- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Đau lòng trẻ cầm dao dọa giết bố mẹ vì bị cấm chơi game

Tự hành xác vì bị cấm chơi game

Chia sẻ với báo Phụ Nữ TP.HCM về vấn đề này Tiến sĩ, Chuyên gia y tế dự phòng Trần Tuấn, Giám đốc phòng khám Cây thông xanh (Phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, trong suốt quá trình khám và điều trị các vấn đề về tâm lý cho các bệnh nhân, ông đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ nghiện game, sử dụng các thiết bị smartphone và để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Ông Trần Tuấn đưa ra ví dụ về một trường hợp điển hình là em Nguyễn A.Q (học sinh lớp 6). Vốn ở nhà Q không dùng các thiết bị điện tử nhưng khi đến trường bị các bạn rủ rê, Q trốn bố mẹ và thầy cô lao vào quán điện tử chơi game. Cho đến khi bố mẹ phát hiện ra và cấm đoán thì Q đã bị “nghiền” nặng.

mother-scolding-child-120206 [1]

Ảnh minh họa

Thấy con như vậy, cha mẹ Q rất giận, nhiều lần đánh mắng con nhưng một thời gian Q trở nên lì đòn, không còn biết sợ. Có lần bị bố đánh, Q lao vào đánh lại. Sau đó, em trả thù sự cấm đoán của bố mẹ bằng cách lao vào chơi nhiều hơn để trêu tức bố mẹ. Sự việc khiến gia đình em càng đau lòng và bất lực.

Tự tử để trả thù cha mẹ

Chuyên gia Trần Tuấn từng nhiều năm kinh nghiệm trong việc điều trị tâm lý cho trẻ chia sẻ rằng, không chỉ phản kháng lại bằng cách đánh đấm bố mẹ, tự hành hạ mình, nhiều trẻ còn có những hành động ngỗ ngược và nghiêm trọng hơn.

Đầu năm nay, Tiến sĩ Tuấn tiếp nhận thêm một trường hợp, nguyên nhân phát sinh cũng là do các thiết bị điện tử. Em M.A (học sinh lớp 10), khi còn học cấp 2, A học rất giỏi nhưng khi lên đến cấp 3, điểm số của em nhiều khi lên xuống thất thường.

Bố mẹ A chưa hiểu rõ nguyên nhân, quay sang trách mắng con. A lại càng buồn khi thấy bố mẹ quan tâm em trai nhiều hơn. Để giải tỏa tâm lý, A vùi đầu vào máy tính chơi game và viết truyện. Một lần bố mẹ A tá hỏa khi đọc được một đoạn A viết mình rất căm hận bố mẹ và muốn trả thù bố mẹ.

ad_children [2]

 Ảnh minh họa

Khi bác sĩ hỏi: “Tại sao cháu lại có suy nghĩ như vậy?” thì cô bé trả lời: “Đời cháu con còn dài, đời bố mẹ cháu ngắn hơn, nên cháu phải hành hạ bố mẹ cháu.”

Tiến sĩ Tuấn cho biết: “Hầu hết các trường hợp khi bị bố mẹ cấm đoán quyết liệt, trẻ đều có suy nghĩ tự tử. Bởi trẻ nghĩ, đó là cách để trả thù bố mẹ của mình”.

Giáo dục thế nào để trẻ tránh được vết thương tâm lý?

Tiến sĩ Tuấn cho biết, để điều trị cho các trường hợp này, ông đã phải rất kiên trì sử dụng liệu pháp tâm lý.

BS.TS. Trần Tuấn – Giám đốc RTCCD

Nhưng điều quan trọng chuyên gia Trần Tuấn muốn nhắn nhủ đến các ông bố bà mẹ là: “Các bậc phụ huynh cần nắm được những phương pháp nuôi dạy trẻ đúng cách từ những năm tháng đầu đời, để không phải gánh những gậu quả nghiêm trọng. Hai giai đoạn được coi là nền tảng và quan trọng nhất đối với trẻ là giai đoạn từ những năm đầu đời cho đến giai đoạn 3-8 tuổi. Cha mẹ cần xây dựng khả năng tự chủ trong việc tiếp cận thông tin để biết phân biệt đâu là đúng sai, tốt xấu. Đó được gọi là xây dựng khả năng miễn nhiễm.”

Xây dựng cho trẻ những thói quen tốt ngay từ những năm tháng đầu đời.

Thứ nhất là xây dựng cho trẻ thói quen khao khát đời sống thiên nhiên. Đây là vấn đề mà các ông bố, bà mẹ thường hay mắc phải nhất và không ngờ đây là cái gốc dẫn đến việc trẻ nghiện game sau này. Bởi một đứa trẻ khao khát thiên nhiên thường thích tự do, phóng khoáng, thích hoạt động hơn bên ngoài là việc ngồi bó chân một chỗ với các thiết bị điện tử.

Vì vậy, ngay từ nhỏ, bố mẹ cần cho trẻ tiếp xúc với môi trường thiên nhiên như việc thăm thú, dã ngoại, chăm sóc cây cối, làm vườn, nuôi các con vật… Ngoài ra thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời.

Thói quen thứ hai bố mẹ nên rèn cho trẻ đó là thói quen đọc sách, truyện. Bởi khi đọc, trẻ sẽ được rèn luyện thói quen nghiền ngẫm, kích thích sự khám phá cho trẻ. Bố mẹ nên chọn lựa sách phù hợp cho con và dành thời gian cùng con đọc sách, cùng còn thảo luận. Hơn nữa, chính bố mẹ phải là người làm gương, chăm đọc để trẻ noi theo.

Sau khi xây dựng 2 thói quen nền tảng cho trẻ, bố mẹ mới bắt đầu hướng dẫn cho trẻ biết cách khai thác thông tin hữu ích từ internet. Lứa tuổi phù hợp để bắt đầu thói quen này là khi trẻ bắt đầu bước vào tiểu học. Bên cạnh đó, bố mẹ cần hướng dẫn trẻ tránh xa các chương trình không phù hợp với lứa tuổi. Thậm chí là những quảng cáo không tốt cho trẻ trên Tivi.

Ngoài ra việc xây dựng cho trẻ nền tảng và thói quen tốt, theo tiến sĩ Tuấn, nhà trường cũng là nơi cần có những cách giáo dục trẻ hiệu quả. Bởi chính trường học cũng là một môi trường có tác động rất lớn đến trẻ.

Nhà trường cần mở ra nhiều hoạt động hữu ích cũng như những chuyến đi thực tế để trẻ được vận động và khám phá.Trẻ cần được học tập trong môi trường vừa học vừa chơi để không bị áp lực nhiều.

Hơn thế nhà trường cũng như các bậc cha mẹ cần bỏ ngay việc ép trẻ học quá nhiều, học theo lối học thuộc lòng. Bởi chính điều đó khiến trẻ bí bách về tâm lí, dẫn đến việc tìm đến các thiết bị điện tử để giải tỏa.

Cha mẹ cần tạo mối quan hệ thân thiết với trẻ, hãy làm những người bạn thân thiết của con để chúng thoải mái chia sẻ với bố mẹ. Không để trẻ có tâm lí sợ bố mẹ, bởi khi trẻ sợ, trẻ sẽ tìm mọi cách để che giấu.