- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Đóng góp ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em sửa đổi

Hiện nay, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em vẫn đang trong giai đoạn sửa đổi, tiếp nhận ý kiến, xin góp ý của các chuyên gia trong nước để xây dựng một bộ Luật hướng tới sự chăm sóc và giáo dục toàn diện cho trẻ em, nhằm tăng cường việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam. Cổng thông tin điện tử Chính phủ đang được mở để lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật, quý vị quan tâm có thể theo dõi tại đây [1].

Đối với dự thảo lần này, Liên minh Vận động chính sách Y tế đã thực hiện hội thảo góp ý dành cho các đại biểu quốc hội và chính quyền địa phương tại Đà Nẵng và An Giang, tọa đàm tham vấn ý kiến trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh về các nội dung mà EBHPD đang vận động. Đại diện cho chúng tôi, BS. Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm RTCCD, Trưởng ban Vận động sửa đổi Luật BVCS&GD Trẻ em và TS. Trần Tuấn, trưởng ban Thường trực Hành động của EBHPD có ý kiến như sau:

1/ Điều 5: Cần có sự giải thích rõ ràng “chăm sóc, phát triển 3 năm đầu đời của trẻ là gì” vì đây là thời kì vàng đối với sự phát triển của trẻ cả về thể chất và tinh thần, là nền tảng để trẻ có sự phát triển khỏe mạnh và toàn diện sau này. Vì thế trẻ em trong 3 năm đầu đời cần có sự chăm sóc quan tâm đặc biệt để trẻ có thể phát triển tốt nhất cả về tầm vóc thể chất và trí tuệ.

2/ Điều 8, khoản 2 (Nguồn lực cho trẻ em) và các điều liên quan: Đề nghị điều chỉnh nội dung cần có “Dành tỉ lệ chi ngân sách thích hợp để đảm bảo cho CÁC TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC VÀ NGOÀI NHÀ NƯỚC thực hiện công tác bảo vệ và giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”.

3/ Điều 9, khoản 4: Trẻ em tuổi nhỏ, đặc biệt là trong 3 năm đầu đời cần được ưu tiên chăm sóc. Cùng đó là việc phát triển hệ thống nhà trẻ công lập với quy định rõ ràng, có sự theo dõi sát sao để chăm sóc tốt cho trẻ, vì hiện nay ở nhiều địa phương, trẻ em dưới 3 tuổi đang phải gửi ở các nhóm trẻ gia đình, không được bảo vệ, đảm bảo các quyền cơ bản, không có điều kiện chăm sóc tốt cho các em (Đại biểu HĐND Đà Nẵng).

4/ Điều 9, khoản 5: Không chỉ riêng sự phối hợp công-tư mà còn phải phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước và ngoài nhà nước.

5/ Điều 10 : Thêm điều 10B- Sự hợp tác giữa nhà nước và các tổ chức ngoài nhà nước.

6/ Điều 15, khoản 1: Cần sửa đưa vào quyền được chăm sóc sức khỏe tốt nhất để trẻ phát triển toàn diện (bỏ thể chất và tiềm năng).

7/ Điều 15, khoản 2: Đề nghị sửa theo hướng: Nhà nước bảo đảm tạo lập môi trường công bằng cho các thành phần cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em gồm công, tư, phi lợi nhuận thực hiện các dịch vụ CSSKTE.

8/ Chương III- Đối với Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em.

9/ Đề nghị bổ sung cơ chế giám sát độc lập chất lượng thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam vào cấu trúc vận hành hệ thống giám sát (Đại biểu Đà Nẵng).