- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Đối thoại mở True Color: Thành thực với cảm xúc và tự tin với giá trị của chính mình

Đối thoại mở có sự tham gia của Nhóm Công tác xã hội của Trung tâm RTCCD, nhóm sinh viên Nhật Bản và các bạn trẻ đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Tại buổi đối thoại, chúng tôi đã được lắng nghe câu chuyện tự thúc đẩy bản thân vượt lên sự cô đơn, áp lực học tập và trang trải cho cuộc sống của các bạn trẻ; sự mung lung về tương lai, khó khăn khi phải đứng giữa mong muốn của gia đình và ước mơ của bản thân.

Những người tham gia đều thấy rằng ngay cả với những mối quan hệ được coi là gần gũi nhất như quan hệ gia đình, mà đôi khi cũng xảy ra những mâu thuẫn. Lý giải cho điều này có thể do khi chúng ta càng thân thiết thì lại càng ít khi để ý đến cảm nhận của nhau nên cũng ít khi chịu lắng nghe. Sự ức chế khi phải tuân theo lời cha mẹ và các thành viên trong gia đình mà không được thấu hiểu khiến chúng ta cảm thấy buồn chán, tức giận nhưng lại luôn giấu kín trong lòng. Cảm giác đó rõ ràng khiên chúng ta khó chịu và khi không thể tự giải tỏa thì sẽ gây ra những trở ngại trong công việc và cuộc sống.

Nhưng làm sao để người khác lắng nghe mình? Thay cho câu hỏi đó, bạn hãy hỏi “Làm sao để người khác hiểu cảm xúc, suy nghĩ của mình?” Việc bạn có thể gọi tên cảm xúc cũng chính là cách để giải tỏa căng thẳng, áp lực từ những thứ xúc cảm muộn phiền, khó chịu cũng như làm tăng tác động tích cực của những cảm xúc dễ chịu như vui vẻ, hạnh phúc, biết ơn, cảm kích…

Các bạn trẻ đều đồng ý rằng suy cho cùng, chúng ta không nên cố đè nén cảm xúc của mình. Chỉ khi trong một mối quan hệ, những suy nghĩ, cảm xúc của mình được tôn trọng cũng như bạn tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc của người khác thì đó mới là một mối quan hệ lành mạnh, khiến cho bạn tin tưởng, hạnh phúc và được là chính mình. Đó là biểu hiện của trạng thái “an toàn trong cảm xúc” mà những người tham gia buổi nói chuyện đã tìm ra.

Nhưng tôi e ngại rằng mọi người sẽ phán xét, sẽ bình phẩm về những điều trong lòng mà bình thường tôi không nói ra. Bạn có suy nghĩ đó không? Tại Đối thoại mở, các bạn trẻ đã đưa ra những ý kiến về tự nhận thức hình ảnh bản thân. Hình ảnh bản thân cho bạn thấy một cách rõ ràng những đặc điểm, tính cách, phẩm chất mà bạn tự nhận thấy ở chính bản thân mình. Cho dù đó là những hình ảnh bạn mong muốn hay không thì nó cũng thể hiện con người bạn. Do đó, chúng ta không cần phải tự thấy xấu hổ hay thất vọng vì điều đó. Việc tự nhìn nhận bản thân một cách tích cực và thực tế là điều mà mỗi người cần rèn luyện mỗi ngày qua công việc, giao tiếp và các mối quan hệ trong cuộc sống.

Chỉ khi bạn có thể tự nhìn nhận những giá trị bản thân thì khi đó bạn mới có thể tự chủ với các quyết định và tự tin với những cảm xúc của mình. Đó không chỉ là một yếu tố cần thiết để có thể xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với mọi người mà đó còn là bản lề, chân giá trị để bạn đứng vững, được là chính bạn cho dù bất kể điều gì.