- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Hai Căn Nguyên Lớn Khiến COVID-19 Phát Tán Rộng.

COVID-19 là thử thách lớn nhất cho tới nay giúp loài người “tự nhận diện” khả năng phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm của hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu.

Những ngày đầu bùng phát dịch ở Vũ Hán. Nguồn: GettyImages

Những ngày đầu bùng phát dịch ở Vũ Hán. Nguồn: GettyImages

Những câu hỏi cần làm sáng tỏ

Từ một vi rút chỉ ở động vật tự nhiên, SARS-CoV-2 “biến thể” tìm đến người, để rồi trong vòng 2 tháng, đã “vượt thoát” hệ thống kiểm soát dịch bệnh (CDC) Vũ Hán, Hồ Bắc, lan sang các tỉnh thành thách thức cả hệ thống CDC Trung Quốc. Tới nay, có thể nói, SARS-CoV-2 đã “đánh bại” cả “cường quốc Trung Hoa” lẫn “Liên Minh An ninh sức khoẻ toàn cầu”, để “vươn tầm” gây “dịch COVID-19 đe dọa trên 100 nước, trước khi (theo tôi tiên liệu) sẽ “tự rút về” trong vòng ít tháng tới để “sống chung với người”. Tức là, công tác phòng chống trong thời gian vừa qua, nhìn nhận một cách khách quan, hẳn phải “có vấn đề” cần được làm sáng tỏ.

Chưa bao giờ loài người có được năng lực phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm phát triển lớn mạnh đến như bây giờ. Hệ thống y học dự phòng, y học điều trị, y tế công cộng, và cả bộ máy quản trị vận hành hệ thống từ chính phủ tới quân đội, công an, cùng luật pháp và vô số các điều kiện khác cho phép người lãnh đạo tập trung nhanh nhất mạnh nhất nguồn lực đối phó dịch bệnh ở từng quốc gia cũng như phạm vi quốc tế.

Bản thân vi rút SARS-CoV-2 “thế và lực” không phải là “quá mạnh”, “quá mới” so với kinh nghiệm phòng chống dịch truyền lây từ động vật sang người. Lây nhiễm đường hô hấp tuy nhanh, nhưng còn kém xa sởi, quai bị. Mức độ “ác tính” thì thua SARS, MERS trong cùng họ corona. Kinh nghiệm phòng chống bệnh truyền lây từ động vật sang người suốt hai thập kỷ qua, trong đó gồm cả dịch bệnh gây bởi vi rút corona (SARS, MERS), hoàn toàn cho phép kiểm soát tốt ngay trong tháng đầu khởi phát.

Vậy mà dịch xảy ra vượt ngoài tưởng tượng, tiếp tục gây hoang mang ở nhiều quốc gia, với tổn hại về vật chất và tinh thần chỉ trong vài tháng lên đến độ không một vụ dịch nào trước đó sánh được. Hẳn phải có sự “bất thường” trong vận hành hệ thống phòng chống dịch của các chủ thể liên quan, cả ở tầm quốc gia và quốc tế, làm nên “thất bại” ngăn chặn COVID-19 phát triển thành đại dịch toàn cầu. Thất bại này phải được quy vào trách nhiệm cụ thể, để tránh không lặp lại.

Có nhiều vấn đề cần mổ xẻ, nhưng bài viết này phân tích và dẫn chứng quy trách nhiệm tới hai “chủ thể chính” chưa có nhiều phân tích, đó là (1) Trung Quốc, nơi khởi phát, tâm dịch; (2) tổ chức Y tế thế giới- WHO, cơ quan chịu trách nhiệm về mặt khoa học tiên lượng nguy cơ lây lan toàn cầu và ra chính sách cảnh báo cùng các hướng dẫn kỹ thuật kiểm soát dịch bệnh. Sự liên hệ với Việt Nam chỉ nhằm phục vụ kiến nghị điều chỉnh cho những ngày tới.

Thiếu đánh giá độc lập khiến cả Trung Quốc và WHO “không biết mình”

Để “biết mình, biết người” trong phòng chống dịch bệnh, cần nhận ra điểm yếu chưa đáp ứng yêu cầu chống dịch bệnh của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Hệ thống này được thiết lập mang dấu ấn của từng quốc gia, trong sự hợp tác cho mục tiêu an ninh sức khỏe toàn cầu, điều phối quốc tế bởi một số chủ thể, mà trọng trách chính là tổ chức y tế thế giới- WHO. Mà trong trường hợp của Covid-19, nguyên nhân “không tự biết mình” đến từ sự thiếu vắng giám sát, đánh giá hệ thống một cách độc lập, khách quan.

Thực vậy, Vũ Hán rơi vào khủng hoảng, bởi thất bại trong chẩn đoán sớm về sự hình thành của dịch trong tháng 12. Nối tiếp là thất bại trong triển khai chiến lược khống chế dịch trong suốt 3 tuần đầu tháng 1, để dịch âm thầm lây lan cả trong nước và quốc tế. Và tiếp tục thêm thất bại trong giai đoạn phong tỏa thành phố, nhất là thời gian đầu (23/1-7/2), khiến lây lan trong đội ngũ nhân viên y tế cao vọt, và số ca chết vượt hơn mọi nơi khác ở Trung Quốc và các nước dịch lan đến.

WHO, thực thể chịu trách nhiệm đánh giá nhận đình tình hình thực tế dịch COVID-19 và đề ra cảnh báo chính sách toàn cầu, dường như dựa hoàn toàn vào thông tin từ Chính phủ Trung Quốc, mà không có nguồn độc lập nào khác. Phải tới 10/2, khi khủng hoảng Vũ Hán đã đi quá nửa chặng đường, dịch đã ở mức “nguy cơ cao” trên toàn thế giới, mới bắt đầu thực hiện đánh giá thực địa. Nhưng cả tuần đầu vẫn chỉ là họp ở Bắc kinh, tới 17.2 mới xuống cộng đồng, chậm 7 tuần so với thời điểm “được thông báo” có dịch (31/12/2019-17/2/2020). Hơn nữa, cũng chỉ có một nhóm “chuyên gia chọn lọc” chủ yếu là “chuyên gia Trung Quốc” về tâm dịch Vũ Hán trong 2 ngày 22-23/2, trong khi nhóm còn lại đã “ở Quảng Châu viết báo cáo từ ngày 21/2” và đánh giá Trung Quốc khống chế thành công. Và nếu vẫn không có một đánh giá độc lập nào khác để rút kinh nghiệm về tình hình chống dịch ở Trung Quốc, thì nguy cơ các dịch bệnh truyền nhiễm khác trong tương lai tái lập kịch bản “khủng hoảng Vũ Hán” vẫn còn treo nguyên đó.

“Không biết người” – tư duy dịch tễ học không được coi trọng

Biết người, ở đây là biết “địch thủ”- loại vi rút corona biến thể mới 2019 có “thế và lực” đặc thù do “hoàn cảnh xã hội” của Vũ Hán đưa lại. Có bằng chứng để kết luận rằng, vào thời điểm thừa nhận có dịch (30/12/2019) và thông báo tới WHO (31/12/2019), chính quyền Trung Quốc đã không biết “sự thật khoa học về dịch bệnh COVID-19” theo đúng yêu cầu cơ bản “cần phải biết” và “hoàn toàn có thể biết được” (nếu để khoa học dẫn đường) để phục vụ cho mục tiêu công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Phần biết, thì đã “công bố” – đó là tồn tại dịch bệnh mới với bệnh cảnh lâm sàng giống SARS, gây bởi nhóm vi rút corona biến chủng mới, từ động vật truyền sang người, xảy ra tại Vũ Hán và nguồn gốc lây truyền có thể liên quan tới chợ hải sản Vũ Hán.

Phần còn lại “không biết”, tiếc thay chính lại toàn những điểm “quyết định” cho việc “hiểu được” mức độ phát tán lây lan của dịch, khả năng dự báo quy mô dịch đang hoành hành, và là cơ sở để quyết định biện pháp dập dịch, mà không cần đợi đến “có vaccine phòng chống đặc hiệu”. Truy cho cùng “sự không biết này”, là bởi “tư duy dịch tễ học” dường như bị xem nhẹ trong suốt tiến trình vận hành hệ thống, đặc biệt ở vào giai đoạn đầu “then chốt nhất” để có thể khống chế hiệu quả sự lây lan của dịch. Trong suốt tiến trình gồng mình chống dịch cả khi đã phong tỏa Vũ Hán, Trung Quốc chỉ thông báo “số trường hợp xét nghiệm dương tính, số ca chết từ hệ thống bệnh viện”, mà dường như không có điều tra dịch tễ học cộng đồng nào để tính tỷ lệ hiện mắc, tỷ lệ mới mắc, tỷ lệ chết mắc… – đó là những chỉ số tối quan trọng để hiểu về “thế và lực” của vi rút “corona Vũ Hán” đang hoành hành.

Trở lại hồ sơ của tâm dịch Vũ Hán trong những ngày đầu của dịch bệnh, người ta thấy rõ sự thiếu vắng của “tư duy dịch tễ học”, khi có trong tay tới 41 bệnh nhân “giống SARS nhưng không phải là SARS” ngay trong tháng 12/2019 mà tới thời điểm trung tuần tháng 1, các nhà khoa học Trung Quốc vẫn không có được báo cáo nghiên cứu dịch tễ học chuẩn thức cho tập hợp bệnh nhân này, khiến không kịp nhận ra “bệnh lây truyền từ người sang người”.

Cả khi đã phải chấp nhận “có dịch bệnh do vi rút corona biến thể mới” vào 30/12/2019, chính quyền Trung Quốc cũng không tiến hành ngay một nghiên cứu điều tra mức độ lây lan “hoặc thiết lập giám sát điểm (sentinel sites)” để làm rõ các chỉ số, tỷ lệ dịch tễ học thiết yếu cùng nhận biết các nguy cơ giúp “tiên lượng” mức độ dịch lây lan trong cộng đồng kịp thời. Dường như tinh lực của giới khoa học Trung quốc tập trung vào hướng “nghiên cứu vi rút học” (giải mã và công bố bộ gene vi rút, sản xuất vaccine…), mà “quên mất” tư duy dịch tễ học trong phòng chống dịch. Đây là “điểm cốt tử” khiến đội ngũ lãnh đạo hệ thống rơi vào tình trạng “lơ mơ” về tình hình dịch bệnh, đẩy hệ thống phòng chống dịch Vũ Hán, Hồ Bắc rơi vào thế gần tháng trời loay hoay quanh “chặn nguồn lây từ động vật” trong khi cơ chế lan truyền chính lại là từ người sang người. “Thiếu vắng tư duy dịch tễ học” cũng chính là “nguyên nhân” đẩy sự ra đi dễ dàng của hàng triệu cư dân Vũ Hán tỏa ra khắp nơi trước khi thành phố bị “phong tỏa” vào 23/1/2020. Nó cũng là nguyên nhân khiến công tác phòng chống lây nhiễm ở các cơ sở y tế bị thả lỏng trong giai đoạn đầu của dịch, biến không ít các cơ sở y tế trong thành phố trở thành “ổ dịch”, mà nạn nhân trực tiếp là các nhân viên y tế. Khi dịch lan tràn trong nhân viên y tế, thì “khủng hoảng nhân lực và chất lượng y tế” ắt phải đến.

Cũng cần nói thêm, về điều không may (cho Trung Quốc, và cho thế giới) là từ 3/1/2020, Trung Quốc thực hiện thông báo dịch hằng ngày với WHO, nhưng thay vì nhận được những khuyến cáo kỹ thuật phải thực thi, các nghiên cứu phải được thiết lập kịp thời làm rõ đặc điểm dịch tễ học của bệnh làm cơ sở cho chiến lược phòng chống, Trung Quốc lại nhận lại toàn lời khen, khiến càng vững tâm “giữ nguyên” chiến lược “chống dịch có cơ chế lây truyền từ động vật sang người” trong suốt 3 tuần đầu tháng 1.

Đến đây, một câu hỏi đặt ra: Chẳng lẽ Trung Quốc, với hệ thống phòng chống dịch được “cải cách” theo “chuẩn CDC quốc tế” trên toàn quốc từ nhiều năm nay, lại để xảy ra tình trạng “thiếu vắng tư duy dịch tễ học” đến thế? Chả lẽ WHO và cả liên minh “an ninh y tế toàn cầu” lại không có được sự “hỗ trợ chuyên gia dịch tễ học”?

Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng, Trung Quốc không thiếu nhà dịch tễ học được đào tạo bài bản từ các trường đại học hàng đầu thế giới. Cái họ thiếu trong trường hợp này là vấn đề minh bạch thông tin. Câu chuyện “bác sĩ Lý Văn Lượng” nên được xem là ví dụ điển hình của tư duy dịch tễ học lâm sàng đã bị lờ đi do thông tin về dịch bệnh không được bạch hóa ngay từ đầu. Đó cũng là lý do giải thích, tại sao, phần “gene học” hay “sản xuất vaccine” vốn chỉ liên quan tới “ vi rút corona” trong phòng thí nghiệm thì các nhà khoa học Trung Quốc làm tốt, rất nhanh, rất kịp thời “chỉ sau một tuần công bố có dịch”. Còn phần “dịch tễ học cộng đồng” và tư duy nghiên cứu làm rõ “nguy cơ phát sinh phát triển dịch bệnh tồn tại trong cộng đồng” lại chậm đến khó hiểu.

Bài học minh bạch thông tin dịch tễ học

Diễn tập chống dịch Covid-19 ở Hà Nội. Nguồn: Kinh tế đô thị.

Diễn tập chống dịch Covid-19 ở Hà Nội. Nguồn: Kinh tế đô thị.

Muốn phòng chống dịch được tốt, cần “biết mình, biết người”. Khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 ở Vũ Hán là đầu mối cung cấp rất nhiều bài học cho Việt Nam, cần được nghiên cứu một cách thật khách quan và hệ thống. Đến lúc này, tối thiểu hai bài học cần được áp dụng ngay.

Thứ nhất, công tác giám sát, đánh giá độc lập sự vận hành hệ thống phòng chống dịch phải được đưa vào, dù cho đường lối, chính sách, chiến lược phòng chống COVID-19 được đưa ra “rất đẹp, rất đúng” đến đâu đi nữa. Bởi không giám sát, đánh giá độc lập, khó tránh khỏi tình trạng hệ thống “làm việc trên giấy”, xa rời thực tế. Mà dịch bệnh, lại diễn ra rất thực tế, biện pháp phòng chống phải có chất lượng rất cụ thể. Việt Nam hiện chưa thực hiện giám sát đánh giá độc lập hệ thống phòng chống dịch nói riêng và y tế nói chung, cả trên phương diện cấu trúc hệ thống và cơ sở pháp lý.

Thứ hai, phòng chống dịch, phải được dẫn đường bởi tư duy dịch tễ học. Các nhà dịch tễ học luôn làm việc với các chỉ số, tỷ lệ, các ‘trường hợp lạ” đến từ các điều tra hệ thống, điều tra cộng đồng, điều tra lâm sàng. Các nhà dịch tễ học không thể bị ám ảnh với việc phải làm các báo cáo với số liệu đẹp lòng, mà cần phải phân tích một cách xác đáng nguy cơ dịch bệnh, để tránh vấp phải khủng hoảng.

Khủng hoảng xã hội không phải là do dịch bệnh, mà thực ra, sâu xa hơn, đến từ phòng chống dịch bệnh không bắt nguồn từ tư duy khoa học, không để dịch tễ học dẫn đường.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Liên minh an ninh sức khỏe toàn cầu: https://ghsagenda.org/.

2. Đường dẫn tìm hiểu chương trình của WHO về an ninh y tế thế giới: https://www.who.int/health-security/en/ ).

3. Báo cáo cập nhật tình hình dịch COVID-19 trên thế giới của WHO, từ 21/1 đến nay: https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/situation-reports

4. Báo cáo thực đia về dịch bệnh COVID-19 tại Trung quốc của đoàn WHO: https://www.who.int/docs/default-source/coronaviruse/who-china-joint-mission-on-covid-19-final-report.pdf

 

Trần Tuấn (TS Dịch tễ học và Sức khỏe dân số, bác sĩ Y học dự phòng, từ trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD)).