiang rất phong phú với giá chênh lệch chỉ từ 6% và khuyến cáo các nước thành lập trung tâm phổ biến kiến thức và hỗ trợ chuyển đổi công nghệ sản xuất tấm lợp không amiang, thân thiện với môi trường và sức khỏe.

Kết thúc hội thảo, ông Sugio Furuya đánh giá “Đây là hội thảo thành công nhất từ trước tới nay” và “Việt Nam có thể trở thành điểm sáng chia sẻ kinh nghiệm thực tế về vai trò của tổ chức xã hội dân sự trong vận động chính sách cấm amiang và sự thành công trong hợp tác với Bộ Y tế,  Quốc hội và các cơ quan truyền thông trong xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh toán bệnh amiang. Các nước như Ấn Độ, Nepal, Lào… đề nghị Việt Nam hỗ trợ chia sẻ công nghệ sản xuất tấm lợp không amiang.

Các đại biểu nhận thấy tầm quan trọng trong việc xây dựng một chiến lược hành động chung trên toàn châu Á và nhu cầu tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng tại các quốc gia. Song song với đó là hợp tác thực hiện nghiên cứu giám sát ô nhiễm tại từng nước. Hội nghị cũng thống nhất trong năm tới sẽ tổ chức một hội thảo khu vực về amiang tại Việt Nam để đẩy mạnh các hoạt động chung tiến tới chuẩn bị hội nghị Rotterdam COP8 ở Geneva, Thụy Sỹ vào năm 2017.

WP_20150906_10_43_12_Raw [4]